Nhiều chuyên gia trên thị trường ngoại hối cho rằng một cuộc chiến tranh tiền tệ đã nổ ra song song với cuộc chiến thương mại.

Trong tuyên bố trên mạng xã hội Twitter ngày 20/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định: “EU, Trung Quốc và những quốc gia khác đã thao túng tiền tệ và duy trì lãi suất thấp. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất và đồng USD ngày càng mạnh hơn… Điều này đang làm mất đi lợi thế cạnh tranh lớn của chúng ta”.

Theo Bloomberg, cáo buộc của ông chủ Nhà Trắng được đưa ra sau khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc mất giá trong cùng ngày, vượt ngưỡng 6,8 Nhân dân tệ/USD lần đầu tiên trong một năm. Đáng chú ý, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) không phát tín hiệu nào về việc sẽ can thiệp để ngăn chặn đà giảm giá dữ dội của đồng nội tệ.

Các chuyên gia phân tích cho rằng nếu một cuộc chiến tranh tiền tệ thực sự xảy ra giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, hậu quả sẽ rất khó lường và vượt xa khỏi phạm vi hai đồng Nhân dân tệ và USD. Khi đó, các thị trường từ cổ phiếu tới hàng hóa cơ bản và các thị trường mới nổi sẽ đều rơi vào tình thế nguy hiểm.

Jens Nordvig, một chiến lược gia tiền tệ hàng đầu tại Phố Wall, nhận định: “Rủi ro thực sự nằm ở chỗ chúng ta đang đối mặt với tình trạng đứt gãy trên diện rộng của sự hợp tác trong thương mại và chính sách tiền tệ toàn cầu. Điều đó sẽ không mang lại kết quả tốt đẹp. Những cảnh báo mới nhất của ông Trump thực sự là một sự dịch chuyển từ chiến tranh thương mại sang chiến tranh tiền tệ”.

Theo ông Robin Brooks, chuyên gia kinh tế trưởng thuộc Viện Tài chính Quốc tế và là cựu chiến lược gia tiền tệ tại Goldman Sachs Group, cú sốc phá giá đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc năm 2015 là một ví dụ điển hình giúp hình dung về mức độ ảnh hưởng lan rộng của chiến tranh tiền tệ.

Giá dầu và các tài sản có độ rủi ro cao có thể sụt giảm mạnh khi mối lo về tăng trưởng trở nên lớn hơn, kéo theo sự suy yếu của các đồng tiền của những nước có độ phụ thuộc cao vào xuất khẩu hàng hóa cơ bản như đồng Rúp của Nga, Peso của Columbia và Ringgit của Malaysia. Tiếp đó, đà mất giá tiền tệ sẽ lan rộng ra toàn châu Á.

Ông Nordvig cho rằng mấu chốt của vấn đề hiện nay là liệu PBoC có can thiệp để giữ tỷ giá Nhân dân tệ quanh ngưỡng 6,8 Nhân dân tệ đổi 1 USD nhằm tránh căng thẳng leo thang xa hơn hay không.

Theo vị chuyên gia này, trong cuộc họp vào ngày 26/7 của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Chủ tịch ECB Mario Draghi rất có thể sẽ lên tiếng về biến động tỷ giá. Hồi đầu năm 2018, khi đồng USD giảm giá mạnh, ECB đã tỏ thái độ lo ngại.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin ngày 20/6 cho biết Mỹ đang theo dõi chặt chẽ liệu Trung Quốc có thao túng tỷ giá ngoại tệ của mình hay không.

“Không còn gì nghi ngờ, sự suy yếu của đồng tiền tạo ra một lợi thế bất bình đẳng cho họ. Chúng tôi sẽ xem xét cẩn thận việc Trung Quốc có thao túng tiền tệ hay không”, Reuters dẫn lời ông Mnuchin nói.

Theo CNN, việc hạ giá đồng Nhân dân tệ sẽ khiến các sản phẩm của Trung Quốc rẻ hơn với các khách hàng sử dụng đồng USD, qua đó giúp cho các ngành công nghiệp xuất khẩu khổng lồ của nước này đứng vững trước các lệnh áp thuế của Mỹ. Ngoài ra, động thái nói trên còn thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, hiện đang ở mức chậm nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Tuy nhiên, việc này sẽ trực tiếp đẩy căng thẳng thương mại giữa Washington và Bắc Kinh lên một nấc thang mới. Trong quá khứ, Mỹ đã nhiều lần tố cáo Trung Quốc cố tình “ghìm” đồng tiền của mình xuống để hỗ trợ cho ngành xuất khẩu.

Hiện tại, giới phân tích cho rằng sẽ rất mạo hiểm nếu Trung Quốc giữ đồng Nhân dân tệ yếu để gây chiến tranh tiền tệ với Mỹ. Tuy nhiên, khi căng thẳng thương mại giữa hai nước chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khả năng này vẫn có thể xảy ra.

Vỹ An