Một loạt những điều tồi tệ đã nhấn chìm thị trường chứng khoán Trung Quốc trong năm 2018, khiến các nhà đầu tư tại đây phải hứng chịu một năm thua lỗ lớn nhất trong nhiều năm qua, dù đầu tư ở bất cứ lĩnh vực nào.

Theo hãng tin Bloomberg, chứng khoán Trung Quốc đã bốc hơi 2.000 tỷ USD vốn hóa kể từ đầu năm nay và hiện đang chìm sâu trong “thị trường con gấu”, tức là một thị trường đã rơi vào tình trạng đầu cơ giá xuống sau khi giảm 20% so với mức đỉnh gần đây.

Nguyên nhân khiến thị trường sa sút có đủ loại, từ ảnh hưởng một vụ bê bối vaccine có quy mô toàn quốc, đến hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng giảm, chính quyền tăng cường kiểm soát với các công ty trò chơi trực tuyến, dược phẩm và giáo dục, và mới nhất là cuộc chiến thương mại với Mỹ ảnh hưởng nặng nề đến các công ty công nghệ Trung Quốc.

Do thị trường giảm trên diện rộng nên nhà đầu tư ở lĩnh vực nào cũng có thể rơi vào tình trạng thua lỗ.

Cả 10 nhóm cổ phiếu ngành thuộc chỉ số chứng khoán CSI 300 đều đang hướng tới mức giảm ít nhất là 10% trong năm nay, biến 2018 thành năm cổ phiếu Trung Quốc bị bán tháo tồi tệ nhất kể từ đợt khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Bloomberg cho biết không có chỗ an toàn để ẩn nấp trên thị trường cổ phiếu Trung Quốc năm nay khi mọi lĩnh vực bị kìm kẹp bởi tình trạng kinh tế tăng trưởng chậm lại, các doanh nghiệp vỡ nợ cao kỷ lục, và giao thương với Mỹ gặp trục trặc.

Một trong những nhóm cổ phiếu giảm mạnh nhất trên thị trường Trung Quốc năm nay là viễn thông, đặc biệt là các công ty sản xuất phần cứng. Việc Mỹ cáo buộc hai công ty công nghệ ZTE và Huawei của Trung Quốc vi phạm lệnh trừng phạt của nước này đối với Iran đã dẫn tới các lệnh cấm và bắt giữ, đặc biệt là vụ bắt giám đốc tài chính hãng Huawei mới đây, làm leo thang căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Khó khăn phản ánh vào ZTE. Cổ phiếu doanh nghiệp này bị ngừng giao dịch trong 2 tháng, và dù đã giao dịch trở lại nhưng hiện vẫn mất khoảng 43% so với đầu năm.

chung khoan trung quoc 2018 dau tu vao nganh nao cung mat tien
ZTE và Huawei nằm trong số những cổ phiếu giảm mạnh. (Ảnh: CNN)

Công nghệ cũng là ngành bị ảnh hưởng nặng nề do xung đột thương mại Mỹ – Trung. Là một trung tâm của chuỗi cung ứng toàn cầu, nên cuộc chiến thương mại đang khiến các doanh nghiệp như GoerTek phải chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc để tránh rủi ro. Cổ phiếu của GoerTek đã giảm 58% so với đầu năm.

Việc chính quyền Tổng thống Donald Trump có kế hoạch kiểm soát chặt hơn việc xuất khẩu công nghệ sang Trung Quốc vì lý do an ninh quốc gia khiến cổ phiếu các công ty công nghệ Trung Quốc lao dốc, trong đó có công ty Hangzhou Hikvision Digital Technology.

Cổ phiếu ngành hàng tiêu dùng cũng bị tác động khi chiến tranh thương mại đang làm suy yếu niềm tin của người tiêu dùng, đặc biệt là khi hoạt động cho vay ngang hàng (P2P) đang rơi vào khủng hoảng, khiến nhiều người dân mất tiền. Người tiêu dùng Trung Quốc trở nên thắt chặt hầu bao và chỉ tìm mua đồ giảm giá, dẫn tới doanh số của hàng loạt mặt hàng tiêu dùng như xe hơi, máy giặt, rượu cao cấp đều sụt giảm trong năm nay.

Làm vấn đề tồi tệ hơn là việc cạnh tranh cũng trở nên gay gắt hơn, theo đó ăn mòn lợi nhuận của doanh nghiệp. Cổ phiếu các công ty tiêu dùng không thiết yếu trên thị trường Trung Quốc hiện đã giảm 34% so với mức đỉnh đạt được vào tháng 1.

Cổ phiếu nhóm ngành dược phẩm bị bán tháo với lý do riêng là vụ bê bối vac-xin vào tháng 6 khiến người dân mất niềm tin vào các công ty dược.

Cổ phiếu ngành giáo dục cũng không tránh khỏi xu hướng giảm sâu của toàn thị trường, sau khi chính phủ Trung Quốc vào tháng 11 ban hành quy định cấm các công ty giáo dục huy động vốn từ thị trường chứng khoán để đầu tư vào các trường mẫu giáo hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận.

Xuân Tú