Việc chính phủ Mỹ đóng cửa có thể khiến kinh tế nước này thiệt hại tới 6,5 tỷ USD mỗi tuần nếu tiếp diễn.

Tại sao thiệt hại lại lớn đến vậy? Theo giám đốc kinh tế Beth Ann Bovino của hãng S&P Global Ratings, khoảng một nửa của con số thiệt hại trên là do các nhân viên chính phủ hoạt động trong những lĩnh vực không thiết yếu (tức ngoài lĩnh vực bảo đảm an ninh quốc gia và an ninh công cộng) sẽ tạm ngừng làm việc.

Sau những lần đóng cửa chính phủ trước đây, Nghị viện Mỹ đã nhất trí hoàn lại số tiền lương cho các nhân viên tạm thời mất việc, nhưng nền kinh tế không lấy lại được sản lượng đã mất.

Ước tính, việc chính phủ liên bang đóng cửa sẽ khiến hàng trăm nghìn nhân viên liên bang phải nghỉ việc tạm thời và hơn 1,3 triệu quân nhân sẽ vẫn phải thực hiện nhiệm vụ nhưng sẽ không được trả lương.

Về ảnh hưởng gián tiếp, việc đóng cửa chính phủ sẽ tác động đến các nhà thầu tư nhân sống phụ thuộc vào hoạt động chi tiêu của chính phủ. Họ sẽ phải tạm dừng các ý tưởng hoặc kế hoạch đầu tư cho đến khi mọi thứ trở nên rõ ràng.

Sau vụ đóng cửa chính phủ năm 2013, khoảng 29% các công ty kiểu như vậy đã hoãn tuyển dụng nhân sự, và điều đó đã tác động tiêu cực đến 58% số công ty.

Bà Bovino cho rằng việc đóng cửa các công viên và bảo tàng quốc gia cũng gây phương hại cho các công ty địa phương sống nhờ vào du lịch.

Việc đóng cửa chính phủ sẽ khiến chi phí vận hành chính phủ trở nên đắt đỏ hơn. Văn phòng Quản lý và Ngân sách ước tính vụ đóng cửa năm 2013 khiến thâm hụt ngân sách tăng ít nhất 2 tỷ USD do chi phí ngừng và khởi động lại các chương trình của chính phủ.

Lần đóng cửa mới nhất này bắt đầu từ ngày 20/1 sau khi Thượng viện Mỹ không đạt đủ số phiếu cần thiết để thông qua dự luật chi tiêu tạm thời vào tối ngày 19/1 do các nghị sĩ bất đồng về luật nhập cư.

Các thành viên Đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã thống nhất về một dự luật ngân sách tạm thời vào ngày 18/1, nhưng khi bỏ phiếu chỉ nhận được 50/100 phiếu tán thành, trong khi theo quy định thì cần ít nhất 60 phiếu ủng hộ. Hầu hết các thành viên Đảng Dân chủ bỏ phiếu phản đối.

Trung tâm của sự tranh cãi giữa 2 đảng là những công dân nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ, những người được đưa đến Mỹ khi còn nhỏ (còn gọi là Dreamers). Đảng Dân chủ muốn tăng ngân sách để bảo vệ 700.000 Dreamers khỏi bị trục xuất, điều trước đây quy định trong một chương trình bảo vệ người nhập cư (DACA) do Tổng thống Obama ký ban hành, nhưng năm ngoái Tổng thống Donald Trump đã xóa bỏ chương trình này.

Sau cuộc bỏ phiếu, Tổng thống Trump đã cáo buộc phía Đảng Dân chủ coi vấn đề an toàn của người dân Mỹ cao hơn lợi ích của những người nhập cư.

Hồi năm 2013, chính phủ Mỹ cũng buộc phải đóng cửa trong 16 ngày do Nhà Trắng và Nghị viện không tìm được tiếng nói chung về những cải cách chăm sóc y tế của tổng thống khi đó là ông Barack Obama.

Lịch sử Mỹ cũng từng ghi nhận việc tạm ngừng hoạt động 21 ngàytrong hai năm 1995-1996.

Minh Tuệ