Sau đậu nành, đến lượt khí đốt trở thành quân bài quan trọng của Liên minh châu Âu (EU) trong việc xoa dịu căng thẳng thương mại với Mỹ.  

Theo Reuters, trong thông báo đưa ra ngày 9/8, EU cho biết đang trong quá trình ký thỏa thuận với Tổng thống Donald Trump để mua thêm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ Mỹ.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker nhận định LNG của Mỹ có thể đóng vai trò chiến lược trong nguồn cung khí đốt tại EU nếu có mức giá cạnh tranh.

Đồng thời, lãnh đạo Ủy ban châu Âu cũng nhấn mạnh tới sự cần thiết phải giảm bớt rào cản trong buôn bán khí đốt giữa Mỹ và châu Âu.

Đây được coi là cơ hội tiềm năng cho các công ty năng lượng Mỹ bởi EU hiện nhập khẩu tới 70% nhu cầu LNG và tỷ trọng này tiếp tục gia tăng. Từ năm 2016 đến nay, LNG nhập khẩu từ Mỹ chiếm khoảng 10% tổng lượng LNG nhập khẩu vào thị trường EU.

Trong khi đó, EU từ lâu đã tìm cách đa dạng hóa nguồn cung để tránh phụ thuộc vào Nga – quốc gia đáp ứng 40% nhu cầu của khối.

Tuyên bố tăng cường mua LNG của châu Âu được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại quan trọng giữa Mỹ và EU dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20/8 tới. Mục đích của cuộc đám phán nhằm tháo gỡ cũng như ngăn chặn nguy cơ leo thang các biện pháp trả đũa trị giá hàng tỷ USD lên hàng hóa nhập khẩu mà Mỹ và EU áp đặt trong những tháng gần đây.

Trước đó, trong cuộc gặp với Tổng thống Trump tại Washington hồi tháng 7 để tìm cách xóa bỏ căng thẳng thương mại, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Juncker đã đồng ý để EU tăng nhập khẩu đậu nành và LNG từ Mỹ.

Giới phân tích cho rằng đây là 2 sản phẩm nằm trong chiến lược của ông Trump là dùng thuế nhập khẩu để đạt được sự nhượng bộ từ các đối tác thương mại.

Ngay sau khi Mỹ áp thuế vào hàng loạt mặt hàng Trung Quốc có hiệu lực ngày 6/7, Bắc Kinh đã tiến hành loạt biện pháp đáp trả đối với hàng trăm sản phẩm nhập khẩu từ Mỹ, trong đó có đậu nành.

Châu Âu tăng mua khí đốt của Mỹ để xoa dịu căng thẳng thương mại
Hạt đậu nành nhỏ bé và đòn đáp trả khiến Trung Quốc lao đao.

Hành động đáp trả của Trung Quốc có thể là biện pháp mang tính chiến lược. Theo lý thuyết, nguồn cung hàng hóa hoàn toàn có thể thay thế được nên Bắc Kinh có thể chọn nhập khẩu hàng hóa từ những quốc gia khác thay vì nhập từ Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế, giới chuyên gia nhận định Bắc Kinh khó có thể làm được điều này bởi quy mô nền kinh tế quá lớn.

Theo CNBC, Mỹ hiện là nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu thế giới với 40% tổng lượng xuất khẩu. Trong khi đó, Trung Quốc lại là nhà nhập khẩu nhiều nhất với 60% tổng nhu cầu. Nói đơn giản, Mỹ là nhà cung cấp đậu nành quan trọng với Trung Quốc.

Với việc bị áp thuế 25%, các lô hàng đậu nành từ Mỹ tới Trung Quốc đã giảm trong thời gian gần đây, nhưng rốt cuộc, Trung Quốc cũng chẳng thể nhập sản phẩm này ở đâu khác ngoài Mỹ. Brazil là một trong những nước sản xuất đậu nành hàng đầu nhưng phần nhiều trong số đó vẫn phải phục vụ ngành công nghiệp chăn nuôi của nước này.

Tất nhiên, người nông dân Trung Quốc có thể thay thế đậu nành bằng ngũ cốc trong thức ăn chăn nuôi. Tuy nhiên, điều này không lý tưởng bởi hàm lượng protein thấp của hầu hết các loại ngũ cốc.

Theo Caroline Bain, chuyên gia nghiên cứu của Capital Economic, rõ ràng một số hàng nhập khẩu từ Mỹ là thiết yếu với Trung Quốc, do đó việc đánh thuế đáp trả sẽ chỉ khiến Trung Quốc thêm lao đao.

Vỹ An