Trung Quốc đang chìm ngập trong quả “bom” nợ 30 nghìn tỷ USD. Một khi quả “bom” này phát nổ, nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ phải hứng chịu những hậu quả thảm khốc.

Theo số liệu của Bloomberg, các khoản nợ của Trung Quốc hiện đang ở mức 30.000 tỷ USD, tương đương khoảng 259% GDP nước này. Trong đó, nợ của khối doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 17.000 tỷ USD.

Junheng Li, người sáng lập công ty nghiên cứu thị trường Trung Quốc JL Warren Capital LLC, cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các khoản nợ khổng lồ của Trung Quốc không ngừng phình to là do cách vận hành nền kinh tế theo mệnh lệnh từ trên xuống dưới.

“Chính phủ trung ương đưa chỉ tiêu cho chính quyền tỉnh, từ tỉnh đưa chỉ tiêu xuống huyện, từ huyện đưa chỉ tiêu xuống các khu vực, và các chỉ tiêu đó dội vào khối doanh nghiệp nhà nước, buộc họ phải tìm mọi cách để đạt chỉ tiêu”, Junheng Li nói.

Thêm vào đó, sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2007-2008, nhằm thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ Trung Quốc “bật đèn xanh” cho chính sách mở rộng tín dụng với các doanh nghiệp. Kết quả là ngân hàng sẵn sàng cho các doanh nghiệp nhà nước vay tiền vô tội vạ, kể cả những doanh nghiệp không có năng lực cạnh tranh thực thụ. Từ đó tạo ra vấn nạn “công ty zombie” – những doanh nghiệp mắc nợ, không có tiền để trả toàn bộ khoản vay.

Theo chuyên gia kinh tế Larry Hu của Công ty Chứng khoán Macquarie tại Hồng Kông, thử thách khó khăn nhất cho chính quyền Trung Quốc chính là thực hiện quá trình đại tu các doanh nghiệp nhà nước.

“Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ sớm thực hiện những bước đi đầu tiên trong việc giải quyết đống nợ của khối doanh nghiệp nhà nước, buộc các công ty ‘zombie’ phải phá sản. Điều này chắc chắn sẽ khiến nhiều người bị mất việc nhưng vẫn buộc phải làm nếu không muốn phải chứng kiến những hậu quả thảm khốc hơn”, chuyên gia Larry Hu nói.

Bên cạnh các khoản nợ khổng lồ của khối doanh nghiệp nhà nước, các nhà quản lý tài chính Trung Quốc đang lo ngại về sự gia tăng của nợ hộ gia đình thông qua những phát biểu bên lề kỳ họp quốc hội.

“Nợ hộ gia đình đang tăng nhanh chóng, trong đó có vay mượn để tiêu dùng, mua bất động sản và đầu tư. Đây là điều rất rủi ro” – ông Guo Shuqing, Chủ tịch Ủy ban Điều tiết ngân hàng Trung Quốc, cho biết hôm 9/3.

Trong khi đó, ông Pan Gongsheng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, nói thêm họ đang chú ý đến nợ hộ gia đình, nhất là sự gia tăng giá trị của các khoản cho vay thế chấp.

Các chuyên gia của Bloomberg tính toán, nếu Chính phủ Bắc Kinh không thực hiện các biện pháp kiểm soát, quả “bom” nợ của Trung Quốc sẽ lên đến 327% GDP vào năm 2022. Đến một lúc nào đó, quốc gia này sẽ không còn có khả năng vừa thanh toán nợ hiện tại vừa tài trợ cho các dự án mới nữa.

Nguyễn Trang