Bộ Công Thương cho rằng việc mỗi lít xăng “cõng” thêm 1.000 đồng thuế môi trường sẽ ảnh hưởng lớn tới sản xuất của doanh nghiệp, đời sống của người dân.

Theo Người lao động, tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2018 diễn ra ngày 9/7, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã đề cập đến việc Ủy ban thường vụ Quốc hội sắp xem xét việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết nhiều khả năng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thông qua việc tăng kịch trần thuế bảo vệ môi trường trong phiên họp từ ngày 11 đến 13/7. Theo đó, mỗi lít xăng sẽ tăng thêm 1.000 đồng tiền thuế bảo vệ môi trường kể từ ngày 1/10.

Lãnh đạo ngành công thương đánh giá ngoài điện thì xăng dầu là mặt hàng rất quan trọng, đầu vào của sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến kinh doanh và tiêu dùng. Chính vì vậy, thời gian qua cơ quan điều hành giá liên tục phải sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ giá mặt hàng này.

Lo ngại việc tăng giá xăng dầu thông qua tăng thuế sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sản xuất và đời sống người dân, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết trong cuộc họp với ban chỉ đạo điều hành giá ngày 10/7, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ trước hết không đưa phần tăng 1.000 đồng này vào giá xăng dầu. Trong trường hợp vẫn tăng thuế, phải có lộ trình hết sức cụ thể chứ không thể tăng một lúc 1.000 đồng/lít.

Trước đó, trong một dự thảo công bố hồi đầu năm, Bộ Tài chính đề xuất thuế bảo vệ môi trường tăng kịch trần với xăng lên 4.000 đồng/lít và dầu diesel lên 2.000 đồng/lít. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận.

Tại Hội thảo về giá cả 6 tháng đầu năm do Viện Kinh tế Tài chính tổ chức mới đây, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: “Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng buộc phải điều chỉnh giá xăng trong nước, để hạn chế áp lực tăng giá xăng dầu, Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam kiến nghị chưa áp thuế môi trường kịch trần đối với xăng dầu”.

Chia sẻ trên Dân trí, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cũng cho rằng, nếu tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ kéo theo giá cước vận tải hàng hoá tăng, buộc các mặt hàng thiết yếu phải tăng giá. Trong khi, đối với mặt hàng thiết yếu, ai cũng phải dùng nên việc tăng giá sẽ tác động đến mọi ngành sản xuất. Cuối cùng, tất cả gánh nặng sẽ đổ lên vai người tiêu dùng.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) tính toán thuế bảo vệ môi trường xăng dầu tăng kịch khung sẽ tác động làm tăng CPI lên khoảng 0,27-0,29%.

Vỹ An