Sau Alibaba, đến lượt Amazon sắp chính thức đổ bộ vào Việt Nam và hứa hẹn sẽ làm “nóng” thị trường thương mại điện tử Việt Nam vốn đang thu hút được rất nhiều đại gia ngoại.

Amazon sẽ gia nhập thị trường Việt Nam trong tháng 3 này và một trong những bước đi đầu tiên của doanh nghiệp này là hướng tới các doanh nghiệp xuất nhập khẩu nhỏ và vừa.

Theo VnExpress, tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018) diễn ra ngày 14/3 tới, đế chế thương mại điện tử Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng, xuất khẩu qua hệ sinh thái của Amazon. Chiến lược cụ thể của Amazon tại Việt Nam sẽ được ông Gijae Seong – Trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu tại Singapore chia sẻ tại VOBF 2018.

Với tốc độ tăng trưởng khoảng 22%/năm, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được coi là miếng bánh hấp dẫn với nhiều đại gia nước ngoài. Trước Amazon, Alibaba cũng đã thâm nhập sâu hơn vào Việt Nam với việc mua lại Lazada. Sự xuất hiện của Alibaba đã góp phần tạo nên một năm đầy sôi nổi trong thị trường thương mại điện tử Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Trả lời phỏng vấn với Tech in Asia mới đây, Stefan Jung – sáng lập viên Venturra Capital cho rằng: “Chúng tôi chỉ mới bắt đầu, hợp đồng giữa Lazada và Alibaba sẽ hoàn tất toàn bộ chu trình. Đây sẽ là cơ hội thu hút nhiều nhà đầu tư toàn cầu vào khu vực Đông Nam Á”.

Theo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018-2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Đối với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%, theo Kinh Tế Đô Thị.

Thực tế, thị trường thương mại điện tử Việt Nam không chỉ có Lazada, Shopee hay Tiki, mà còn có Sendo của FPT, Adayroi của Vingroup và Vuivui của Thế giới Di động. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều chuyên gia các doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn sẽ khó cạnh tranh được trong lĩnh vực này, và dường như thương mại điện tử sẽ chỉ còn là sân chơi của các công ty nước ngoài.

Với sự xuất hiện của Amazon tại thị trường Việt Nam, một lần nữa, miếng bánh thương mại điện tử sẽ được chia lại. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp thương mại điện tử của Việt Nam vốn đã yếu thế sẽ tiếp tục phải tìm cách đổi mới mình cả về hình thức lẫn chất lượng dịch vụ nếu không muốn bị tụt hậu và mất đi miếng bánh màu mỡ này.

Nguyễn Trang