Theo tạp chí The Economist, có tới 3/4 tổng số đồ chơi dành cho trẻ em trên toàn thế giới là sản phẩm của khoảng 10.000 nhà sản xuất đồ chơi tại Trung Quốc.

Số liệu của Liên Hiệp Quốc cho thấy năm 2016 tổng kim ngạch xuất khẩu đồ chơi của Trung Quốc đạt 44 tỷ USD, trong đó 25 tỷ USD đồ chơi xuất sang Mỹ, 4 tỷ USD xuất sang Nhật Bản và 4 tỷ USD khác xuất sang Anh.

Mặc dù Trung Quốc là quốc gia thống trị lĩnh vực sản xuất đồ chơi trong suốt nhiều thập kỷ qua, các áp lực thị trường cũng đang tăng dần với quốc gia này. Mức lương cho lao động gia tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp sản xuất đồ chơi tại Trung Quốc quyết định dời dây chuyền sản xuất sang Ấn Độ và Việt Nam – vốn là những nơi có giá lao động rẻ hơn.

Bên cạnh đó, một số công ty đồ chơi nước ngoài muốn cắt giảm chi phí vận chuyển và đáp ứng nhanh hơn nhu cầu của người tiêu dùng nên đang có động thái đưa dây chuyền sản xuất trở lại quê nhà. Đơn cử như trong năm 2017, hãng Hasbro chuyên sản xuất các loại đồ chơi như súng Nerf và các robot Transformers, thông báo sẽ bắt đầu sản xuất các loại đồ chơi đất sét nhiều màu thương hiệu Play-Doh của họ tại Mỹ.

Điều đáng chú ý là trước tình trạng doanh số bán hàng ngày càng giảm tại các nước phát triển, nhiều hãng đồ chơi đang hướng tới Trung Quốc không chỉ là nơi đặt nhà máy sản xuất, mà còn là thị trường tiêu thụ sản phẩm của họ. Công ty đồ chơi nổi tiếng của Đan Mạch Lego cho biết sẽ mở thêm cửa hàng tại 40 thành phố Trung Quốc trong những năm tới.

Vào hồi tháng 2 vừa qua, Mattel, nhà sản xuất đồ chơi lớn nhất thế giới, đã ký hợp đồng với Alibaba – tập đoàn thương mại điện tử hàng đầu Trung Quốc – để bán búp bê Barbie và đồ chơi xe hơi Hot Wheels cho khách hàng tại đại lục.

Tạp chí The Economist nhận định chiến lược chuyển hướng của các nhà sản xuất đồ chơi là quyết định hợp lý. Việc chấm dứt chính sách một con ở Trung Quốc dự kiến sẽ giúp tăng doanh thu hàng năm của thị trường đồ chơi lên khoảng 11,5 tỷ USD.

Công ty tư vấn bán lẻ Euromonitor cho biết các bậc cha mẹ ở Trung Quốc chi khoảng 45 USD mỗi năm để mua đồ chơi cho con cái của họ, thấp hơn rất nhiều so với mức 330 USD ở Nhật Bản. Chính vì vậy, Euromonitor cho rằng thị trường đồ chơi Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng để bùng nổ.

Nguyễn Trang