Theo số liệu mới của chính quyền Hồng Kông, số lượng kỷ lục cư dân của đặc khu này đang sống trong nghèo đói, với 1/5 dân số sống dưới mức chuẩn nghèo bất chấp đây là nền kinh tế phát triển mạnh.

Số người sống dưới mức lương tối thiểu tăng lên 1,35 triệu người vào năm 2016, chiếm khoảng 20% dân số thành phố này. Đây là con số người nghèo cao kỷ lục kể từ khi chính quyền thành phố bắt đầu xuất bản số liệu thống kê vào năm 2009.

Dù giàu có, Hồng Kông vẫn là một xã hội bất bình đẳng. Đây là thị trường nhà ở đắt nhất thế giới và những cư dân nghèo sống trong những điều kiện rất khổ sở, với một số sống trong những “ngôi nhà quan tài” – một loạt các hộp gỗ bị nhồi nhét trong những căn hộ nhỏ xíu.

Số người nghèo tăng lên bất chấp chính quyền đã nâng chuẩn nghèo vào năm ngoái. Chuẩn nghèo của hộ gia đình 1 người quy ra tiền Việt Nam vào khoảng 11,6 triệu đồng, gia đình 2 người xấp xỉ 26,2 triệu đồng, và gia đình 3 người là khoảng 43,6 triệu đồng.

Tại Sham Shui Po, quận nghèo nhất của thành phố và nhà của số lượng lớn người nhập cư gần đây và dân tộc thiểu số, tỷ lệ nghèo đã tăng lên gần 1/4 dân số.

Giới chức Hồng Kông cho rằng tỷ lệ nghèo đói gia tăng là do dân số già, với tỷ lệ dân cư trên 65 tuổi là khoảng 32%. Các nhóm xã hội chỉ trích chính quyền thành phố không tích cực trong việc hành động nhằm giảm nghèo đói và yêu cầu họ tăng các khoản thanh toán phúc lợi.

Phát ngôn viên của Hiệp hội các Tổ chức cộng đồng, một tổ chức phi chính phủ làm việc với người nghèo, cho biết: “Phát triển kinh tế không thể giúp các tầng lớp nghèo hơn hưởng lợi từ các thành tựu kinh tế. Các biện pháp giảm nghèo của chính quyền Hồng Kông thiếu đi sức mạnh, sự chính xác và sự kiên quyết, điều này được phản ánh qua tình trạng nghèo đói tồi tệ ở thành phố này.”

Nhóm này cũng kêu gọi chính quyền thông qua luật chống phân biệt đối xử về tuổi tác và tăng phúc lợi cho người cao tuổi. Mức lương tối thiểu của Hồng Kông là khoảng 101.000 đồng/giờ và được đánh giá lại 2 năm/lần.

Quang Minh (th)