Ngay sau khi nhận được tin báo rà soát tài khoản để truy thu thuế, nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng đã có những chiêu trò nhằm “né” thuế kiến cơ quan quản lý gặp nhiều khó khăn.

Theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, cơ quan này đã kiểm tra, đối chiếu và quyết định truy thu 9,1 tỷ đồng tiền thuế của 1 cá nhân bán mỹ phẩm qua mạng sau khi nhận được đơn thư tố cáo.

Cục Thuế TP.HCM cho biết qua phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành ngân hàng, Cục Thuế đã rà soát, kiểm tra các số liệu của cá nhân này và phát hiện ra sự chênh lệch giữa doanh thu theo kê khai và doanh thu thực tế lên tới hơn 400 tỷ đồng.

Để “né” thuế thành công, người bán hàng này đã bỏ vị thế của một chủ doanh nghiệp từ năm 2013 lui về mở hộ kinh doanh cá thể và lập tài khoản trên Facebook nhằm quảng cáo và tư vấn các sản phâm chăm sóc da.

Theo số liệu của Cục Thuế TP.HCM, doanh thu của người này đã tăng từ 120 triệu đồng năm 2013 lên đến 95 tỷ đồng năm 2015 và đặc biệt đạt 344 tỷ đồng năm 2016. Điều đáng nói, toàn bộ số doanh thu trên đều được chuyển vào tài khoản cá nhân tại ngân hàng. Doanh thu kê khai với cơ quan Thuế thấp hơn rất nhiều so với số liệu thực.

Ngay sau khi phát hiện hành vi nói trên, cơ quan thuế đã xác định cá nhân này có hành vi trốn thuế và chuyển hồ sơ qua cơ quan công an. Tuy nhiên, ngay sau đó, cá nhân trên tự nguyện khắc phục nên cơ quan thuế đã chuyển thành hành vi khai sai và truy thu thuế với số tiền chậm nộp lên tới 9,1 tỷ đồng.

Nhiều cá nhân, tổ chức bán hàng qua mạng tìm đủ mọi cách để “né” thuế.

Hiện Cục Thuế TP.HCM tiếp tục truy thu thuế đối với một số cá nhân, tổ chức có doanh thu bán hàng qua mạng với số tiền hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp ngay sau khi nhận được tin báo truy thu thuế đã có những chiêu trò nhằm “né” thuế và làm khó cho các cán bộ quản.

Theo đó, những chiêu thức phổ biến nhất là không công khai địa chỉ, số điện thoại trên trang Facebook, thanh toán bằng tiền mặt, phương thức vận chuyển, giao hàng thông qua các công ty giao nhận hàng hóa…

Không chỉ như vậy, sau động thái rà soát, thống kê tài khoản bán hàng trên Facebook, nhiều cá nhân, hộ kinh doanh đã “né” thuế bằng cách “giả chết” và hủy bỏ cửa hàng online trên Facebook. Thay vào đó các cá nhân này chuyển sang lập các fanpage bán hàng qua các mạng xã hội khác như Zalo,Viber và lập các group chat trực tuyến trên Viber, Zalo, What’sapp để bán hàng.

Với cách giao dịch này, cơ quan quản lý thuế sẽ gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm ra chủ fanpage là ai để xác định doanh thu tính thuế.

Diệu Thu