Thang máy không gian—một ý tưởng khoa học viễn tưởng nổi tiếng của tác giả  Arthur C. Clarke sẽ có thể trở thành hiện thực nhờ một hãng công nghệ tại Canada. Công nghệ này hứa hẹn “một con đường mới để tiến vào không gian”. 

Hãng công nghệ không gian Thoth có trụ sở tại thành phố Pembroke, bang Ontario, Canada, đã được cả Mỹ và Anh phê duyệt cấp bằng sáng chế cho dự án tháp không gian tự do, tòa tháp chọc trời cao 20 km, cho phép các phi hành gia bay vào không gian từ một bệ phóng trên đỉnh tháp.

“Các phi hành gia sẽ lên tới độ cao 20 km bằng thang máy điện. Từ đỉnh tháp, tàu vũ trụ sẽ được phóng vào quỹ đạo trong một giai đoạn đơn nhất, rồi quay trở lại đỉnh tháp để tiếp nhiên liệu và phóng trở lại,” Tiến sĩ Brendan Quine—người đứng sau khái niệm này—trình bày trong một thông cáo báo chí. 

Công nghệ này ước tính có thể tiết kiệm được hơn 30% chi phí nhiên liệu—một loại chi phí rất tốn kém trong triển khai các dự án không gian hiện nay.

Sử dụng một hệ thống dựa trên khái niệm tòa tháp bơm hơi, tháp ThothX cũng có thể được sử dụng để sản xuất năng lượng gió, thu phát tín hiệu, và du lịch.

Căn cứ nội dung đơn đăng ký bản quyền sáng chế, các trở ngại mang tính công nghệ cần phải được khắc phục bao gồm việc xây dựng một dây cáp với độ bền thích hợp để gia cố độ vững chãi của cấu trúc tòa tháp khi lên đến một độ cao như vậy.

Thiết kế của Thoth giải quyết vấn đề này bằng cách giữ chiếc thang máy bên trong phạm vi tầng bình lưu thay vì đưa nó vào quỹ đạo địa tĩnh.


Vệ tinh (hay các vật thể khác) bám sát tốc độ quay của Trái đất, nên đối với người quan sát ở dưới mặt đất, các vệ tinh này dường như cố định trên bầu trời. Trong trường hợp như vậy, các vệ tinh này được gọi là đang trong quỹ đạo địa tĩnh. (Ảnh: Wikimedia)

Ý tưởng về thang máy không gian đã nhận được sự quan tâm không ngớt từ cộng đồng kể từ khi khái niệm này được đề xuất lần đầu tiên bởi nhà khoa học người Nga Konstantin Tsiolkovsky vào cuối thế kỷ 19. Sau này tác giả Arthur C. Clarke mới đề cập đến nó trong cuốn “Fountain of Paradise” (tạm dịch: Đài phun nước Thiên đường). Ban đầu khái niệm này đã bị chính ông Tsiolkovsky bác bỏ, nhưng cùng với những tiến bộ kỹ thuật nó đã thu hút được sự chú ý ngày một gia tăng trong những năm gần đây, và đã được đề cập đến tại các buổi hội thảo TED và trong các ấn phẩm và chương trình khoa học phổ cập.

Từ đỉnh tháp, tàu vũ trụ sẽ được phóng vào quỹ đạo trong một giai đoạn đơn nhất, rồi quay trở lại đỉnh tháp để tiếp nhiên liệu và phóng trở lại

—Nhà phát minh Brendan Quine

Concept của hãng Thoth có đôi chút khác biệt với các mẫu thiết kế trước đây. Lúc trước, người ta đề xuất tòa tháp nên được trang bị một tấm kim loại mềm dẻo cùng với các thiết bị nén khí, để giúp tạo sự ổn định cho mẫu thiết kế.

“Hạ cánh trên một xà lan có chiều cao ngang mực nước biển là một cuộc thao diễn lớn, nhưng hạ cánh ở độ cao 20 km trên mực nước biển sẽ biến chuyến bay không gian thành giống như một chuyến bay chở khách”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Thoth – Caroline Roberts nói.

Trong một buổi vấn đáp mở trên seri phim truyền hình Nova của đài PBS vào năm 2007, nhà vật lý Bradley Edwards, tác giả của hai cuốn sách về concept thang máy, ước tính một trong những mẫu thiết kế thang máy của ông sẽ có khả năng mang tải 13 tấn vào không gian cứ mỗi ba ngày. Mẫu thiết thang máy như vậy sẽ tiêu tốn 10 tỷ USD lúc khởi công và sẽ mất khoảng 10 năm để hoàn thành việc xây dựng.

Khi được hỏi về những thách thức chính trị cần được xử lý, ông Edwards cho biết, “Sẽ có những quốc gia mâu thuẫn với nhau khi xây dựng tòa tháp, sẽ có các vấn đề pháp lý liên quan đến đường bay của tàu vũ trụ trong quỹ đạo, và tiếp đó sẽ có những quốc gia, tổ chức, hoặc cá nhân, những người chỉ muốn được một phần miếng bánh”.

Kaven Baker-Voakes là một phóng viên tự do tại thủ đô Ottawa, Canada.
Tác giả: Kaven Baker-Voakes, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch