Cũng giống như con người khi đi mua sắm trong siêu thị phải xếp hàng để thanh toán, loài kiến cũng có thói quen di chuyển thành một hàng mỗi khi ra ngoài tìm kiếm thức ăn hay đi về tổ. Lý do gì khiến chúng làm như vậy? 

Kiến là sinh vật có tổ chức bầy đàn với số lượng lớn và tính tổ chức rất cao nên việc di chuyển hay phối hợp giữa các thành viên trong đàn đều rất quan trọng. Chắc hẳn ai cũng biết loài kiến có một tập tính khá đặc biệt là luôn di chuyển thành 1 hàng trong mọi lúc mọi nơi, gần giống với con người chúng ta. 

Chúng có tập tính luôn di chuyển thành 1 hàng thẳng. (Ảnh: Nano Vina)

Vậy từ đâu loài kiến thường làm như vậy? 

Kiến, mối hay nhiều nhóm côn trùng khác có hiện tượng xếp thành hàng dài để di chuyển. Đấy cũng là một biểu hiện của tập tính, có cơ sở của kích thích mùi do pheromone của con vật tiết ra.

Cụ thể; khi một con kiến tìm thấy thức ăn, nó chỉ mang một phần nhỏ mang về tổ. Trên đường về tổ, con kiến đó tiết ra một chất hóa học có tên là pheromone và mỗi bầy kiến có một mùi pheromone đặc trưng riêng nhằm phân biệt với các đàn khác hay các loài kiến khác. 

Vệt pheromone này có chức năng giúp các con kiến khác trong bầy lần theo dấu vết đến chỗ thức ăn. Vì pheromone là chất dễ bay hơi vì vậy, các con kiến đi trước liên tục tiết ra chất hóa học này để các con phía sau xác định vị trí của thức ăn cũng như trở về tổ. Khi lần theo mùi hương này, kiến có xu hướng đi theo một đường thẳng.

Mỗi con kiến trong đàn đều tiết ra chất pheromone nhằm đánh dấu đường đi để các con khác trong đàn biết được vị trí thức ăn và tìm đường về tổ. (Ảnh: phys.org)

 Thêm vào đó, việc di chuyển theo hàng cũng giúp kiến dễ dàng chạm đầu vào nhau và tiếp xúc với cơ thể của các con kiến khác trên đường đi. Hành động này cho phép chúng nhận biết các thành viên trong bầy thông qua việc kiểm tra mùi pheromone của đồng loại. Nếu phát hiện bất cứ con nào có mùi khác thường (khác mùi đặc trưng của bầy), chúng lập tức xua đuổi ngay kẻ xâm nhập. 

Kích thích sinh học mùi là dạng phổ biến nhất của nhiều loại động vật , giúp chúng nhận biết được thông tin từ môi trường bên ngoài, làm cơ sở cho các hoạt động tìm kiếm thức ăn, tránh các nhân tố độc hại và cho hoạt động sinh sản tìm đôi lứa

Tập tính biết mùi rất quan trọng đối với sự sống còn của động vật và hoạt động sinh sản của chúng, được hình thành qua quá trình phát triển, trên cơ sở tương tác giữa động vật và môi trường.

Sơn Tùng