Ngay cả một trong những nơi xa xôi nhất trên Trái đất cũng không thể thoát khỏi tai họa xâm lấn của rác thải nhựa.

Xâm nhập mọi ngõ ngách

Rãnh vực Mariana – điểm sâu nhất trong đại dương – kéo dài gần 2.550km, sâu 11km dưới đáy Thái Bình Dương và là một trong những nơi hẻo lánh nhất trên Trái Đất. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng rãnh có thể thoát khỏi sự tấn công toàn cầu của ô nhiễm chất dẻo, bạn đã lầm.

Một nghiên cứu gần đây tiết lộ rằng một túi nhựa, giống như loại được sử dụng tại các cửa hàng tạp hóa, hiện là mảnh nhựa sâu nhất được biết đến nằm ở độ sâu 10.972 mét bên trong rãnh Mariana. Các nhà khoa học đã tìm thấy nó bằng cách xem qua Cơ sở dữ liệu mảnh vỡ biển sâu, một bộ sưu tập ảnh và video được chụp từ 5,010 lần lặn trong 30 năm qua mới được công khai gần đây.

Trong số các mảnh vụn có thể phân loại được ghi trong cơ sở dữ liệu, nhựa là loại phổ biến nhất, và các túi nilon đứng đầu danh sách tạo ra nguồn rác nhựa lớn nhất. Các mảnh vụn khác đến từ vật liệu như cao su, kim loại, gỗ và vải, và một số vẫn chưa được phân loại.

Vị trí vực Mariana (Ảnh: quora.com)

Hầu hết nhựa, khoảng 89% là loại nhựa được sử dụng một lần và sau đó bị vứt đi, giống như các chai nước hoặc dụng cụ dùng một lần.

Thoạt nhìn rãnh Mariana có vẻ giống như một hố tối, không có sức sống nhưng thực tế trong đó là một thế giới đa màu. Tàu Okeanos Explorer của NOAA đã thăm dò đáy khu vực vào năm 2016 và tìm thấy các dạng sống đa dạng, bao gồm các loài như san hô, sứa và bạch tuộc. Nghiên cứu gần đây cũng cho thấy 17% hình ảnh nhựa được ghi trong cơ sở dữ liệu cho thấy sự tương tác của một số loại với sinh vật biển, giống như động vật bị vướng vào các mảnh vụn.

Chỗ nhựa này tới từ đâu?

Nghiên cứu mới chỉ là một trong nhiều nghiên cứu cho thấy ô nhiễm nhựa đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới như thế nào. Nhựa sử dụng một lần hầu như ở khắp mọi nơi, và có thể mất hàng trăm năm hoặc nhiều hơn để phân hủy trong tự nhiên.

Tháng 2 năm ngoái, một nghiên cứu riêng cho thấy Rãnh Mariana có mức ô nhiễm tổng thể cao hơn ở một số vùng nhất định so với một số con sông ô nhiễm nhất ở Trung Quốc. Các tác giả của nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng các chất ô nhiễm hóa học trong rãnh có thể xuất hiện một phần từ sự phân hủy của nhựa trong cột nước.

Mảnh túi nhựa dưới đáy vực Mariana (Ảnh: National geographic)

Nhựa gần đây đã trở thành một trọng tâm lớn hơn của phong trào môi trường. Nhựa ngày nay có thể xâm nhập vào đại dương một cách trực tiếp, chẳng hạn như rác thải từ bãi biển hoặc vứt xuống từ tàu bè. Thiết bị đánh cá bị loại bỏ cũng là một nguồn ô nhiễm nhựa chính.

Có thể nói các đại dương lớn đang ngập tràn trong nhựa, gây ô nhiễm, phá hủy hệ sinh thái và ảnh hưởng đến sự sống của rất nhiều các loài sinh vật. Một lần nữa, con người đang từng bước tự hủy diệt chính mình.

Hoài Anh