Trong suốt chiều dài lịch sử, con người đã luôn phải kinh ngạc trước trí thông minh của loài quạ: chúng có thể gắp sỏi vào bình nước để nước và thức ăn bên trong nổi lên, chúng có thể nhận diện mặt người, có thể ghi nhớ và trao đổi thông tin… Bộ não của quạ chỉ bé bằng ngón tay cái của con người, nhưng nó thông minh tới mức nào? Dưới đây là một số bằng chứng về trí thông minh khiến con người bất ngờ của loài động vật có bộ lông đen tuyền này.

Mặc dù não quạ rất bé khi so sánh với não người, nhưng điều quan trọng ở đây là kích cỡ của bộ não trong mối tương quan với kích thước cơ thể. Khi so sánh với cơ thể, tỷ lệ não của quạ tương đương với tỷ lệ não của loài linh trưởng. Theo Giáo sư John Marzluff thuộc trường Đại học Washington, Mỹ thì một con quạ về cơ bản là “một con khỉ biết bay”.

Quạ có thể nhận diện khuôn mặt con người

Bạn có thể phân biệt con quạ này với con quạ khác không? Câu trả lời chắc hẳn là không. Thế nên về khía cạnh này, một con quạ có lẽ thông minh hơn bạn bởi nó có thể nhận diện khuôn mặt của những người khác nhau. Nhóm của Giáo sư Marzluff đã bắt một vài con quạ, gắn thẻ cho chúng và rồi thả đi. Các thành viên trong nhóm đeo những chiếc mặt nạ khác nhau. Quạ sẽ lao xuống và kêu quang quác với những người đeo mặt nạ, nhưng chỉ với những ai đã gây sự với chúng trước đó.

Quạ có thể nhận diện khuôn mặt các cá nhân con người. (Ảnh: The New York Times)

Quạ nói về bạn với những con quạ khác

Nếu bạn nghĩ rằng hai con quạ đang nhìn bạn, đồng thời “nói chuyện” quang quác về bạn, thì bạn đã đúng rồi đấy. Trong nghiên cứu của Marzluff, thậm chí cả những con quạ không bị bắt cũng tấn công các nhà khoa học. Làm cách nào mà những con quạ bị bắt đã mô tả lại được người tấn công mình cho những con quạ khác? Cường độ, nhịp điệu, và độ dài của tiếng kêu có vẻ như là cơ sở cho ngôn ngữ của chúng.

Nếu bạn nghĩ rằng hai con quạ đang nhìn bạn, đồng thời “nói chuyện” quang quác về bạn, thì bạn đã đúng rồi đấy. (Ảnh: thoughtco.com)

Quạ nhớ những gì bạn đã làm

Hóa ra quạ có thể truyền lại mối hận thù cho con cái của chúng – thậm chí các thế hệ sau của quạ cũng vẫn quấy rối các nhà khoa học đeo mặt nạ.

Một trường hợp khác minh chứng cho khả năng “ghi nợ” của quạ là câu chuyện thú vị của vùng Chatham, Ontario, Canada. Câu chuyện bắt đầu từ việc đàn quạ, khoảng nửa triệu con, đã luôn dừng lại ở Chatham trên tuyến đường di cư của chúng, gây ra một mối đe dọa cho các loại cây trồng của cộng đồng nông dân trong vùng. Không thể để tình trạng đó kéo dài mãi, thị trưởng của thị trấn Chatham đã tuyên chiến với quạ, và cuộc săn bắn bắt đầu. Kể từ đó, mỗi khi đàn quạ bay qua Chatham, chúng đã cố tình bay cao lên để tránh bị bắn trúng. Hơn nữa, như một hành động trả thù, chúng để lại “chất thải” trên khắp thành phố mỗi khi bay qua. 

Quạ “ghi nợ” rất lâu những gì bạn đã làm với chúng. (Ảnh: Toronto Star)

Quạ có thể sử dụng công cụ và giải quyết vấn đề

Trong khi một vài loài động vật biết cách sử dụng công cụ, thì quạ là loài động vật duy nhất không phải linh trưởng mà có thể tạo ra công cụ mới. Ngoài việc sử dụng nhánh cây làm giáo và móc, quạ cũng sẽ uốn cong dây thép để tạo ra công cụ mới, kể cả khi chúng chưa thấy dây thép bao giờ.

Trong câu chuyện ngụ ngôn của Aesop về “Con quạ và cái bình”, một con quạ đang khát nước đã bỏ những viên sỏi vào trong bình nước, làm cho mực nước trong bình dâng lên rồi uống. Các nhà khoa học đã kiểm tra xem có đúng là quạ thông minh đến vậy không. Họ đặt một mồi nổi trong một cái ống sâu có chứa nước. Những con quạ trong thí nghiệm đã bỏ những vật thể đặc vào trong ống cho tới khi mồi nổi lên vừa tầm với của chúng. Chúng đã không chọn những vật thể sẽ nổi trên nước, hay những vật thể quá to so với miệng ống. Những đứa trẻ loài người phải 5 đến 7 tuổi mới hiểu được những tri thức này.

Video:

Quạ lên kế hoạch cho tương lai

Lên kế hoạch cho tương lai không chỉ là một đặc điểm của con người. Ví dụ, sóc cất giấu các loại hạt mà chúng kiếm được để làm thức ăn dự trữ trong những thời điểm khan hiếm.

Quạ không chỉ lên kế hoạch cho các sự kiện tương lai, mà chúng còn biết suy xét tới suy nghĩ của những con quạ khác. Khi một con quạ giấu đồ ăn, nó sẽ nhìn xung quanh xem có ai đang quan sát mình không. Nếu con quạ thấy một động vật khác đang nhìn, thì nó sẽ giả vờ là đang giấu kho báu của mình, nhưng sự thực là nó giấu đồ ăn ở trong bộ lông. Sau đó nó sẽ bay đi nơi khác để tìm kiếm vị trí bí mật mới. Nếu một con quạ nhìn thấy một con quạ khác đang giấu đồ, nó đã biết về trò chơi nhỏ này, và sẽ không bị lừa. Khi đó, rất có thể, nó sẽ bám theo con quạ kia để tìm ra nơi cất giấu mới.

Quạ biết dùng kế “đánh lạc hướng” để cất giấu đồ ăn của mình được an toàn. (Ảnh: thoughtco.com)

Quạ có thể thích nghi với hoàn cảnh mới

Quạ có thể thích nghi với cuộc sống trong thế giới con người. Chúng quan sát những gì chúng ta làm và học hỏi từ chúng ta. Người ta đã từng thấy quạ để rơi các loại hạt có vỏ cứng trên đường giao thông, để những chiếc xe ô tô đi qua cán vỡ vỏ hạt. Chúng thậm chí còn biết quan sát đèn tín hiệu giao thông, và chỉ bay đến lấy hạt khi đèn báo hiệu an toàn cho người đi bộ qua đường bật sáng. Điều này có lẽ khiến quạ thông minh hơn hầu hết những người đi bộ. Quạ còn được biết tới là có khả năng ghi nhớ thời gian biểu của nhà hàng và những ngày đổ rác, để chúng có thể tận dụng kiếm chác thực phẩm thừa trước khi người thu gom rác tới.

Quạ thích nghi rất tốt với cuộc sống trong thế giới con người. (Ảnh: ThoughtCo)

Mặc dù trong thực tế rất khó để kết luận rằng loài động vật nào là thông minh nhất, do các nhà khoa học hiện đại nhận thấy rằng không thể áp dụng một bài kiểm tra trí thông minh cho nhiều loài khác nhau, bởi vì khả năng giải quyết vấn đề, trí nhớ, và khả năng nhận thức của một loài động vật không chỉ phụ thuộc vào dung lượng bộ não, mà còn liên quan tới hình thể, môi trường sinh sống, và nhiều yếu tố khác nữa. Tuy nhiên, cho dù dùng tiêu chuẩn của con người để đo lường thì quạ cũng là một loài động vật cực kỳ thông minh trong hệ sinh thái vô cùng phồn vinh trên hành tinh của chúng ta.

Ngọc Thuần