Biến đổi khí hậu sẽ gây nên những biến đổi to lớn đối với chế độ dinh dưỡng toàn cầu, khiến số người chết tăng thêm nửa triệu vào năm 2050 từ các chứng bệnh như đột quỵ, ung thư và tim mạch.

Khi thời tiết cực đoan như lũ lụt và sóng nhiệt gieo rắc tai họa cho vụ mùa và sản lượng lương thực, sự gia tăng lượng lương thực có sẵn ước tính sẽ sụt giảm ⅓ tính đến năm 2050, theo nghiên cứu công bố trên tạp chí y khoa The Lancet. Điều này có thể dẫn đến sự sụt giảm một lượng khoảng 99 calo một người mỗi ngày, theo kết quả đánh giá ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với chế độ ăn và trọng lượng cơ thể.

Biến đổi khí hậu cũng có thể dẫn tới việc sụt giảm 4% lượng rau quả và 0,7% lượng thịt đỏ tiêu thụ. Việc sụt giảm lượng tiêu thụ rau quả có nguy cơ gây tử vong cao gấp đôi tình trạng suy dinh dưỡng vào năm 2050, nghiên cứu cho biết.

“Ngay cả sự sụt giảm lượng lương thực có sẵn trên trung bình đầu người khiêm tốn nhất cũng có thể dẫn đến sự biến đổi hàm lượng năng lượng và chế độ ăn, và những biến đổi này sẽ có hậu quả to lớn đối với sức khỏe”, tác giả dẫn đầu nghiên cứu Marco Springmann từ Đại học Oxford (Anh) cho hay.

Những thay đổi này có thể gây thêm khoảng 529.000 ca tử vong hàng năm vào năm 2050, so với một tương lai không có biến đổi khí hậu trong đó sự gia tăng lượng lương thực có sẵn và mức tiêu thụ lương thực có thể chặn đứng 1,9 triệu ca tử vong. Tuy rằng một số ca tử vong có liên quan đến biến đổi khí hậu sẽ được bù lại bởi sự sụt giảm số lượng ca béo phì, nhưng khoảng 260.000 số ca tử vong thấp hơn dự tính sẽ được cân bằng bởi tình trạng calo có sẵn thấp hơn, nghiên cứu cho hay.

Các quốc gia có thu nhập thấp đến trung bình ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Nam Á có khả năng sẽ bị tác động nhiều nhất, và gần như ¾ tất cả số ca tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu dự tính sẽ xảy ra ở Trung Quốc và Ấn Độ.

biến đổi khí hậuMột người đàn ông đi bộ trên một bể chứa nước bị cạn trơ tới đáy ở huyện Tam Nguyên, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc. (Ảnh: REUTERS/Stringer)

“Sẽ có đủ lương thực để cho ra một chế độ ăn tốt hơn vào năm 2050 so với hiện có trên toàn cầu,  nhưng nếu chúng ta thêm vào yếu tố biến đổi khí hậu, thì chúng ta sẽ mất đi một số những cải thiện trên”, đồng tác giả nghiên cứu Peter Scarborough từ Đại học Oxford (Anh) cho hay.

Ở Châu Âu, Hy Lạp và Ý có khả năng sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể, với số ca tử vong trên một triệu người lần lượt là 124 và 89.

Cắt giảm khí thải có thể có lợi ích sức khỏe đáng kể và giảm thiểu số lượng ca tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu từ 29-71%, nghiên cứu cho biết.

“Chúng ta cần giảm khí nhà kính. Nếu làm được, thì nó sẽ giúp hạ bớt tác động đến sức khỏe của biến đổi khí hậu”, Scarborough nói.

Quý Khải

Xem thêm: