Một phi hành gia đã phải bịt lỗ rò trên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bằng ngón tay của mình sau khi trạm này bị một thiên thạch va trúng.

Theo Iflscience, thiên thạch thuộc dạng siêu nhỏ đã xuyên thủng mô-đun quỹ đạo trên tàu vũ trụ Soyuz MS-09, tạo ra một lỗ rộng khoảng 2 mm. Điều này khiến cho trạm bắt đầu giảm áp suất ở tốc độ chậm.

Trong khi họp bàn để đưa ra giải pháp khắc phục sự cố rò rỉ, phi hành gia của Cơ quan Vũ trụ châu u (ESA) Alexander Gerst đã đưa ngón tay của mình lên lỗ để tạm thời giải quyết vấn đề. TechSpatiales bình luận rằng: “Lần đầu tiên có một phi hành gia chạm vào không gian một cách an toàn mà không có bộ đồ bảo hộ.”

Phi hành gia Alexander Gerst – người đã lấy ngón tay bịt lỗ thủng của trạm vũ trụ ISS. (Ảnh: Stranger Planets)

Sự rò rỉ được phát hiện vào tối 29/8 bởi trung tâm điều khiển mặt đất trong khi các phi hành gia đang ngủ. Tuy rằng sự cố được coi là không quá nghiêm trọng để đánh thức phi hành đoàn nhưng tất cả được yêu cầu nhanh chóng lên phương án khắc phục, sửa chữa vào sáng sớm hôm sau.

Theo NASA, sau giải pháp ngẫu hứng của Gerst, các phi hành gia đã che lỗ bằng băng dính. Sau đó, họ sử dụng “epoxy trên một miếng gạc để lau lỗ”. Không khí cũng được bơm vào trạm từ tàu vũ trụ Progress 70 để duy trì áp suất phù hợp.

NASA cho biết thêm:

“Trung tâm điều khiển bay ở Houston đang tiếp tục theo dõi áp suất cabin của trạm sau khi sửa chữa. Trong khi đó, Roscosmos đã triệu tập một ủy ban để tiến hành phân tích sâu hơn về các nguyên nhân có thể có của sự rò rỉ.”

Theo hãng tin TASS của Nga, chất bịt kín được sử dụng để khắc phục sự rò rỉ đã được chứng minh là kín khí, vì vậy có vẻ như vấn đề đã được giải quyết. Áp lực lên ISS vẫn ổn định, không phát hiện thêm rò rỉ nào. 

Hiện tại không có sự cố rò rỉ nào khác tại ISS và NASA đang theo dõi sát sao cũng như nguyên cứu sau hơn về nguyên nhân. (Ảnh: The Inquisitr)

Ngoài ra, một số nguyên nhân khác cũng được xem xét đến bên cạnh nguyên nhân thiên thạch. Nếu nguyên nhân thiên thạch được xác thực, đây cũng không phải là lần đầu tiên trạm bị đánh trúng – và có lẽ cũng sẽ không phải là lần cuối cùng.

ISS được thiết kế đủ khả năng đối mặt với các sự cố như thế này, và trong trường hợp có một lỗ hổng tương tự được tạo ra, các phi hành gia đã có kinh nghiệm để xử lý và duy trì hoạt động của trạm vũ trụ lớn nhất và duy nhất hiện nay trên quỹ đạo.

Hoài Anh