Theo báo cáo được công bố hôm thứ năm tại The Lancet, không khí, nước và đất đai bị ô nhiễm cướp đi sinh mạng của hơn 9 triệu vào năm 2015.

Báo cáo được thực hiện sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành quan sát các cộng đồng sống trong vùng ô nhiễm và so sánh chúng với những nhóm không tiếp xúc. Kết quả cho thấy ô nhiễm có thể là một nguyên nhân quan trọng gây bệnh cho rất nhiều người – bao gồm hen suyễn, ung thư, rối loạn phát triển thần kinh, dị tật bẩm sinh ở trẻ em, bệnh tim, đột quỵ và bệnh phổi.

Các trường hợp mắc bệnh nặng và lâu dài sẽ có nguy cơ tử vong. Nguyên nhân tử vong cũng rất đa dạng nhưng phổ biến nhất là ung thư và các bệnh về tim phổi. Báo cáo dựa trên các nghiên cứu trước đó cũng cho biết mức độ ô nhiễm có quan hệ chặt chẽ với rất nhiều các bệnh mà chúng ta chưa từng nghĩ trước đó.

Ô nhiễm khói bụi tại Việt Nam (Ảnh: Cafebiz)

Con số 9 triệu người tương đương 16% số ca tử vong trên toàn thế giới, gấp 3 lần số người chết vì AIDS, lao và sốt rét cộng lại, gấp 15 lần so với chiến tranh và các hình thức bạo lực khác.

“Không nước nào không bị ảnh hưởng. Nhưng 92% số ca tử vong trong số đó xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình. Ô nhiễm ở những nước đang phát triển ngày càng xấu đi với tốc độ chóng mặt “. Tiến sĩ Philip Landrigan, bác sĩ nhi khoa và giáo sư về y học môi trường và sức khoẻ toàn cầu cho biết.

Biểu đồ số liệu tử vong do một số các nguyên nhân chính gây ra (Nguồn: The Lancet)

Nguyên nhân xuất phát từ việc các nước nghèo đang nhanh chóng công nghiệp hóa. Nhưng các cơ quan chuyên trách của họ về môi trường thường yếu kém. Hệ quả là việc phát thải rất vô tội vạ.

Một ví dụ rõ ràng là amiăng. Khoảng hai triệu tấn amiăng mới được sản xuất mỗi năm. Nó được sử dụng trong sản xuất vật liệu xây dựng và nhiều sản phẩm khác. Mặc dù đây là nguyên nhân quan trọng gây ra ung thư phế quản và ung thư phổi, hầu như tất cả các quốc gia nghèo nhất trên thế giới có quy định lỏng lẻo hoặc không có quy định chống lại nó.

Không nhiều người biết rằng các tấm lợp fibro xi măng có thành phần chính là amiang trắng độc hại (Ảnh: Dantri)

Một ví dụ khác là thuốc trừ sâu. Khoảng 20% số thuốc trừ sâu sản xuất tại Hoa Kỳ là không được phép sử dụng ở nước này vì các nguy cơ về sức khoẻ đã biết. Vì vậy, họ xuất khẩu sang các nước nghèo.

Sự sôi động của các hoạt động chuyển giao quốc tế cũng khiến hàng triệu tấn chất thải công nghệ như máy tính cũ, điện thoại di động, TV, tủ lạnh… từ các nước giàu tràn sang các nước đang phát triển. Tiếp đó, người ta phá vỡ chúng và cố gắng khai thác những thứ có giá trị như vàng hoặc đồng, những chất gây ô nhiễm còn lại ngấm dần vào đất mà tiêu biểu nhất là hoạt động tái chế pin và acquy chì.

Làng nghề tái chế chì Đông Mai, Hưng Yên hiện là một trong những nơi đứng đầu cả nước về tỉ lệ ung thư và dị tật thai nhi trẻ em (Ảnh: Rfa)

Báo cáo cũng chỉ ra rằng khi tính toán các thiệt hại do ô nhiễm môi trường, người ta đã không chú ý đến các chi phí y tế ẩn tàng và điều này làm cho các ước lượng trở lên không chính xác.

Chẳng hạn nếu một người đến bệnh viện với nhịp tim bất thường. Không ai nghĩ rằng nguyên nhân có thể xuất phát từ sự ô nhiễm không khí cực kỳ cao hôm đó.  Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, các phân tử nano ô nhiễm hít vào có thể đóng một vai trò trong việc làm vỡ mảng bám trong động mạch, gây ra cơn đau tim hoặc đột quỵ.

Chú bé người Pakistan trên đang chơi lăn bánh xe trên con đường mù mịt khói bụi (Ảnh: baovemoitruong)

Asen trong nước làm tăng tỷ lệ một số bệnh ung thư, nhưng mối liên hệ không phải là ngay lập tức. Khi các cuộc tranh luận xoay quanh việc kiểm soát ô nhiễm nảy sinh, giới công nghiệp hầu như luôn luôn nói rằng nó là quá tốn kém để thay đổi. Các ngành công nghiệp có thể đưa ra tuyên bố đó bởi vì họ có thể tính toán chi phí bao nhiêu. Trong khi đó, chi phí y tế cho người dân trong nhiều năm tiếp xúc với ô nhiễm là không rõ ràng.

Tiến sĩ Philip Landrigan hiện đang kiến nghị xây dựng một Trung tâm quan sát ô nhiễm Toàn cầu để theo dõi tiến trình giải quyết vấn đề ô nhiễm và định kỳ công bố các cập nhật trong The Lancet. Ngoài ra, đề xuất các chuyên gia ở các nước phát triển có thể cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho các nước nghèo để xây dựng và thực hiện các kế hoạch hành động về sức khoẻ và ô nhiễm chẳng hạn như báo cáo thống kê về nguy cơ tử vong sớm do yếu tố ô nhiễm. Trên thực tế, công việc đó đã bắt đầu ở Madagascar, Thái Lan và Kenya.

Người dân Bắc Kinh khiêu vũ trong khói bụi. Không khí sạch đang dần trở lên quá xa xỉ đối với nhiều thành phố tại Châu Á (Ảnh: AP)

Ông cũng hy vọng vấn đề sẽ được coi trọng hơn trong chương trình nghị sự chính sách toàn cầu. Dẫn chứng là sau khi Hoa Kỳ thông qua Đạo luật Không khí sạch vào năm 1970, ô nhiễm không khí đã giảm 70%, đồng thời, GDP đã tăng 250%.

Điều đó minh chứng cho điều chúng ta vẫn thường nghe rằng kiểm soát ô nhiễm sẽ giết chết công ăn việc làm là vô căn cứ. Các nền tảng pháp lý cùng các giải pháp kỹ thuật có thể giúp cải thiện tình hình. Tất cả phụ thuộc vào thiện chí của các quốc gia. Mọi thứ đều có thể cải biến, quan trọng là ở ý thức và quyết tâm của con người.

Hoài Anh