Các nhà lịch sử học phát hiện ra rất nhiều các nghiên cứu về thuốc kháng sinh trong các tài liệu y khoa từ thời trung cổ, có thể giúp tạo ra những loại thuốc mới thân thiện và hữu hiệu trước tình trạng kháng thuốc đang trở lên đáng báo động.

Sự phát triển của các vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh khiến con người luôn phải tìm ra những loại thuốc mới để chống lại những vi khuẩn không còn có thể điều trị bằng kháng sinh hiện tại. Nhưng tiến độ trong việc tìm kiếm kháng sinh mới lại không thể bắt kịp, những khám phá mới về các loại dược phẩm hiện đang bị đình trệ. Ước tính có tới 700.000 người trên thế giới chết vì nhiễm trùng kháng thuốc hàng năm. Nếu tình hình này không thay đổi, ước tính rằng các ca nhiễm trùng như thế này sẽ cướp đi sinh mạng 10 triệu người mỗi năm vào năm 2050.

Tình trạng vi khuẩn kháng thuốc kháng sinh ngày càng nghiêm trọng (Ảnh: ĐKN)

Erin Connelly là thành viên của nhóm Ancientbiotics bao gồm các chuyên gia lịch sử và văn hóa Trung cổ, các nhà vi sinh học, các nhà hóa học, các nhà nghiên cứu ký sinh trùng, dược sĩ và các nhà khoa học dữ liệu từ nhiều trường đại học và các quốc gia trên thế giới. Họ tin rằng các câu trả lời cho cuộc khủng hoảng kháng sinh có thể được tìm thấy trong lịch sử của ngành Y học. Với sự trợ giúp của các công nghệ hiện đại, họ hy vọng có thể làm sáng tỏ được cách mà các thầy thuốc thời xưa điều trị những ca nhiễm trùng và liệu các phương pháp ấy có thực sự hiệu quả.

Nhóm các nhà nghiên cứu đã biên soạn một cơ sở dữ liệu về các phương pháp y học thời Trung cổ. Bằng cách tiết lộ các mô hình trong thực hành y học Trung cổ, cơ sở dữ liệu của họ có thể cung cấp cho các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tương lai về các nguyên liệu được sử dụng để điều trị nhiễm trùng trong quá khứ. Đây có lẽ là nỗ lực đầu tiên trong việc tạo ra một cơ sở dữ liệu dược phẩm Trung cổ theo cách này.

Thuốc mỡ tra mắt của Bald

Vào năm 2015, nhóm các nhà nghiên cứu đã công bố một nghiên cứu sơ bộ về công thức 1.000 năm tuổi có tên Bald’s Eyesalve (thuốc mỡ tra mắt của Bald) từ một văn bản y khoa cổ bằng tiếng Anh với tiêu đề “Bald’s Leechbook”. Thuốc mỡ tra mắt này được sử dụng để điều trị chứng chắp ở mắt, một dạng nhiễm trùng nang lông mi.

Thuốc tra mắt của Balt đem lại hiệu quả rất đáng chú ý (Ảnh minh họa)

Một nguyên nhân phổ biến của chứng chắp mắt này ở thời hiện đại là vi khuẩn Staphylococcus aureus. Methicillin-resistant Staphylococcus aureus (viết tắt là MRSA – tụ cầu kháng Methicillin) kháng với nhiều kháng sinh hiện tại. Nhiễm Staph (một loại vi trùng thường có trên da hoặc trong mũi của những người khỏe mạnh) và tụ cầu  kháng Methicillin MRSA là nguyên nhân của nhiều bệnh nhiễm trùng nặng và mãn tính, bao gồm nhiễm trùng vết mổ, nhiễm khuẩn máu và viêm phổi. Đây là một vấn đề y tế toàn cầu và là một thách thức trong việc điều trị. Hiện MRSA đang gia tăng về tần suất cũng như xuất hiện ở nhiều cơ sở y tế cũng như trong cộng đồng.

Công thức thuốc tra mắt của Bald có chứa rượu, tỏi, hành tây (thuộc chi Allium) và mật bò. Công thức này chỉ ra rằng, sau khi các thành phần đã được pha trộn với nhau, chúng phải được chứa trong một chiếc chậu bằng đồng thau trong chín đêm trước khi sử dụng.

Trong nghiên cứu của các chuyên gia, công thức này hóa ra là một chất chống co thắt phế quản, chất này liên tục tiêu diệt các màng sinh học tụ cầu vàng được tạo thành (như một một ma trận vi khuẩn dính chặt vào bề mặt). Nó cũng giết chết MRSA ở vết thương trên chuột.

Những phương pháp Trung cổ

Việc nghiên cứu tiềm năng lâm sàng trong Y học tại châu Âu thời xưa được tiến hành một cách chậm chạp và nghèo nàn so với các dược liệu cổ truyền của các châu lục khác trên thế giới. Nghiên cứu của nhóm các chuyên gia này cũng đặt ra câu hỏi về người học Y thời trung cổ. Ngày nay, từ “trung cổ” được sử dụng như là một thuật ngữ xúc phạm, cho thấy hành vi tàn nhẫn, vô minh hoặc những suy nghĩ ngược chiều. Điều này lại càng làm kéo dài thêm huyền thoại rằng giai đoạn này không xứng đáng để nghiên cứu.

Trong nghiên cứu về thuốc mỡ tra mắt nói trên, nhà hoá học Tu Youyou đã được trao Giải Nobel về Sinh lý học cho việc khám phá ra một phương pháp điều trị sốt rét mới sau khi nghiên cứu hơn 2.000 công thức từ Y học cổ đại của Trung Quốc về dược thảo. Phải chăng đây là một phương pháp đặc trị lây nhiễm vi khuẩn khác trong các tài liệu y học thời Trung cổ của châu Âu?

Chắc chắn, có những phương pháp điều trị thời Trung cổ mà chúng ta không lặp lại ngày nay, chẳng hạn như tẩy sạch dịch gây bệnh trên cơ thể bệnh nhân. Tuy nhiên, công trình của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng có thể có một hệ thống phương pháp đằng sau các loại thuốc của những thầy thuốc thời trung cổ.

Một phát hiện quan trọng là sau các bước chính xác theo quy định của công thức thuốc mỡ tra mắt của Bald – bao gồm cả chờ 9 ngày trước khi sử dụng – đều rất quan trọng cho việc thuốc có kết quả tốt nhất. Phải chăng kết quả của những công thức thời Trung Cổ này mang đến cho chúng ta những phương thức khác để điều trị nhiễm trùng? Liệu những người nghiên cứu Y học thờ xưa đã lựa chọn và kết hợp các tài liệu theo một số phương pháp “khoa học” để có thể sản xuất ra được những loại thuốc sinh học thực sự hiệu nghiệm?

Nghiên cứu sâu hơn có thể chỉ ra rằng một số loại thuốc ở thời trung cổ nhiều hơn thuốc trấn an hoặc thuốc giảm nhẹ cơn đau, nhưng thực tế “dược phẩm cổ xưa” đã được sử dụng rất lâu trước nền khoa học hiện đại của việc kiểm soát nhiễm trùng. Điều này là cơ sở cho nghiên cứu hiện tại về văn bản y khoa thời trung cổ “Lylye of Medicynes” của nhóm nghiên cứu.

Một Cơ sở dữ liệu Thuốc thời Trung Cổ

“Lylye of Medicynes” là cuốn sách tiếng Anh thời Trung cổ từ thế kỷ 15 dịch từ cuốn sách tiếng La tinh có tên “Lilium medicinae”, được hoàn thành lần đầu vào năm 1305. Nó là bản dịch của tác phẩm chính của một bác sĩ thời trung cổ Bernard Gordon. Tác phẩm “Lilium medicinae” của ông đã được dịch và in liên tục trong nhiều thế kỷ, cho đến ít nhất vào cuối thế kỷ 17.

Cuốn sách “Lilium medicinae” (Ảnh: ancient-origins)

Cuốn sách này chứa rất nhiều các phương pháp y học. Trong bản dịch tiếng Anh thời Trung cổ, có 360 phương pháp được ghi rõ ràng với nhãn RX (thuốc kê theo đơn) và hàng ngàn các thành phần khác nữa.

Ông đã nạp tên các thành phần tiếng Anh thời Trung cổ vào cơ sở dữ liệu, cùng với bản dịch hiện đại của các từ tương đương, ghép nối để tạo thành các mối quan hệ với các phương pháp chữa bệnh và các loại bệnh tật. 

Với cơ sở dữ liệu này, các nhà nghiên cứu mong muốn tìm ra sự kết hợp của các thành phần xảy ra liên tục và được sử dụng một cách đặc biệt để điều trị các bệnh truyền nhiễm. 

Nhóm nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến các phương pháp điều trị có liên quan đến các dấu hiệu nhiễm trùng. Với trường hợp “thuốc tra mắt của Bald”, sự kết hợp của các thành phần đã được chứng minh là rất quan trọng. Bằng cách kiểm tra độ quan trọng của các mối quan hệ giữa các thành phần, nhóm hy vọng tìm ra được rằng liệu các phương pháp từ thời Trung cổ này có được kết hợp bởi các thành phần kháng khuẩn hay không.

Cơ sở dữ liệu có thể đưa chúng ta tới các phương pháp mới để thử nghiệm trong phòng thí nghiệm trong việc tìm kiếm kháng sinh mới, cũng như thông tin nghiên cứu mới về các chất kháng khuẩn chứa trong các thành phần này ở mức độ phân tử. Nó cũng có thể giúp chúng ta hiểu biết hơn về cách các nhà nghiên cứu y học thời trung cổ đã “thiết kế” nên các phương pháp này. Nghiên cứu của nhóm các chuyên gia vẫn đang ở giai đoạn đầu, nhưng trong tương lai nó hứa hẹn mang tới những kết quả đầy bất ngờ và thú vị.

Nhật Quang

Từ Khóa: