Theo một nghiên cứu mới đây đã cho thấy các vi hạt nhựa lần đầu tiên được phát hiện thấy trong phân người. Điều này có thể cho thấy mức độ phổ biến rộng rãi của chúng trong chuỗi thức ăn của con người.

Nghiên cứu nhỏ này đã kiểm tra tám người tham gia từ châu Âu, Nhật Bản và Nga. Tất cả mẫu phân của họ đều chứa các thành phần vi hạt nhựa. Có tới 9 loại nhựa khác nhau được tìm thấy trong số 10 loại được thử nghiệm, chúng có kích thước từ 50 đến 500 micromet. Polypropylene và polyethylene terephthalate là những loại nhựa phổ biến nhất được phát hiện.

Tính trung bình, 20 mẫu vật vi hạt nhựa được tìm thấy trong mỗi 10g chất thải. Vi hạt nhựa hay còn gọi là microplastic được định nghĩa là các hạt nhỏ hơn 5mm, với một số được tạo ra để sử dụng trong các sản phẩm như mỹ phẩm hay trong việc xử lý rác thải nhựa tại các đại dương.

Các vi hạt được phát hiện có nguồn gốc từ mỹ phẩm hay rác thải nhựa từ đại dương. (Ảnh: Spiegel Online)

Dựa trên nghiên cứu này, các tác giả ước tính rằng hơn 50% dân số thế giới có thể có vi hạt nhựa trong phân của họ, mặc dù họ nhấn mạnh sự cần thiết cho các nghiên cứu quy mô lớn hơn để xác nhận điều này.

Cơ quan Môi trường Áo đã tiến hành các thử nghiệm bằng cách sử dụng một quy trình mới, các nhà nghiên cứu cho biết đã làm sáng tỏ mức độ các hạt vị nhựa trong chuỗi thức ăn. Các mẫu từ tám đối tượng đã được gửi đến một phòng thí nghiệm ở Vienna, nơi chúng được phân tích bằng máy đo kính hiển vi hồng ngoại biến đổi Fourier.

Philipp Schwabl, một nhà nghiên cứu tại Đại học Y dược Vienna, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: “Đây là nghiên cứu đầu tiên về chủ đề này và xác nhận những gì chúng ta đã nghi ngờ từ lâu, rằng rác thải nhựa cuối cùng cũng đi đến được ruột của con người. Quan tâm đặc biệt chúng tôi là kết quả này nói lên điều gì, đặc biệt là với những bệnh nhân bị bệnh đường tiêu hóa.”

Tiến sỹ Philipp Schwabl. (Ảnh: ResearchGate0)

Các nghiên cứu trước đây về cá cũng đã tìm thấy chất nhựa trong ruột. Vi hạt nhựa đã được tìm thấy trong nước máy trên toàn thế giới, trong các đại dương và côn trùng bay. Một cuộc điều tra gần đây ở Ý cũng tìm thấy các vi hạt nhựa có trong nước giải khát. Ở chim, việc ăn phải chất thải nhựa này đã khiến chúng bị ảnh hưởng tới ruột non, phá vỡ sự hấp thụ sắt và làm tăng thêm sức ép lên gan.

Schwabl, người sẽ báo cáo về nghiên cứu tại UEG Week ở Vienna cho biết: “Các hạt vi hạt nhỏ nhất có khả năng xâm nhập vào máu, hệ thống bạch huyết, và thậm chí có thể tiếp cận với gan. Bây giờ chúng ta có bằng chứng đầu tiên cho việc xuất hiện vi hạt nhựa bên trong con người, chúng ta cần nghiên cứu thêm để hiểu điều này có ý nghĩa gì đối với sức khỏe con người.”

Các nhà nghiên cứu cho biết những hạt nhựa trong ruột người có thể ảnh hưởng đến phản ứng miễn dịch của hệ tiêu hóa hoặc thúc đấy việc chuyển hóa các hóa chất độc hại và các tác nhân gây bệnh.

Các nguồn nhựa được tìm thấy trong các mẫu phân chưa được biết rõ. Những người nghiên cứu đã giữ một cuốn nhật ký thực phẩm cho thấy tất cả họ đều tiếp xúc với chất déo bằng cách tiêu thụ thức ăn bọc trong nhựa hoặc uống từ chai nhựa. Không ai trong số những người tham gia nghiên cứu là người ăn chay và sáu người trong số họ đã ăn cá biển.

Việc sử dụng nhựa rất phổ biến trong cuộc sống hiện đại, loại bỏ hoàn toàn nó khỏi chuỗi thức ăn sẽ vô cùng khó khăn. Một triệu chai nhựa được mua trên toàn thế giới mỗi phút và con số này dự kiến ​​sẽ tăng thêm 20% vào năm 2021.

Nguyên nhân ban đầu về sự xuất hiện của vi thải nhựa là từ việc ăn cá biển. (Ảnh: Business Insider UK)

Đầu năm nay, nghị viện châu Âu đã bỏ phiếu cho một lệnh cấm toàn EU về vi hạt nhựa trong mỹ phẩm. Ủy ban châu Âu cũng đã đề xuất cấm sử dụng các sản phẩm nhựa đơn lẻ như tăm bông và ống hút bằng nhựa đồng thời thúc giục các nước thành viên xử lý chất thải trước khi đổ ra biển để làm sạch các đại dương. Đến năm 2025, các quốc gia châu Âu có nghĩa vụ thu thập 90% các chai đồ uống bằng nhựa.

Một số quốc gia đã cấm hoàn toàn túi nilon và ngày càng nhiều thành phố, trong đó có nhiều người ở Mỹ đang thảo luận về việc cấm ống hút nhựa và các vật dụng đơn lẻ bằng nhựa khác.

Nhật Quang