Các nhà khoa học phát hiện một ‘căn phòng trống lớn’ bên trong Đại Kim Tự Tháp Giza Ai Cập bằng công nghệ chụp ảnh xuyên tường đá muography.

Theo Newscientist, căn phòng này dài ít nhất 30 mét nằm bên trên Grand Gallery, một hành lang dốc có chiều dài khoảng 50 mét nối liền hai phòng chứa khác mang tên “Phòng vua” và “Phòng hoàng hậu”. Phát hiện được công bố trên tạp chí Nature hôm qua.

Đại Kim tự tháp Giza (Ảnh: ĐKN)

Nhóm nghiên cứu vẫn chưa rõ về kết cấu chính xác và chức năng của căn phòng mới tìm thấy. Họ chỉ biết rằng nó có cùng những đặc điểm như Grand Gallery – một căn phòng có chiều cao 8 mét và chiều dài 47 mét. Mặc dù vậy, đây là một phát hiện rất có giá trị và nó giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về kim tự tháp và cấu trúc công trình.

“Chúng tôi không biết liệu phòng trống lớn này nằm ngang hay dốc, và cũng không biết nó được tạo nên bởi một cấu trúc, hay nhiều cấu trúc liên tiếp, chưa có giả thuyết nào tiên dự đoán về sự tồn tại của nó từng được đề cập. Điều chúng tôi chắc chắn chỉ là có một căn phòng trống lớn ở đó, rất ấn tượng, không giống với bất kỳ thứ gì tôi biết trước đó”, Mehdi Tayoubi, trưởng nhóm nghiên cứu ở Viện HIP, Pháp, cho biết.

Vì chưa rõ cấu trúc nên mục đích sử dụng của phòng trống này cũng đang là một câu hỏi lớn đối với nhóm nghiên cứu. “Nó có thể là một khoảng không gian được xây dựng để bảo vệ phần mái rất nhỏ của Phòng trưng bày lớn trước sức nặng của Kim Tự Tháp”, Mark Lehner, một nhà khảo cổ học nói với BBC.

Kỹ thuật phân tích vũ trụ muon cho phép xây dựng hình ảnh bên trong kim tự tháp. (Ảnh: ScanPyramids)

Với chiều cao 146 mét, Đại Kim Tự Tháp là công trình lớn nhất trong quần thể Kim Tự Tháp thuộc vùng ngoại ô Thủ đô Cairo của Ai Cập. Đây cũng là công trình duy nhất còn sót lại trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại và là một trong những kiến trúc lớn nhất từng được xây dựng trên Trái đất.

Để tìm hiểu bên trong kim tự tháp, các nhà nghiên cứu quốc tế chụp hình kết cấu bên trong bằng hạt hạ nguyên tử gọi là muon, sản phẩm phụ của tia vũ trụ có thể xuyên qua lớp đá. Khi các hạt di chuyển qua lớp đá hoặc không khí, đường đi riêng biệt của nó cho phép phân biệt các khoảng trống với cấu trúc rắn.

Phòng trống nằm tại vị trí nơi có các chùm hạt muon phát sáng trên máy ghi (Ảnh: Youtube)

Nghiên cứu nằm trong dự án quét kim tự tháp khởi động từ đầu tháng 8/2017 mang tên ScanPyramids do Viện HIP và Đại học Cairo hợp tác thực hiện nhằm khám phá những kim tự tháp Ai Cập dưới thời Cổ vương quốc, sử dụng những kỹ thuật không gây hư hại hay xâm phạm công trình, bao gồm quét 3D, thiết bị nhũ hóa và công nghệ chụp muon.

Hoài Anh