Loài người chúng ta chính xác đến từ đâu và khi nào? Các nhà nhân chủng học đã đau đầu với câu hỏi này trong hàng thập kỷ.

Các dấu vết rải rác từng đưa đến nhận định rằng con người khai sinh từ vùng Sahara châu Phi khoảng 200.000 năm trước.

Nhưng một phát hiện mới lại thách thức giả thuyết này. Một nhóm tác giả đăng trên tạp chí Nature cho biết những hài cốt mới phát hiện cho thấy người cổ đại (Homo) xuất hiện từ 300.000 năm trước, và ở những nơi mà các chuyên gia chưa từng biết.

Những hộp sọ trong đất cát

Năm 1961, một nhóm thợ mỏ đào vào trong một dãy tường đá vôi ở khu vực đồi núi Marrakesh. Tại đó họ phát hiện ra một miếng hộp sọ người.

Khi đào sâu hơn, họ tìm được một hộp sọ gần như nguyên vẹn, và họ chuyển cho một bác sỹ ở địa phương. Khi các nhà nghiên cứu đến kiểm tra, họ phát hiện thêm các hài cốt, trong đó có vài miếng xương hàm và một phần cánh tay. Lúc đó, các nhà khoa học xác định các hóa thạch này khoảng 40.000 năm tuổi.

Nhưng họ chưa đào đủ sâu.

Khu vực khảo cổ tại Marocco. (Ảnh: Shannon McPherron, MPI EVA Leipzig)

Khoảng 40 năm sau, nhà nhân chủng học Jean-Jacques Hublin và nhóm của ông từ Viện Max Planck khai quật tiếp các lớp đất đá tại địa bàn trên. Từ đó, nhóm đã phát hiện thêm các hài cốt của ít nhất 5 người, cùng với một bộ đá lửa dùng để nấu ăn.

Sử dụng phương pháp đo lường phóng xạ, nhóm của ông Hublin xác định được các mảnh xương này thuộc về những người sống từ cách đây 300.000-350.000 năm.

Nhà khoa học Jean-Jacques Hublin phát hiện ra các hộp sọ cổ xưa. (Ảnh: Shannon McPherron, MPI EVA Leipzig)

Hublin nói: “Khoảng thời gian đó là rất to lớn”, theo Business Insider.

Nhưng đó vẫn chưa phải là phát hiện mới nhất, cho đến khi nhóm xem xét kỹ các hộp sọ.

Sự tương đồng kỳ lạ

Khi Hublin kiểm tra một hộp sọ kỹ hơn, ông đã kinh ngạc.

Thay vì các đặc điểm về khuôn mặt của chủng người cổ Homo, thì các hộp sọ này lại giống y hệt con người hiện đại. Trong khi hộp sọ người Homo có phần trán nhô ra, thì những người này có trán nhỏ hơn. Người Homo có mặt to và hộp sọ phẳng, còn những người này có mặt nhỏ và hộp sọ tròn hơn.

Ông Hublin nói: “Khuôn mặt của những người này thực sự là khuôn mặt của những người hiện đại. Hộp sọ của họ thuôn dài hơn chúng ta, nhưng không khác biệt nhiều so với con người hôm nay”.

Khu vực dành cho trí não (màu xanh) cũng có hình dáng tương tự người cổ đại và người hiện đại, tuy nhiên có phần giống người cổ hơn.

Hai góc nhìn của họp sọ 300.000 năm tuổi. (Ảnh: Philipp Gunz, MPI EVA Leipzig)

Sự kết hợp kỳ lạ giữa các đặc điểm hiện đại và cổ xưa khiến ông Hublin nhận định đây là nguồn gốc của chủng loại chúng ta.

Ngoài ra các hộp sọ này được phát hiện ở Morrocco, khác với người Homo ở vùng Saharan Châu Phi. Đồng thời các dụng cụ mà họ sử dụng cũng được mài khá tinh xảo.

Các dụng cụ được phát hiện cùng hộp sọ 300.000 tuổi khá phong phú và kỹ năng mài cũng rất tốt. (Ảnh: Mohammed Kamal, MPI EVA Leipzig)

Theo một giáo sư nhân chủng học ở Đại học Southhampton, các phát hiện của Hublin có thể khuyến khích các nhà khảo cổ học thay đổi cách nghĩ về nguồn gốc con người.

Thanh Long

Xem thêm: