Stephen Hawking đã đi đến một thế giới khác hôm 14/03/2018. Nhiều người nhớ ông không chỉ vì những đóng góp lớn lao của ông cho khoa học, mà còn vì nỗi lo lắng của ông cho tương lai của nhân loại… Tuy nhiên, cũng có nhiều người nghi vấn rằng, nhà vật lý lỗi lạc này đã quên mất điều gì?

Một quý độc giả có tên là Momotaro vừa thông báo trên PVHg’s Home: “Vừa hôm qua, 14/3, nhà vật lý Stephen Hawking đã qua đời ở tuổi 76. Ông không tin có Thiên Chúa và cũng không tin có thiên đàng hay hỏa ngục. Và có lẽ hiện giờ ông đã nhận ra sai lầm lớn nhất của đời mình, nhưng đã không còn cơ hội để sửa sai nữa”.

Quả thật, Stephen Hawking là một người vô thần. Rất nhiều tuyên bố của ông chứng tỏ điều này, và không giống như Darwin chỉ dám nhận mình là một người “bất khả tri” (agnoticist), Hawking công khai tuyên bố “Tôi là một người vô thần” (I am an atheist)[1].

GS Stephen Hawking. Ảnh: pakistantoday.com.pk

Vì vô thần nên ông đã có những tuyên bố rất phi lý, nếu không muốn nói là phản khoa học, điển hình là một câu trong cuốn Grand Design, tác phẩm cuối cùng trong đời ông:

“Vì có một định luật như hấp dẫn, vũ trụ có thể và sẽ tự tạo ra nó từ hư không” (Because there is a law such as gravity, the universe can and will create itself from nothing)[2].

Một số môn đệ quen sùng bái khoa học đã cố “đỡ lời” cho Hawking bằng cách khuyên độc giả nên tìm đọc trích dẫn nói trên trong toàn bộ ngữ cảnh của nó. Nhưng liệu có thể có một “ngữ cảnh” nào, một lý luận nào có thể dẫn tới kết luận phi logic đó? Và nếu có, tại sao những người muốn bênh vực Hawking không đem ra mà giải thích cho mọi người hiểu, còn bắt thiên hạ tìm ngữ cảnh ấy làm gì?

Thực ra, câu nói “bất hủ” nói trên của Hawking bị rất nhiều người (từ các nhà khoa học cho đến người bình thường) phản đối, bởi có quá nhiều lý do để bác bỏ nó. Chẳng hạn, có ý kiến cho rằng tuyên bố của Hawking vi phạm Định luật bảo toàn vật chất và năng lượng, một trong những nguyên lý cơ bản và nền tảng của khoa học ─ không có bất cứ một ngoại lệ nào trong vũ trụ cho phép vi phạm định luật bảo toàn này. Chắc chắn chỉ có những người có thói quen sợ hãi uy tín của Hawking mới không dám phản đối ý kiến phi logic đó của ông. Ngược lại, bất cứ ai có tâm hồn khoa học chân chính đều không thể chấp nhận ý kiến phi logic đó. Chẳng hạn, hãy nghe ý kiến của một độc giả có tên là Nawaz bình luận trên trang Physics như sau đây:

“Đó không phải là logic luẩn quẩn ư? Ý tôi là làm thế nào mà lực hấp dẫn tồn tại nếu không có vũ trụ? Và nếu không có lực hấp dẫn thì làm thế nào để nó có thể là lý do để sáng tạo ra vũ trụ? Cũng vậy, nếu vũ trụ không tồn tại, làm thế nào mà nó lại có thể tự tạo ra nó? Đối với tôi, chính câu nói đó thật vô nghĩa. Điều đó dường như quá vô lý và phi logic đến nỗi tôi chưa bao giờ nghe thấy những câu như thế ngay cả trong triết học. Dựa trên nền tảng nào mà Stephen Hawking tuyên bố như thế?”[3].

Một cách khác để bác bỏ Hawking: Ông cho rằng vì có định luật hấp dẫn nên vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không, nhưng xin hỏi, Định luật hấp dẫn từ đâu ra? Thực ra chẳng cần phải có trình độ khoa học cao cũng có thể thấy những vô lý trong câu nói của Hawking. Vấn đề đặt ra là tại sao một nhà khoa học giỏi như Hawking lại có thể phạm những sai lầm ấu trĩ đến như vậy? Có lẽ không thể có câu trả lời nào khác ngoài câu trả lời sau đây:

Sự bế tắc của khoa học duy vật trong việc giải thích nguồn gốc vũ trụ đã dẫn Hawking tới cùng đường. Vì khăng khăng cho rằng thế giới chỉ có vật chất và không thể có gì khác ngoài vật chất nên khoa học duy vật mới đi đến bế tắc như vậy. Thực ra tất cả các câu hỏi về nguồn gốc đều dẫn khoa học duy vật tới bế tắc. Cụ thể, đó là những câu hỏi lớn sau đây:

  • Nguồn gốc vũ trụ
  • Nguồn gốc sự sống
  • Nguồn gốc loài người

Những người thấm nhuần Định lý Gödel hiểu rằng tư duy duy lý không thể trả lời được các câu hỏi về nguồn gốc, vì vấn đề nguồn gốc thuộc hệ tiên đề của một hệ logic. Định lý Gödel đã chỉ ra rằng không có một hệ logic nào có thể tự chứng minh tính nhất quán (phi mâu thuẫn) của hệ tiên đề của nó. Nói một cách nôm na, A không thể tự chứng minh A đúng. Muốn chứng minh A, phải đi ra ngoài A ─ bổ sung những tiên đề mới nằm bên ngoài A vào hệ tiên đề của A. Nhưng lập tức hệ tiên đề mới lại không thể tự chứng minh nó đúng. Quy trình này sẽ lặp đi lặp lại đến vô tận, có nghĩa là KHÔNG BAO GIỜ có thể chứng minh một hệ tiên đề của một hệ logic. Người ta phải bằng lòng với NIỀM TIN vào hệ tiên đề, và niềm tin đó dựa trên TRỰC GIÁC.

Đó là bài học vĩ đại của Định lý Bất toàn của Kurt Gödel!

Kurt Godel (phải). Ông là bạn thân của Einstein lúc sinh thời. Ảnh: cato.uphero.com

Stephen Hawking đã thấm nhuần Định Gödel đến mức thay đổi quan điểm gần 180 độ trong nhận định về tương lai của TOE từ chỗ cho rằng nhân loại sắp tìm thấy TOE đến nơi (xem Lược sử Thời gian) đến chỗ cho rằng RẤT KHÓ để có một TOE. Xin độc giả đọc lại hai bài báo của ông để thấy rõ sự thay đổi đó:

Tuy nhiên, Hawking chưa thấm nhuần Định lý Gödel đủ sâu sắc để thấy rằng khoa học duy lý không thể giải thích được nguồn gốc của vũ trụ. Trong bài “Gödel và sự kết thúc của vật lý”, Hawking đã viết những lời mâu thuẫn với chính ông:

“Nhưng chúng ta không phải là thiên thần nhìn vũ trụ từ bên ngoài. Thay vào đó, cả chúng ta lẫn các mô hình của chúng ta đều là một bộ phận của vũ trụ mà chúng ta đang mô tả. Như vậy, một lý thuyết vật lý là một hệ tự quy chiếu, như trong định lý của Gödel. Do đó người ta có thể cho rằng lý thuyết ấy hoặc không nhất quán hoặc không đầy đủ. Cho đến nay, các lý thuyết hiện có vừa không nhất quán vừa không đầy đủ”.

Có nghĩa là không thể có một lý thuyết giải thích đầy đủ về vũ trụ. Điều này cũng có nghĩa là không thể có một lý thuyết vật lý nào có thể giải thích được nguồn gốc vũ trụ! Ấy thế mà cuối cùng, trong cuốn Grand Design, Hawking lại cố gắng giải thích nguồn gốc vũ trụ, rằng nhờ định luật hấp dẫn, vũ trụ có thể tự tạo ra nó từ hư không (!).

Rõ ràng là luẩn quẩn, Hawking mâu thuẫn với chính ông. Không thể có một lý do nào khác để giải thích cho điều mâu thuẫn này ngoài cách lý giải cho rằng ông đã tự đưa mình vào bế tắc khi loay hoay tìm câu trả lời cho vấn đề nguồn gốc vũ trụ bằng con đường vật chất thuần túy.

Trong cuốn “Lược sử Thời gian”, Hawking chê bai Isaac Newton rất nhiều về những thói xấu của Newton. Không biết những lời chê bai đó đúng tới mức nào, nhưng dường như Hawking muốn tỏ cho thế giới thấy ông không giống Newton, mặc dù ông được ngồi vào chiếc ghế lịch sử của Newton mấy trăm năm trước (chủ tịch Hội Hoàng gia Anh). Và phải chăng nếu Newton tin tưởng tuyệt đối vào công trình sáng tạo của Chúa thì Hawking phải làm điều ngược lại, để thể hiện cho mọi người thấy mình còn vĩ đại hơn Newton?

Newton. Ảnh: rosettabooks.com

Thực ra trong trường hợp tìm câu trả lời cho vấn đề nguồn gốc vũ trụ, một người thông minh sẽ nghĩ đến nguyên lý “dao cạo Occam” (Occam’s Razor). Nguyên lý này do Occam đưa ra, nói rằng trong trường hợp phải đối mặt với những câu hỏi không có câu trả lời và ta buộc phải đưa ra các giả thuyết thì nên lựa chọn giả thuyết nào đơn giản nhất.

Trước câu hỏi nguồn gốc vũ trụ, có 2 giả thuyết:

  • Giả thuyết 1: Vũ trụ sinh ra từ hư không.
  • Giả thuyết 2: Chúa sáng tạo ra vũ trụ.

Vì khăng khăng không muốn tin vào Chúa nên Stephen Hawking đã chọn Giả thuyết 1.

Rất nhiều người khác thấy Giả thuyết 2 dễ tin hơn nhiều, và do đó họ tin vào Đấng Sáng tạo. Những người giỏi nhất của mọi thời đại như Louis Pasteur, Albert Einstein, Kurt Gödel,… đều tin vào Giả thuyết 2.

Cái khăng khăng không muốn tin vào Chúa của Hawking rất giống cái khăng khăng không muốn tin vào Chúa của George Wald, một nhà sinh học đoạt Giải Nobel năm 1967. Đây, George Wald giải thích lý do vì sao ông chọn thuyết tiến hóa để giải thích nguồn gốc sự sống, thay vì chọn Đấng Sáng tạo:

“Chỉ có hai cách giải thích có thể có về việc sự sống hình thành như thế nào: Sự sống hình thành tự phát hoặc một tác động sáng tạo siêu nhiên của Chúa… Không có một khả năng nào khác. Lý thuyết sự sống tự phát đã bị Louis Pasteur bác bỏ bằng khoa học từ 120 năm trước, và điều đó để lại cho chúng ta chỉ một khả năng còn lại… rằng sự sống ra đời do một tác động sáng tạo siêu nhiên của Chúa, nhưng tôi không thể chấp nhận triết học đó vì tôi không muốn tin vào Chúa. Do đó tôi chọn niềm tin vào cái mà tôi biết là bất khả thi về mặt khoa học, đó là sự sống hình thành tự phát dẫn tới tiến hóa” (There are only two possible explanations as to how life arose: Spontaneous generation arising to evolution or a supernatural creative act of God…. There is no other possibility. Spontaneous generation was scientifically disproved 120 years ago by Louis Pasteur and others, but that just leaves us with only one other possibility… that life came as a supernatural act of creation by God, but I can’t accept that philosophy because I do not want to believe in God. Therefore I choose to believe in that which I know is scientifically impossible, spontaneous generation leading to evolution)[6].

Xin nhắc lại để nhấn mạnh, rằng George Wald biết rõ lý thuyết sự sống hình thành tự phát là SAI về mặt khóa học, đã bị khoa học bác bỏ, nhưng vì ông không muốn tìn vào Chúa nên ông vẫn chọn cái SAI đó để TIN (!).

Câu nói “bất hủ” nói trên của George Wald có thể tìm thấy ở rất nhiều tài liệu. Ngoài chú thích 6 trong bài này, tôi có thể cung cấp nhiều nguồn dẫn khác.

Điều đáng để chúng ta suy ngẫm là tính chất phi khoa học ở câu nói đó. Vô tình George Wald đã thú nhận rằng thuyết tiến hóa không phải là một khoa học, mà chỉ là một hệ tư tưởng (ideology). Có lẽ chính các nhà tiến hóa cũng không ngờ một lãnh tụ của thuyết tiến hóa có thể thú nhận như vậy. Thử hỏi còn gì là khoa học ở đó nữa?

Bây giờ hãy trở lại với Hawking. Phải công bằng mà nói rằng Hawking dù sao vẫn còn sáng suốt hơn nhiều nhà khoa học vô thần khác. Điều ấn tượng nhất ở ông là ở chỗ ông dám thừa nhận sai lầm của bản thân, khi ông nhận thấy mình sai lầm. Chẳng hạn:

Ông nhận mình đã SAI trong cuộc tranh luận với Leonard Susskind. Độc giả muốn tìm hiểu cuộc tranh luận này, xin đọc cuốn “Cuộc chiến lỗ đen” của Leonard Susskind, mới được xuất bản bằng tiếng Việt gần đây.

Kết quả cuộc tranh luận này dẫn tới một kết luận vô cùng quan trọng:

Thông tin độc lập với vật chất!

Đó là điều trước đo Hawking chưa nhận thấy. Sự thừa nhận của Hawking rất có lợi cho khoa học, bởi nó giúp cho mọi người hiểu và tin rằng thông tin là một hiện thực độc lập với vật chất. Điều này giáng một đòn chết người vào chủ nghĩa duy vật, vì nó khẳng định rằng vũ trụ không phải chỉ có vật chất, mà còn có những hiện thực phi vật chất, đó là thông tin!

Hawking cũng là người khảng khái nên mới chịu tiếp thu Định lý Gödel để điều chỉnh cách nhìn về vật lý, như đã nói ở phần trên (2 bài báo đã dẫn).

Thêm nữa, Hawking là người luôn luôn lo lắng cho số phận của nhân loại, trước những nguy cơ hủy diệt nhân loại do chính con người gây ra. Ông từng lên tiếng cảnh báo nhiều lần về nguy cơ hủy hoại môi trường, nguy cơ của robots và những thứ vũ khí hủy diệt do con người chế tạo. Ông từng cảnh báo Trái Đất chỉ còn có thể sống trong vòng vài trăm năm nữa,… Những cảnh báo của ông mang đầy ý nghĩa nhân bản.

Giá như ông có những cảm xúc tâm linh như Louis Pasteur thì có thể ông sẽ còn đóng góp cho nhân loại nhiều hơn. Đây, hãy nghe Pasteur nói:

“Sau cái chết, sự sống tái xuất hiện dưới một dạng khác và với những định luật khác. Nó sẽ tuân thủ những định luật của sự sống trường cửu trên bề mặt Trái Đất và mọi thứ như cây cối và động vật sẽ bị phân hủy và biến đổi thành khí gas, chất bay hơi và chất khoáng”[7].

Ý của Pasteur nói rằng sau cái chết thì thể xác sẽ tan rữa, trở về với cát bụi, nhưng linh hồn không chết, mà bước sang một thế giới mới, với những định luật hoàn toàn mới. Điều đó rất dễ hiểu đối với những người có đức tin, nhưng với Stephen Hawking, George Wald,… thì khó hiểu.

Người ta khác nhau ở TRỰC GIÁC. Nhờ trực giác âm nhạc, có người trở thành thần đồng âm nhạc, có người “điếc nhạc”. Trực giác toán học cũng tương tự,… Và cuối cùng, trực giác tâm linh cũng quyết định làm cho người ta trở thành một con người tâm linh hoặc con người vô thần. Những người không có trực giác tâm linh không thể hiểu và không thể tin vào các sự kiện tâm linh. Ngược lại, những người có trực giác này thì thấy đó là điều tự nhiên như ta ăn, uống và hít thở vậy. Những người như Hawking mắc bệnh tự phụ tự cho mình là khôn ngoan, nhưng thực ra là dại dột, bởi vì đã tự tước bỏ một món quà quý giá mà Đấng Sáng tạo ban cho con người.

Nếu Hawking hiểu điều Pasteur nói, chắc chắn ông sẽ không cố ý né tránh Đấng Sáng tạo để phát biểu những ý kiến vô lý và phản khoa học như chúng ta đã thấy. Và có lẽ ông sẽ không tự phụ nhận mình là người vô thần!

Tác giả: GS Phạm Việt Hưng