Trái Đất của chúng ta là một quả cầu khổng lồ, ngay trên bề mặt của nó đã có rất nhiều bí ẩn mà chúng ta chưa biết đến, còn sâu bên dưới lòng đất thì hầu như chúng ta chưa biết được gì, hiện nay các nhà khoa học mới đang tập trung nghiên cứu. Với sự trợ giúp của các thiết bị và dữ liệu thu thập được khi nghiên cứu động đất, họ biết rằng Trái Đất được làm từ nhiều lớp. Từ trung tâm ra đến bề mặt nơi chúng ta sinh sống, là từng lớp từng lớp bọc lên nhau.

Các nhà khoa học dựa vào dữ liệu tổng hợp khi nghiên cứu động đất và núi lửa đã lên được mô hình các lớp của Trái Đất. (Ảnh: wiringbase)

Lớp Lõi (core)

Tại trung tâm nhất của Trái Đất là lớp Lõi (core), tên của nó đã nói lên rằng, đó là trung tâm của Trái Đất. Giống một quả táo có lõi, Trái Đất của chúng ta thì có một Lõi bên trong (inner core) và một lõi bên ngoài (outer core). Các nhà khoa học cho rằng: Lõi bên trong thì đặc, và có thành phần chủ yếu là sắt, rất cứng. Lõi bên ngoài thành phần chủ yếu cũng là sắt, nhưng đó là lớp sắt nóng chảy.

Lớp Phủ (Mantle)

Lớp tiếp theo, tính từ trong ra ngoài, là lớp Phủ (Mantle), thành phần chủ yếu của nó là đá. Nhiệt độ tại lớp Phủ rất nóng, làm cho đá ở đó gần giống như chất lỏng đặc.

Lớp Vỏ Trái Đất (Crust)

Lớp Vỏ Trái Đất là lớp ngoài cùng, nơi chúng ta đang sinh sống, so sánh với các lớp khác, thì nó tương đối mỏng và dễ vỡ hơn. Độ dày của lớp Vỏ Trái Đất là khoảng từ 5 đến 70km phụ thuộc vào các vị trí khác nhau, dưới biển hay trên núi.

Lớp vỏ Trái Đất không phải là một bề mặt liên tục giống như lớp vỏ của một quả bóng tennis hay quả bóng đá, mà nó được hợp thành từ rất nhiều các phần, gọi là các mảng kiến tạo.

Các mảng kiến tạo

Các nhà khoa học cho rằng vỏ Trái Đất được tạo thành từ 6 bản khối đại lục và một số mảng kiến tạo nhỏ hơn (tất cả được gọi chung là các mảng kiến tạo). Các mảng kiến tạo này ghép vừa vặn với nhau giống như các miếng ghép của một trò chơi xếp hình, rồi nổi trên bề mặt lớp Phủ (Mantle). Chúng di chuyển một cách chậm rãi, va đập, cọ xát vào nhau với tốc độ khoảng vài mm cho tới 20cm một năm. Chính bởi những va đập và ma sát này đã gây nên hiện tượng động đất và núi lửa.

Lớp vỏ Trái Đất, nơi chúng ta sinh sống, được tạo thành từ các mảng kiến tạo ghép vừa khít với nhau như một trò trơi xếp hình cực lớn (Ảnh: sciencelearn)

Hiện tượng núi lửa

Ở trạng thái bình thường, phần đá nóng chảy bên trong lớp Phủ không thể xuyên qua nhiều km của lớp vỏ Trái Đất nơi chúng ta đang sinh sống. Chỉ có tại những nơi như cạnh của các mảng kiến tạo thì magma mới có thể phụt lên. Nghĩa là, phần đá nóng chảy ở lớp Phủ sẽ giữ nguyên vị trí của nó cho đến khi áp suất, hơi nước, hoặc khí ga tác động với một lực rất mạnh lên lớp magma, mới gây ra những vụ nổ lớn mà chúng ta gọi là hiện tượng phun trào núi lửa.

Hiện tượng động đất

Như đã trình bày ở trên, Trái Đất được bao bọc bởi các mảng kiến tạo, giống như các miếng ghép của một trò chơi xếp hình, và hiện tượng động đất cũng như núi lửa thường xảy ra tại những nơi các mảng kiến tạo đụng nhau.

Mặc dù các mảng kiến tạo được xếp vừa khít với nhau, nhưng chúng vẫn có thể di chuyển một chút. Giống như một miếng ghép của trò chơi xếp hình vẫn có thể lắc qua lại sau khi nó đã được xếp vào vị trí. Các mảng kiến tạo này khi va chạm với nhau sẽ sinh ra năng lượng, và khi năng lượng trở nên quá lớn, sẽ tạo nên áp lực tác động vào chỗ nào đó (ví như chỗ yếu nhất trên một mảng kiến tạo nào đó) và làm cho nó đổ vỡ (giống như khi ta bẻ cong một cái đũa cho đến khi nó gãy), đồng thời gây ra hiện tượng động đất.

Cho tới nay, các nhà khoa học vẫn chưa thể thực sự du hành vào trung tâm của Trái Đất. Mô hình cấu trúc các lớp của Trái Đất đến từ việc liên kết dữ liệu từ nhiều lĩnh vực khoa học như địa chấn học, thiên văn học và địa chất học. Sau khi thu thập bằng chứng, các nhà khoa học đã xây dựng một mô hình bao gồm các lớp: lớp Vỏ Trái Đất, lớp Phủ, và lớp Lõi, để giải thích hiện tượng động đất và núi lửa.

Đường Chính