Một nhà khoa học Nga may mắn sống sót với nửa mặt không lão hóa sau khi khi chùm tia bức xạ mạnh gấp 300 lần mức gây tử vong chiếu xuyên đầu.

Ông là Anatoliy Bugorsky, một nhà vật lý làm việc tại Viện Vật lý Năng lượng cao (IHEP) ở thị trấn Protvino thuộc Moscow, Nga.

Mọi chuyện xảy ra vào ngày 13/7/1978, trong lúc ông đang vận hành U-70, một cỗ máy gia tốc hình tròn (proton synchrotron) mạnh nhất thế giới vào thời điểm đó.

Bên trong một máy gia tốc hạt (Ảnh: imperial.ac.uk)

Bộ phận thiết bị mà Bugorsky bảo dưỡng đặt ông vào hướng chiếu của chùm proton phát ra từ máy synchrotron. Ông yêu cầu trung tâm kiểm soát tắt chùm tia trong 5 phút, nhưng ông đến nơi sớm 1-2 phút. Cửa phòng thí nghiệm vẫn để mở sau thí nghiệm trước đó và tín hiệu cảnh báo chùm tia đang hoạt động bị trục trặc do một bóng đèn hỏng.

Kết quả, khi Bugorsky bước vào phòng để kiểm tra thiết bị, một chùm tia đường kính 2×3 mm rọi vào sau đầu ông, đốt cháy thành một lỗ nhỏ xuyên qua tai giữa và xương thái dương, đi ra ở gần lỗ mũi trái. Trong một phần giây, Bugorsky hứng chịu chùm proton mạnh 76 GeV rọi xuyên qua đầu. Bức xạ này được đo vào khoảng 200.000 đến 300.000 Roentgen, lớn gấp 300 lần so với lượng bức xạ cần thiết để gây chết người.

Là một nhà vật lý giàu kinh nghiệm, cử nhân Viện Vật lý Kỹ thuật Moscow, Bugorsky biết tai nạn này rất bất thường. Tuy nhiên, lo ngại về hậu quả do IHEP là một cơ quan tuyệt mật, ông không lập tức trình báo về sự cố mà trở về nhà, khiến tình trạng của ông trở nên tồi tệ hơn. Nửa mặt trái của Bugorsky nhanh chóng sưng phồng, do đó Bugorsky phải báo cáo sự việc vào sáng hôm sau và ngay lập tức ông được đưa tới Moscow.

Vị trí chùm tia proton chiếu qua đầu của Anatoliy Bugorsky (Ảnh: alchetron.com)

Bugorsky nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt ở một bệnh viện chuyên ngành, trở thành bệnh nhân đầu tiên tiếp xúc với lượng bức xạ mạnh như vậy. Một trong số các bác sĩ của ông là Angelina Guskova, chuyên gia X-quang hàng đầu ở Nga. Tất cả thông tin liên quan đến việc điều trị và phục hồi của Bugorsky đều được giữ kín, nhưng trường hợp của ông được nghiên cứu kỹ lưỡng.

Lúc đầu, mọi người cho rằng nhà vật lý không thể sống sót, nhưng trong vòng 18 tháng, ông quay trở lại làm việc. Bugorsky nói “niềm đam mê cả đời với các môn thể thao” đã giúp ông bình phục. Nhiều người cảm thấy kinh ngạc hơn khi ông kể rằng hồi Chiến tranh vệ quốc, ông từng bị điện giật mạnh nhưng không chết.

Nhiều năm sau tai nạn, Bugorsky trở thành một đối tượng nghiên cứu độc đáo cho nền khoa học Nga. Đặc biệt là vấn đề khả năng sinh tồn của con người.

Khuông mặt một nửa không lão hóa của nhà vật lý Anatoliy Bugorsky (Ảnh: mgift.vn)

Tất nhiên, hậu quả mà Bugorsky phải hứng chịu không phải là ít. Ông bị mất hoàn toàn thính lực ở tai trái, nửa bên trái trên mặt ông bị liệt một phần và không lão hóa một cách kỳ lạ. Ông trải qua vô số cơn tai biến nhẹ và ít nhất sáu lần tai biến nặng.

 Mặc dù vậy, quan trọng là ông vẫn sống sót với một trí não không bị ảnh hưởng. Sau khi bình phục, ông đã có thể hoàn thành chương trình thạc sĩ, lập gia đình và có một người con trai.

Các nhà nghiên cứu hiện vẫn chưa rõ tại sao Bugorsky có thể sống sót sau khi tiếp xúc với lượng bức xạ mạnh gấp hàng trăm lần mức gây chết người như vậy. Đây sẽ còn là một chủ đề, một câu hỏi lớn cho các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu và khám phá.

Hoài Anh