Khả năng để con người thực hiện các chuyến bay dài ngày trong vũ trụ hiện đang vấp phải một chướng ngại lớn, sau khi các chú chuột trở về từ chuyến bay cuối cùng dài 13,5 ngày trên tàu con thoi Atlantis xuất hiện các dấu hiệu ban đầu của bệnh gan.

Atlantis space shuttle. (Image: tpsdave via pixabay / CC0 1.0) Tàu con thoi Atlantis. (Ảnh: tpsdave via pixabay)
Tàu con thoi Atlantis. (Ảnh: tpsdave via pixabay)

Các nhà khoa học từ Đại học Colorado tại chi nhánh Anschutz đã phân tích những lá gan của các con chuột thí nghiệm và nhận thấy các chuyến bay ngoài không gian đã kích thích sự phát triển của các mô sẹo và gây nên các tổn thương gan trong dài hạn. Karen Jonscher, một nhà vật lý kiêm phó giáo sư ngành gây mê học tại ĐH Colorado chi nhánh Anschutz, tác giả chính của nghiên cứu, đã phát biểu trong một tuyên bố như sau:

“Trước kết quả nghiên cứu này, chúng tôi thật sự không có quá nhiều thông tin về ảnh hưởng của các chuyến bay ngoài không gian đối với lá gan.

“Chúng tôi biết rằng các phi hành gia khi trở về thường xuất hiện các triệu chứng của căn bệnh tiểu đường, nhưng họ thường sẽ hồi phục rất nhanh”.

Tuy nhiên, viễn cảnh xuất hiện các tổn thương trên gan đã làm dấy lên các quan ngại mới, và không thể phớt lờ. Chuyến bay ngoài không gian dường như đã kích thích các tế bào gan đặc dụng, vốn có thể phát triển các mô sẹo và gây nên các tổn thương trong dài hạn đối với cơ quan nội tạng này.

PGS Jonscher đã giải thích:

“Chúng tôi đã quan sát thấy sự khởi đầu của các tổn thương gan sơ kỳ chỉ trong vòng 13,5 ngày. Những con chuột cũng đã bị hao hụt khối lượng cơ nạc. Chúng tôi đã quan sát thấy hiện tượng tương tự ở những người nằm nghỉ trên giường trong phần lớn thời gian [do bị bệnh hoặc đang trong thai kỳ] — các cơ bắp teo đi và lượng protein phân hủy thành các axit amin. Câu hỏi đặt ra là, điều đó có ảnh hưởng gì đối với lá gan của bạn?”

bệnh gan
Chuột bạch, đối tượng thí nghiệm trong nghiên cứu. (Ảnh: Corbis)

Các nhà khoa học đã đang nghiên cứu ảnh hưởng của những chuyến bay ngoài không gian đối với các chức năng sinh lý của con người, tuy nhiên, tiêu điểm chủ yếu tập trung vào xương, cơ, não, và chức năng của hệ tim mạch.

“Tuy vậy các nghiên cứu cho thấy các phi hành gia từng dành thời gian trong không gian đã phát triển các triệu chứng của bệnh tiểu đường cũng đã thiết lập mối liên hệ giữa môi trường có trọng lực nhỏ và quá trình trao đổi chất, và đề cập trực tiếp đến lá gan, cơ quan nội tạng chủ yếu trong quá trình trao đổi chất, như một đối tượng tiềm năng của môi trường không gian vũ trụ”, theo một thông cáo báo chí của trường Đại học Colorado.

Sau khi dành thời gian trong quỹ đạo quanh Trái Đất vào năm 2011 các nhà khoa học đã chia sẻ và nghiên cứu các cơ quan nội tạng. Nhóm nghiên cứu của PGS Jonscher nhận thấy rằng chuyến bay ngoài không gian đã dẫn tới một sự gia tăng lượng mỡ tích trữ trong lá gan của họ, sau khi so sánh các con chuột nuôi ăn theo cặp (pair-fed) trên Trái Đất.

Tình trạng hao hụt retinol (Vitamin A), cùng những sự biến đổi của các cấp độ gen chịu trách nhiệm phân hủy các chất béo cũng đã được ghi nhận. Vì nguyên nhân này nên các con chuột đã xuất hiện các dấu hiệu của chứng bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) và các giai đoạn ban đầu tiềm tàng của chứng xơ gan, vốn có thể là một trong những diễn tiến nghiêm trọng của NAFLD.

PGS Jonscher đã bày tỏ quan ngại của bà, và nói rằng:

“Nếu một con chuột xuất hiện các dấu hiệu của chứng xơ gan dù không có một sự thay đổi trong chế độ ăn sau 13,5 ngày, thì điều gì sẽ xảy đến với con người?

“Thông thường cần một khoảng thời gian dài hơn, khoảng vài tháng đến vài năm, để gây ra chứng xơ gan ở chuột, ngay cả khi được cung cấp một chế độ ăn không tốt cho sức khỏe”.

Đây là các phát hiện đáng chú ý, và sẽ có một tác động lớn đến các dự án dài ngày trong không gian của NASA, đặc biệt đến Sao Hỏa. Tuy nhiên, PGS Jonscher thừa nhận rằng cần tiến hành thêm nhiều nghiên cứu trên các con chuột với các chuyến bay trong khoảng thời gian dài hơn ngoài không gian, “để xem có bất kỳ cơ chế bù trừ nào có thể khởi tác dụng bảo vệ chúng khỏi các tổn thương nghiêm trọng hay không”.

PGS Jonscher cũng đã chỉ ra rằng các tổn thương ở gan có thể là hệ quả của trạng thái căng thẳng trong chuyến bay và quá trình tiến trở lại vào bầu khí quyển Trái Đất.

“Nghiên cứu bổ sung trong lĩnh vực này là cần thiết và kết quả phân tích các mẫu mô thu thập trong không gian từ các con chuột trên Trạm vũ trụ Quốc tế trong vài tháng có thể giúp xác định xem liệu các chuyến bay dài ngày ngoài không gian có thể dẫn đến các tổn thương gan và liệu các tổn thương này có thể được ngăn ngừa hay không”.

Tìm hiểu thêm về nghiên cứu các loài động vật gặm nhấm trong môi trường vi trọng lực trong video dưới đây của Trung tâm không gian Johnson của NASA:

Tác giả: Troy Oakes, Vision Times.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: