Nhân loại đã khiến 60% các loài động vật có vú, chim, cá và bò sát biến mất kể từ năm 1970. Các chuyên gia hàng đầu thế giới cảnh báo rằng việc hủy diệt động vật hoang dã hiện đang trong tình trạng báo động, đe dọa tới nền văn minh.

Ước tính mới về quá trình xóa sổ các loài động vật hoang dã này được thực hiện trong một báo cáo lớn bởi Quỹ bảo tồn thiên nhiên thế giới (WWF) với sự tham gia của 59 nhà khoa học từ khắp nơi trên thế giới. Nghiên cứu cho thấy rằng việc tiêu thụ thực phẩm và tài nguyên ngày càng gia tăng bởi dân số toàn cầu đang góp phần phá hủy sự sống vốn đã qua hàng tỷ năm kiến tạo.

Mike Barrett, giám đốc điều hành khoa học và bảo tồn tại WWF cho biết: “Chúng ta đang bước dần tới ranh giới của sự sụp đổ. Hãy thử tưởng tượng nếu sụt giảm 60% dân số toàn cầu, điều đó tương đương với việc dân số tại Bắc Mỹ, Nam Mỹ, Châu Phi, Châu Âu, Trung Quốc và Châu Đại Dương hoàn toàn biến mất. Đó là quy mô của những gì chúng ta đã làm. Điều này thực sự đang gây nguy hiểm cho tương lai của con người. Thiên nhiên vốn là để duy hộ cho sự sống của chính con người chúng ta.”

Rất nhiều loài động vật hoang dã trên hành tinh đang biến mất do bàn tay của con người. (Ảnh: Democratic Underground)

Giáo sư Johan Rockström, một chuyên gia về tính bền vững toàn cầu tại Viện nghiên cứu tác động khí hậu Potsdam ở Đức cho biết: “Chúng ta đang cạn kiệt thời gian. Chỉ có duy nhất cách giải quyết cả hai hệ sinh thái và khí hậu, chúng ta mới có cơ hội bảo vệ một hành tinh ổn định cho tương lai của loài người trên Trái Đất.”

Nhiều nhà khoa học tin rằng thế giới đã bắt đầu một sự tuyệt chủng hàng loạt thứ sáu, mà lần đầu tiên chính là chủng Homo sapiens. Các phân tích gần đây đã cho thấy loài người đã phá hủy 83% tất cả các loài động vật có vú và một nửa số thực vật kể từ buổi bình minh của nền văn minh. Ngay cả khi sự hủy diệt đã kết thúc, phải mất 5 tới 7 triệu năm để thế giới tự nhiên có thể phục hồi.

Giáo sư Bob Watson, một trong những nhà khoa học môi trường nổi tiếng nhất thế giới và hiện là chủ tịch của một hội đồng liên chính phủ về đa dạng sinh học cho biết việc phá hủy thiên nhiên nguy hiểm như biến đổi khí hậu. Ông nói:

“Thiên nhiên góp phần vào hạnh phúc của con người về văn hóa và tinh thần. Rõ ràng rằng các hoạt động của con người đang phá hủy thiên nhiên với một tỷ lệ không thể chấp nhận, đe doạ sự an sinh của các thế hệ hiện tại và tương lai”.

Loài đang hủy hoại tương lai của chính mình khi làm biến mất quá nửa dộng vật hoang dã. (Ảnh: Bangla Tribune)

Nguyên nhân lớn nhất gây thiệt hại với các loài động vật hoang dã là sự phá hủy môi trường sống tự nhiên, phần lớn là do quá trình khai thác đất nông nghiệp. Ba phần tư diện tích đất trên trái đất hiện bị ảnh hưởng đáng kể bởi các hoạt động của con người. 300 loài động vật có vú đang bị tuyệt chủng, trong khi các đại dương bị đánh bắt quá mức, với hơn một nửa hiện đang được đánh bắt công nghiệp.

Ô nhiễm hóa học cũng là một trong các mối nguy hại: một nửa dân số cá voi sát thủ của thế giới hiện đang phải chịu số phận bi thảm do nhiễm PCB. Khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Nam và Trung Mỹ với sự suy giảm 89% dân số động vật có xương sống, chủ yếu là do chặt phá các khu vực rừng hoang dã.

Các môi trường sống bị thiệt hại lớn nhất là sông và hồ, nơi các quần thể động vật hoang dã đã giảm 83% bởi quá trình khai thác nước phục vụ nông nghiệp hay xây dụng đập. Barrett nói: “Một lần nữa có mối liên hệ trực tiếp giữa hệ thống thực phẩm và sự suy giảm động vật hoang dã. Giảm thiểu việc ăn thịt là một phần thiết yếu trong việc đảo ngược tổn thất này.

Sử dụng nhiều chất hóa học trong sản xuất nông nghiệp là 1 trong những nguyên nhân gây suy thoái môi trường tự nhiên. (Ảnh: STOPLUSJEDNICKA.cz)

Những nỗ lực bảo tồn cũng đã mang tới các thàn tựu nhất định với số lượng hổ đã tăng 20% ​​ở Ấn Độ trong sáu năm vì môi trường sống được bảo vệ. Những chú gấu trúc khổng lồ ở Trung Quốc và rái cá ở Anh đang tăng trưởng trở lại.

Nhưng Marco Lambertini, tổng giám đốc của WWF cho biết vấn đề cơ bản là tiêu thụ: “Chúng ta sẽ không thể phớt lờ tác động của các mô hình sản xuất không bền vững trong hiện tại và lối sống lãng phí của chúng ta đi nữa.”

Các quốc gia trên thế giới đang hướng tới một cuộc họp khủng hoảng của Công ước Liên hợp quốc về đa dạng sinh học vào năm 2020, khi các cam kết mới về bảo vệ thiên nhiên sẽ được thực hiện. Barrett nói: “Chúng tôi cần một thỏa thuận toàn cầu mới cho thiên nhiên và con người. Đây thực sự là cơ hội cuối cùng. Chúng ta phải làm ngay lúc này.”

Nhật Quang