Khi cố chứng minh sự sống đầu tiên nảy sinh từ sự tình cờ ngẫu nhiên, Jacques Monod, nhà sinh học đoạt giải Nobel 1965, tuyên bố: “Một quá trình hoàn toàn mù quáng có thể dẫn đến bất cứ điều gì”. Tuyên bố ngạo mạn này cho thấy thuyết tiến hóa không dựa trên bằng chứng khoa học, mà dựa trên may rủi!

Từ thú vui đỏ/đen đến khoa học

Chuyện cờ bạc may rủi vốn là một thú đỏ đen đã có từ ngàn xưa, và tồn tại mãi cho tới ngày nay, như một thú vui không bao giờ rời bỏ xã hội loài người. Bức tượng cổ sau đây chứng thực điều đó – một bức tượng bằng đá cẩm thạch, được xác định là đã được tạo tác trong khoảng từ thế kỷ 1 đến thế kỷ 2 sau CN, hiện được trưng bày tại Bảo tàng Anh (British Museum) ở London, mô tả một cô gái trẻ đang ngồi chơi trò chơi xúc xắc 4 mặt (hình tứ diện), được chế tạo từ xương mắt cá chân động vật.

Tại sao cờ bạc hấp dẫn con người? Vì bản chất bất định của nó – cái bất định tạo nên sự hồi hộp, một cảm xúc làm mê mẩn những con bạc khát nước. Không ai có thể quả quyết một canh bạc mình sẽ thắng, mặc dù ai cũng muốn thắng. Chính sự bất định ấy làm cho các con bạc hy vọng, thua lại đánh tiếp, đánh cho đến bao giờ thắng thì thôi. Nhưng thắng lại hy vọng thắng tiếp, thế là suốt đời dâng hiến cho thú vui đó, bất chấp cửa nhà khánh kiệt, thậm chí gia đình tan vỡ …

Ngược lại, với những người yêu sự xác định, thích mọi sự chắc chắn rõ ràng, thì cờ bạc là một thứ bệnh hoạn phải tránh xa.

Khoa học là một thứ nghệ thuật đi tìm sự xác định, chắc chắn, những quy luật bất khả kháng, do đó về bản chất, khoa học đối lập với trò may rủi. Nói cách khác, khoa học không chấp nhận trò may rủi. Đó chính là lý do Albert Einstein tuyên bố: “Chúa không chơi trò xúc xắc!”. Có những người bảo Einstein sai, cụ thể là sai khi đòi hỏi Cơ học Lượng tử phải đưa ra những quy luật chắc chắn giống như thiên văn. Không, Einstein không sai đâu. Chỉ có vấn đề là nhận thức có giới hạn mà thôi.

Vậy, đối với những thế giới bất định như thế giới lượng tử thì khoa học xử lý thế nào? Xác suất! Thay vì đưa ra một kết luận chắc chắn, xác định, người ta đưa ra xác suất để một hạt xuất hiện tại một không gian xác định nào đó, vào một thời điểm xác định nào đó. Khi ấy, toán học xác suất làm công việc tuyệt vời của nó. Và loài người phải biết ơn Blaise Pascal và Pierre de Fermat vì đã xây dựng và đặt nền móng cho Lý thuyết Xác suất từ thế kỷ 17.

Đối với nhiều hiện tượng khác mà khoa học không biết chắc chắn, người ta cũng chỉ có thể áp dụng Lý thuyết xác suất để đánh giá mức độ nó có thể xảy ra. Thí dụ:

Cho một con khỉ gõ piano suốt ngày đêm, trong hàng tỷ năm, liệu nó có thể ngẫu nhiên gõ thành bản nhạc Romance của Beethoven không?

Một người có thần kinh lành mạnh sẽ trả lời ngay rằng không! Nếu tính xác suất cho sự kiện đó – sự kiện con khỉ gõ piano thành bản Romance của Beethoven – chắc chắn xác suất đó là một số dương vô cùng bé. Từ đó có thể rút ra một tiên đề rằng những hiện tượng có xác suất bằng hoặc nhỏ hơn xác suất con khỉ gõ piano thành bản Romance của Beethoven sẽ không bao giờ xảy ra.

Thực tế trong lý thuyết xác suất đã có những công trình nghiên cứu theo hướng đó. Cụ thể là trường hợp của Émile Borel, nhà toán học trứ danh của Pháp và một trong những chuyên gia xác suất hàng đầu thế giới trong thế kỷ 20, đã chứng minh rằng mọi sự kiện có xác suất nhỏ hơn 1/10^50 đều không thể xảy ra.

Các nhà tiến hóa đã bị bất ngờ khi giới toán học nêu lên 2 bài toán xác suất lớn dành cho Thuyết tiến hóa:

  • Xác suất P1 để sự sống hình thành một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh?
  • Xác suất P2 để một dãy hàng tỷ đột biến dẫn tới biến đổi loài?

Bài toán thứ hai đã có câu trả lời: đó là Hội nghị Quốc tế ở Viện Wistar, Philadelphia năm 1966, khẳng định rằng P2 là một con số quá nhỏ, và thuyết Tân-Darwin không thể bảo vệ được bằng toán học. Để biết rõ điều này, xin đọc mục: “Chủ nghĩa Tân-Darwin và sự đánh giá của toán học” trong bài báo “Mendel disproved Darwinism / Mendel bác bỏ học thuyết Darwin[1] trên PVHg’s Home ngày 28/08/2015. Hoặc có thể đọc bài “Mathematicians and Evolution[2] của Casey Luskin trên trang Evolution News ngày 11/07/2006. Những người không chịu đọc, không chịu nghiên cứu, không chịu trầm tư suy ngẫm, nhưng lại thích tranh luận ăn thua đủ, đó không phải là những người có phẩm chất khoa học.

Bài toán thứ nhất thì sao?

Sir Fred Hoyle, nhà toán học và thiên văn học hàng đầu của Anh trong thế kỷ 20 đã có câu trả lời: Xác suất P1 = 1/10^40000.

Được biết, trong khi tính toán, Fred Hoyle đã tạo mọi điều kiện dễ dàng cho sự sống có thể xảy ra, chẳng hạn, ông giả định trong cái gọi là “nồi súp nguyên thủy” – nơi mà các nhà tiến hóa bảo là sự sống sẽ ra đời – có sẵn tất cả các loại acid amin cần cho sự sống, và có sẵn tất cả các enzyme cần thiết để các phản ứng sinh hóa có thể xảy ra … và khi làm tròn các kết quả tính toán, ông luôn làm tròn theo hướng nâng xác suất lên cao. Vậy mà kết quả vẫn là con số quá nhỏ: 1/10^40.000!

Và ông không thể kiềm chế để không thốt lên lời sau đây:

Cơ may để sự sống ra đời từ vật chất không sống bằng 1/10^40.000… Số mũ đó đủ lớn để chôn vùi Darwin cùng toàn bộ thuyết tiến hóa. Không hề có nồi soup nguyên thủy trên hành tinh này hoặc ở bất cứ hành tinh nào khác, và nếu sự khởi đầu của sự sống không phải là ngẫu nhiên thì suy ra nó ắt phải là sản phẩm của trí thông minh có mục đích” (The likelihood of the formation of life from inanimate matter is one out of 10 to the power of 40,000…It is big enough to bury Darwin and the whole theory of evolution.  There was no primeval soup, neither on this planet nor on any other, and if the beginnings of life were not random, they must therefore have been the product of purposeful intelligence)[3].

Nhà toán học vĩ đại Kurt Gödel, tác giả của Định lý Bất toàn, cũng không tin vào Thuyết Tiến hóa. Ông từng nói thẳng điều này với những người đàm thoại với ông. Có lần ông nói đại ý rằng cơ may để các hạt cơ bản ngẫu nhiên tập hợp lại để thành sự sống cũng giống như cơ may để không khí ngẫu nhiên tách ra thành từng thành phần của nó như hydro, oxy … Theo ông sự sống có thể chứa đựng lực sống mà khoa học không hề biết … Những ai muốn tìm hiểu xem Gödel nghĩ gì về Thuyết tiến hóa, hãy đọc cuốn “Incompleteness: The Proof and Paradox of Kurt Gödel (Great Discoveries)” (Tính Bất toàn: Chứng minh và Nghịch lý của Kurt Gödel (Những khám phá vĩ đại)) của Rebecca Goldstein.

Những nhà tiến hóa trong thế kỷ 20 và hiện nay có biết ý kiến của các nhà toán học như Fred Hoyle hay Kurt Gödel không? Khó tin rằng họ không biết, nhất là từ khi internet mở toang cánh cửa sự thật cho mọi người biết.

Đặc biệt, kể từ khi DNA được khám phá, mọi người đều biết thông tin của sự sống là một điều kiện thiết yếu của sự sống – không có chương trình kiến tạo và duy trì sự sống thì sự sống không thể hình thành. Có nghĩa là mô hình sự sống tự phát, hay Thuyết Tự Sinh đã trở thành quá lỗi thời. Điều này các nhà tiến hóa có biết không? Khó tin rằng họ không biết. Vậy tại sao họ vẫn khư khư ôm lấy cái mô hình cổ lỗ sĩ do ông Darwin tưởng tượng ra từ năm 1871 như vậy?

Không có lý do nào khác, rằng họ, các nhà tiến hóa, tự giam hãm mình trong chủ nghĩa tự nhiên (naturalism), một chủ nghĩa đã trở nên quá lỗi thời kể từ khi Kurt Gödel công bố Định lý Bất toàn năm 1931. Vậy sẽ là bổ ích nếu tìm hiểu kỹ hơn để thấy chủ nghĩa tự nhiên đã thấm vào cốt tủy các nhà tiến hóa ra sao.

Các nhà tiến hóa và chủ nghĩa tự nhiên

Chủ nghĩa tự nhiên là chủ nghĩa cho rằng thế giới tự nhiên như ta thấy là tất cả và toàn bộ thế giới hiện thực. Với quan điểm đó, thế giới tự nhiên là một thế giới đóng kín. Không tồn tại bất cứ một cái gì ở ngoài tự nhiên, trên tự nhiên, siêu tự nhiên, phi tự nhiên. Chủ nghĩa này ra đời từ đầu thế kỷ 19, phát triển mạnh và trở thành tư tưởng khuynh đảo thế kỷ 20, nhưng suy yếu dần từ khi Định lý Gödel ra đời. Tuy nhiên, trong một thời gian rất dài, Định lý Gödel bị che khuất. Vì thế không có gì đáng ngạc nhiên khi ta thấy phần lớn các nhà khoa học trong thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng sâu đậm của chủ nghĩa tự nhiên.

Jacques Monod, nhà sinh học đoạt Giải Nobel năm 1965 (đã dẫn ở đầu bài viết này), là một trong những đại biểu tiêu biểu nhất của chủ nghĩa tự nhiên trong sinh học. Tư tưởng của ông biểu lộ rõ ràng nhất trong cuốn “Chance and Necessity: An Essay on the Natural Philosophy of Modern Biology[4] (Ngẫu nhiên và Tất yếu: Một Tiểu luận về Triết học Tự nhiên của Sinh học Hiện đại), do Vintage Books xuất bản năm 1972.

Tại trang 98, ông tuyên bố: “Theo định nghĩa, một quá trình hoàn toàn mù quáng có thể dẫn đến bất cứ điều gì; thậm chí nó có thể dẫn đến chính bản thân sự nhìn” (A totally blind process can by definition lead to anything; it can even lead to vision itself)[5]

Đúng là một tuyên bố độc đáo – sự mù quáng dẫn tới sự nhìn – nhưng đó là một thứ độc đáo vô căn cứ, vô nghĩa, phản khoa học! Trong thực tế, mọi quá trình mù quáng đều dẫn tới sự hỗn loạn, vô trật tự. Làm gì có một quá trình mù quáng nào có thể dẫn tới một tổ chức có độ trật tự rất cao là sự sống? Nếu Darwin phạm sai lầm này thì chúng ta có thể thông cảm, vì vào thời của ông, đa số mọi người và bản thân Darwin quan niệm tế bào chỉ là một hợp chất hóa học vô cùng đơn giản – một giọt nguyên sinh chất hình thành từ sự kết hợp ngẫu nhiên một số chất hóa học.

Nhưng Jacques Monod sống trong thế kỷ 20, mãi tới năm 1976 mới mất, mà vẫn suy nghĩ như Darwin thì quả thật là quá lạc hậu. Ngay sau khi khám phá ra mô hình cấu trúc DNA năm 1953, Francis Crick đã phải kinh ngạc mà thốt lên rằng sự sống kỳ diệu như một “phép màu”. Chẳng lẽ một người thông thái đoạt Giải Nobel như Monod mà không biết điều đó hay sao, để ông dám nói rằng một quá trình hoàn toàn mù quáng có thể dẫn tới mọi thứ? 

Có bằng chứng khoa học nào hỗ trợ cho tuyên bố đó không? Tuyệt đối không! Đó hoàn toàn là một niềm tin của các nhà tiến hóa – trải qua 150 năm kể từ ngày Darwin nêu lên giả thuyết về “cái ao nhỏ ấm áp”, nơi sự sống đầu tiên ngẫu nhiên ra đời, các nhà tiến hóa không có cách nào chứng minh niềm tin của Darwin là hiện thực. Vì thế họ chỉ có cách diễn đạt niềm tin đó như một thứ “triết học tự nhiên của sinh học hiện đại”, như tên cuốn sách của Jacques Monod đã cho thấy.

Với những người có trí tuệ lành mạnh, thì “triết học” của Monod chỉ đơn giản là một mớ ngụy biện để lộ cho thấy các nhà tiến hóa đã hoàn toàn thất bại về mặt khoa học trong tham vọng giải thích nguồn gốc sự sống, và do đó họ chỉ còn có cách tuyên bố mạnh mẽ niềm tin của họ dưới dạng “triết học tự nhiên” mà thôi.

Chú ý rằng chữ “triết học tự nhiên” (natural philosophy) mà Monod sử dụng để đặt tên cho cuốn sách của mình không có giá trị như “triết học tự nhiên” mà Isaac Newton đã dùng để đặt tên cho tác phẩm bất hủ của ông: “Mathematical Principles of Natural Philosophy”. Tại sao? Vì “triết học tự nhiên” của Newton là một hệ thống các định luật vật lý được chứng minh rõ ràng bằng cả thí nghiệm lẫn toán học chính xác. Trong khi đó, cái gọi là “triết học tự nhiên” của Monod chỉ là một mớ niềm tin thuần túy, không có bất cứ một bằng chứng khoa học nào cả. Đó cũng là đặc điểm của toàn bộ thuyết tiến hóa – một học thuyết không hề có bất cứ một định luật khoa học nào cả.

Tại trang 112-113, Monod nói rõ hơn về niềm tin của ông:

Sự tình cờ may rủi một mình nó là nguồn gốc của mọi sự đổi mới, của mọi sự sáng tạo trong sinh quyển. Sự ngẫu nhiên thuần túy, chỉ sự ngẫu nhiên, sự tự do tuyệt đối nhưng mù quáng là gốc rễ của công trình phi thường là sự tiến hóa” (Chance alone is at the source of every innovation, of all creation in the biosphere. Pure chance, only chance, absolute but blind liberty is at the root of the prodigious edifice that is evolution).

Jacques Monod không phải là người duy nhất có niềm tin như thế, nhưng có lẽ tuyên bố của Monod mang tính tiêu biểu nhất, rõ ràng nhất cho triết học của chủ nghĩa tự nhiên (naturalism) nói chung, và của thuyết tiến hóa nói riêng. Triết học này không dựa trên bằng chứng khoa học, mà chỉ dựa trên một niềm tin thuần túy cho rằng vũ trụ này tự nó ra đời từ hư không, rằng chẳng cần có một nguyên nhân nào từ bên ngoài thế giới tự nhiên, hoặc siêu tự nhiên.

Niềm tin đó hoàn toàn trái với Định lý Bất toàn của Kurt Gödel. Theo Định lý này, mọi hệ logic đều cần đến một chỗ dựa bên ngoài nó. Nếu khoa học về sự sống là một hệ logic, ắt nó phải có một chỗ dựa bên ngoài sự sống. Ngày nay chúng ta biết chỗ dựa ấy là TRÍ TUỆ CỦA NHÀ LẬP TRÌNH – trí tuệ ấy đã viết ra chương trình của sự sống, đó là Mã DNA.

Cuốn sách của Monod được xuất bản vào năm 1972, đó là lúc khái niệm thông tin của sự sống đã được biết rõ. Vậy tại sao Monod lại có thể cho rằng sự ngẫu nhiên dẫn tới mọi thứ, bao gồm cả sự sống? Rõ ràng là Monod chưa thấm nhuần khái niệm thông tin của sự sống, mặc dù ông là một nhà sinh học, và đã đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1965. Điều này nói lên cái gì? Nó nói rằng Giải Nobel chỉ đo được trí tuệ của con người theo một chiều kích nào đó, không thể đánh giá chính xác trí tuệ tổng hợp, nhất là những vấn đề liên quan đến nhận thức luận. Có lẽ vào thời điểm 1972, Định lý Gödel vẫn bị chìm trong bóng tối, chưa được nhiều người biết đến. Có thể Monod cũng không biết gì về Định lý Gödel, vì một khi thấm nhuần định lý này, con người sẽ khiêm tốn hơn, không phát biểu những ý kiến ngạo mạn như ý kiến của Monod nữa. Để thấy rõ điều này, xin đọc lại bài báo của Perry Marshall, “Định lý Bất toàn của Gödel: Khám phá toán học #1 trong thế kỷ 20[6], trong đó ông viết:

Nếu bạn có dịp thăm một trang mạng vô thần lớn nhất thế giới có tên là Infidels, bạn sẽ thấy trên trang chủ lời tuyên bố sau đây: “Chủ nghĩa duy tự nhiên (naturalism) là giả thuyết cho rằng thế giới tự nhiên là một hệ đóng, ngụ ý rằng không có cái gì không phải là thành phần của thế giới tự nhiên mà lại ảnh hưởng lên nó.

Nếu bạn biết Định lý Gödel, bạn sẽ thấy mọi hệ logic phải phụ thuộc vào một cái gì đó ở bên ngoài hệ thống. Vậy theo Định lý Bất toàn của Gödel, tuyên bố của trang mạng Infidels không đúng. Nếu vũ trụ là logic, nó ắt phải có một nguyên nhân bên ngoài

Định lý Bất toàn của Gödel chứng minh một cách dứt khoát rằng khoa học không bao giờ có thể lấp kín những lỗ hổng của chính nó. Chúng ta không có lựa chọn nào khác là nhìn ra bên ngoài khoa học để tìm câu trả lời”.

Toàn bộ trích đoạn nói trên nhấn mạnh một trong những hệ quả triết học của Định lý Bất toàn: mọi hệ logic đều cần đến một chỗ dựa bên ngoài nó. Nhưng chủ nghĩa tự nhiên coi Tự Nhiên là một hệ đóng kín, không cần đến một chỗ dựa nào bên ngoài nó, có nghĩa là chủ nghĩa này SAI về logic, đúng như Perry Marshall đã nói.

Chính vì sai về triết học, tức là sai về nhận thức bản chất, nên thuyết tiến hóa bế tắc trong việc giải thích nguồn gốc sự sống. Và vì bế tắc, họ buộc phải tự cứu mình bằng cách tìm một chỗ dựa là sự ngẫu nhiên – một chỗ dựa quá yếu, đến nỗi chính các nhà tiến hóa trung thực cũng khó chấp nhận.

Thực ra không cần phải có trình độ cao để nhận xét vấn đề này. Một người có kiến thức phổ thông cũng có thể có nhận xét rằng chủ nghĩa tự nhiên đã phản lại một nguyên lý cơ bản của khoa học, đó là luật nhân-quả! Mọi hiện tượng đều phải có nguyên nhân. Khi giải thích một hiện tượng mà đổ vấy cho lý do ngẫu nhiên thì thực chất là KHÔNG GIẢI THÍCH gì cả. Thí dụ:

Một đại biểu nổi tiếng khác của chủ nghĩa tự nhiên là Stephen Hawking. Đúng ra, Hawking đã thay đổi từ một người theo Thuyết Sáng Tạo sang chủ nghĩa tự nhiên: lúc trẻ ông từng thể hiện rất rõ niềm tin vào Nhà Thiết kế Vũ trụ, nhưng về già, ông đã thụt lùi về mặt triết học để cho rằng vũ trụ có thể tự sinh ra nó từ hư không! Lập luận của ông phản logic đến nỗi John Lennox, Giáo sư toán học tại Đại học Oxford, phải thốt lên rằng “Sự vô nghĩa vẫn là vô nghĩa ngay cả khi nó được nói ra bởi những nhà khoa học nổi tiếng”. Để biết rõ về sự thay đổi của Hawking, xin đọc bài: “Hawking: Who Created God? Hawking: Ai tạo ra Chúa?[7] trên PVHg’s Home ngày 27/05/2021.

Một đại biểu tiêu biểu khác của chủ nghĩa tự nhiên là George Wald, một nhà sinh học đoạt Giải Nobel về sinh lý học và y khoa năm 1967. Ông này cũng tin rằng sự sống đã ra đời một cách ngẫu nhiên từ vật chất vô sinh. Theo ông, chỉ cần có thời gian đủ dài, cỡ vài tỷ năm, để cho cơ hội đó xảy ra dù chỉ 1 lần, vì sự sống đầu tiên ấy sẽ tiến hóa thành đủ mọi sự sống như ngày nay ta thấy. Trong cuốn “The Origin of Life” do Simon & Schuster xuất bản năm 1955, ông tuyên bố một câu bất hủ[8]:

Chỉ cần thấy tầm vóc to tát của vấn đề này là đủ để người ta bảo rằng sự hình thành tự phát của sự sống là không thể xảy ra. Ấy thế mà tôi lại TIN rằng sự có mặt của chúng ta trên thế gian này chính là kết quả của sự sống hình thành tự phát. Điều quan trọng là ở chỗ sự hình thành sự sống là hiện tượng chỉ cần xảy ra ít nhất một lần, vì thế thời gian đóng vai trò ủng hộ nó. Dù chúng ta cho rằng chuyện này bất khả thi đến đâu chăng nữa… chỉ cần có đủ thời gian thì chắc chắn điều đó xảy ra ít nhất một lần… Thời gian là nhân vật chính trong câu chuyện. Thời gian mà chúng ta nói tới ở đây phải vào tầm cỡ 2 tỷ năm. Cái mà chúng ta coi là bất khả thi dựa trên kinh nghiệm của con người chẳng có ý nghĩa gì ở đây cả. Có đủ thời gian thì cái không thể sẽ biến thành cái có thể, cái có khả năng xảy ra, và cái chắc chắn có thể xảy ra. Người ta chỉ cần chờ đợi: Thời gian tự nó sẽ trình bày các phép lạ” (One has only to contemplate the magnitude of this task to concede that the spontaneous generation of a living organism is impossible. Yet here we are — as a result, I believe, of spontaneous generation. The important point is that since the origin of life belongs in the category of at-least-once phenomena, time is on its side. However improbable we regard this event, … given enough time it will almost certainly happen at least once … Time is in fact the hero of the plot. The time with which we have to deal is of the order of two billion years. What we regard as impossible on the basis of human experience is meaningless here. Given so much time, the impossible becomes possible, the possible probable, and the probable virtually certain. One has only to wait: time itself performs miracles.)

Năm 2016, khi tôi công bố ý kiến này trên PVHg’s Home, có độc giả “mê” thuyết tiến hóa cảm thấy khó tin tuyên bố đó là sự thật. Họ đòi phải công bố nguồn trích dẫn một cách rõ ràng và chính xác. Tại sao họ phản ứng như thế? Bởi chính họ cảm thấy tuyên bố của George Wald quá kém cỏi về mặt khoa học, làm mất uy tín cho thuyết tiến hóa, đến nỗi chính những người “mê” thuyết tiến hóa cũng không thể chấp nhận được. Nhưng than ôi, tuyên bố của George Wald là sự thật 100%. Ngày nay quá dễ dàng để tìm ý kiến nói trên của George Wald trên mạng, và có lẽ những người từng phản ứng về nguồn trích dẫn này bây giờ cũng tự biết sự thật là gì rồi. Tôi nhắc lại sự kiện này để làm gì? Để nói rằng niềm tin của chủ nghĩa tự nhiên vào cơ may ngẫu nhiên là rất kém khoa học và phản khoa học. Kém đến nỗi chính những người theo thuyết tiến hóa cũng cảm thấy niềm tin đó không thể chấp nhận được!

Đặc biệt, dưới ánh sáng của những khám phá về thông tin sinh học, niềm tin vào sự ra đời ngẫu nhiên của sự sống từ vật chất vô sinh lại càng trở nên lỗi thời. Ngày nay, một học sinh lớp 12 cũng đủ kiến thức để biết rằng không có Mã DNA thì không thể có sự sống. Vậy làm thế nào để Mã DNA ngẫu nhiên hình thành từ các phản ứng hóa học?

Đó là giấc mơ không tưởng (an utopian dream) của các nhà tiến hóa hóa học. Đó là câu chuyện sẽ được trình bày trong bài kỳ sau.

Đăng tải với sự cho phép. Đọc bản gốc ở đây.


[1] https://viethungpham.com/2015/08/28/mendel-disproved-darwinism-mendel-bac-bo-hoc-thuyet-darwin/

[2] https://evolutionnews.org/2006/07/mathematicians_and_evolution/

[3] https://viethungpham.com/2018/03/24/quotes-on-darwinism-trich-dan-ve-hoc-thuyet-darwin-1/

[4] https://www.amazon.com/Chance-Necessity-Natural-Philosophy-Biology/dp/0394718259

[5] Trích dẫn Monod trong bài này đều từ một nguồn: https://todayinsci.com/M/Monod_Jacques/MonodJacques-Quotations.htm#

[6] Xem “Định lý Gödel, Nền tảng của Khoa học Nhận thức Hiện đại”, Phạm Việt Hưng, NXB Tri Thức, 2019, 2022, trang 86-94.

[7] https://viethungpham.com/2021/05/27/hawking-who-created-god-hawking-ai-tao-ra-chua/

[8] https://x-evolutionist.com/the-origin-of-life-how-did-life-begin-dna-could-not-have-happened-by-chance/

Thông tin tác giả:

Hội thảo "Nguồn gốc Sự Sống dưới Ánh Sáng của Định lý Godel" được tổ chức thành công tại Hà Nội
GS Phạm Việt Hưng. Ảnh: photobucket

Giáo sư Phạm Việt Hưng từng giảng dạy các môn Toán Kinh tế; Cơ học Lý thuyết; Sức bền Vật liệu; Toán luyện thi đại học. Hiện ông đang thỉnh giảng Toán cao cấp tại một đại học ở Việt Nam. Ông đang có nhiều hoạt động báo chí với nhiều bài viết được đăng trên nhiều báo in và báo mạng, ví như Khoa học & Đời sống của Hội Liên hiệp Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam, Tạp chí Vật lý Ngày nay của Hội Vật lý Việt Nam, Tạp chí Tia Sáng của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Trang mạng Vietsciences.

Email: [email protected]

Website: viethungpham.com