Quân bình là luật của trời đất, từ vũ trụ cho đến con người, từ vật chất cho đến tinh thần. Nó có chung một quy luật và có sự liên đới tương hợp với nhau, nên triết học Đông phương mới có thuyết “Thiên địa vạn vật đồng nhất thể” (trời đất và con người có chung một nguyên lý, một bản thể), đó là bộ ba của triết lý nhân sinh “Thiên – Địa – Nhân” (Tam Tài). Mất quân bình là chưa ổn định, nghĩa là còn đang xáo trộn. Thời kỳ “hỗn mang” của vũ trụ, mọi sự, mọi vật chưa định hình, chưa ổn định, chỉ sau những quá trình va chạm, xáo trộn, rồi mỗi vật, mỗi hành tinh tự sắp xếp để tìm thấy một vị trí trong cái quy luật quân bình, lúc đó mới được ổn định để tồn tại.

Trong y lý (Đông y) người ta dựa vào luật quân bình để suy ra những bệnh tật về thể lý nơi con người, gọi là mất quân bình âm dương trong mỗi bộ phận của cơ thể. Trong đồ ăn thức uống cũng có những thực vật nhiều âm hay nhiều dương, tác động lên sức khỏe của con người mà giáo sư Ohsawa bàn rất kỹ trong cuốn “Zen & Dưỡng Sinh”, và cuốn ‘Phương Pháp Thực dưỡng Ohsawa”. Trong triết học người ta phân định rất rõ về lý tính và cảm tính. Trong sinh học và y học, con người phát hiện ra hai bán cầu não phải và bán cầu não trái, mỗi bên có một chức năng riêng cần cho sự suy luận và cảm xúc. Trong tổ chức xã hội và giáo dục, người ta vẫn phải chú trọng hai khía cạnh về tình cảm (hợp lòng người) và sự hợp lý. Trong đạo lý, nói chung về các tôn giáo, người ta cần hoàn chỉnh ở hai khía cạnh nơi con người là lý trí và con tim (lý trí là ngọn đèn soi sáng cho con tim) để hoàn thiện đời sống tâm linh. Trong quy luật sống đối với bản thân và xã hội, con người vẫn phải biết ăn ở đối xử sao cho có tình có lý, hướng tới “thấu tình đạt lý”. Và trong tất cả mọi sự vật sự việc, ai cũng muốn quan tâm đến hai vế một vấn đề là, trong cái thiếu có cái đầy, trong cái khuyết có cái ưu, trong cái nhu có cái cương, trong cái hay có cái dở và ngược lại. Trong âm có dương và trong dương có âm là như vậy.

Trong phạm vi đề tài, chỉ bàn về luật quân bình trong tinh thần và trong tâm trí, nghĩa là những vấn đề được diễn ra qua giác quan, thành những cảm xúc (cảm giác, cảm thấy, cảm tưởng), tác động lên hai thứ tình cảm yêu và ghét; cũng như được diễn ra từ sự nhận thức trong tư tưởng, suy nghĩ, phán đoán và hành động của con người. Đó là những yếu tố cấu thành, làm nên một nhân phẩm, nhân cách của con người, trở thành hay-dở, tốt-xấu, đúng-sai, quý-tiện nơi mỗi người.

LUẬT QUÂN BÌNH NƠI TINH THẦN CON NGƯỜI

Con người luôn luôn phải điều chỉnh để khỏi bị những lệch lạc trong tinh thần, từ suy nghĩ đến hành động, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, đến nỗi nó trở thành một số phận nơi mỗi người, như Đức Đạt Lai Lạt Ma đã cô đọng trong triết lý nhà Phật: “suy nghĩ biến thành lời nói; lời nói biến thành hành động; hành động biến thành thói quen; thói quen biến thành tính cách; tích cách biến thành số phận”. Vì vậy vấn đề được giáo dục và vấn đề tu thân – tự giáo dục – là cực kỳ quan trọng, nó kéo dài suốt cuộc đời. Những lệch lạc này làm mất quân bình trong tâm lý, trong tình cảm, trong nhận thức, trong phán đoán và hành động. Mọi phương pháp và nghệ thuật giáo dục mang tính toàn diện đều hướng tới mục đích làm cho con người đạt hoàn hảo cả về tâm và trí, là nền tảng để trưởng thành về nhân bản, trở nên một người quân bình về mọi phương diện.

Con người ít khi trưởng thành đủ – còn phần ấu trĩ – nghĩa là còn bị những lệch lạc, mà nếu không được điều chỉnh, con người luôn thiên bên này, lệch bên kia, lạc bên nọ. Nguyên nhân của nó là do con người nô lệ vào thứ tình cảm yêu và ghét, nô lệ vào những thành kiến, nô lệ vào những tham lam ích kỷ, nô lệ vào cái Tôi ngạo mạn, nô lệ vào sự tự tôn hay tự ti, vào hằn thù ghét ghen, nô lệ vào những dục vọng xấu xa…, nên luôn quy chiếu vào mình, lấy sự suy diễn của mình làm chuẩn mực cho những phán đoán và hành động. Từ đó con người không thể vượt ra khỏi mình để quan sát chính mình, quan sát những diễn biến nơi tinh thần của mình và người khác, nên không thể có sự khách quan cần phải có. Một khi bị nô lệ như vậy, con người hầu như không còn khả năng tìm ra sự thật về mình, về người khác, về mọi sự vật, sự việc trong đời sống , và dễ bị chìm đắm trong mê muội và lầm lạc. Người này thiếu khả năng đặt mình vào hoàn cảnh của người khác, không đủ khả năng đặt mình trong bối cảnh của sự việc hay lịch sử, và kết luận của họ luôn luôn dựa vào “cái bụng” của mình bằng cách “suy bụng ta ra bụng người”. Họ dễ tin nhưng lại hay nghi ngờ, quả quyết nhưng lại thiếu tự tin, nên luôn luôn khăng khăng để bảo vệ , bào chữa cho sự bấp bênh, yếu kém của mình. Những lệch lạc này tạo nên nhiều bất công trong những phán đoán và hành động, bất công trong việc ăn ở đối xử với mọi người. Để tìm được sự quân bình, trước hết phải biết canh chừng chính mình và đừng tin vào mình, nếu không dựa trên những nguyên tắc khách quan hay nền tảng chân lý nào đó.

Đức Khổng đã khai mở ra Đạo Trung Dung để giúp con người tránh khòi những lệch lạc. Trung là ở giữa, không thiên lệch bên nào, không thái quá (cực đoan, cố chấp, thành kiến…), không bất cập (vô tâm, bất chấp, bất cần…). Dung là giữa, ở một mực không thay đổi, không bị biến thái, biến động lúc nặng lúc nhẹ , để cho cảm xúc dẫn dắt. Bảy thứ tình cảm (thất tình) chi phối con người, thường làm cho con người bị lệch lạc, đó là: hỉ, nộ, ái, ố, ai, cụ, dục. Nhưng một khi đã có được trung dung, nghĩa là giữ cho nó đúng tiết, có chừng mực, phải cách, đúng lúc thì bảy thứ tình cảm này nó trở thành hữu ích, rất nhân bản. Nó cũng là “vô khả, bất vô khả” (Không có cái gì nhất định là nên, là không nên – theo cảm giác của thần kinh). Được như vậy thì con người, vạn vật và trời đất đều yên ổn và trật tự, sản sinh mọi điều tốt lành (Theo sách Trung Dung).

LUẬT QUÂN BÌNH GIỮA HAI BÁN CẦU NÃO

Khám phá bí mật bán cầu não được coi là thành tựu sinh và y học quan trọng hàng đầu của thế kỷ 20. Nó giúp cho con người có thể hiểu và nhận biết được cơ chế cũng như hoạt động của não bộ một cách đúng đắn và có khoa học hơn. Hoạt động trí tuệ chịu sự khống chế của não, song não lại chia thành hai bán cầu là bán cầu não phải và bán cầu não trái và hai bán cầu này có ưu thế, chức năng khác nhau – năm 1943, các nhà khoa học của Học viện Vật lý Công nghệ California (Mỹ), đứng đầu là tiến sĩ Roger W. Sperry đã khám phá được bí mật hai bán cầu não và hoạt động của não.

Nói chung, bán cầu não trái có nhiệm vụ xử lý ngôn ngữ, tư duy trừu tượng, viết, tính toán, sắp xếp, phân loại, ghi nhớ từ ngữ và tri giác thời gian; Còn bán cầu não phải có vai trò xử lý hình tượng tổng thể, khái niệm không gian, phân biệt hình vẽ, khả năng cảm thụ âm nhạc, khả năng bắt chước. Bán cầu não trái có thói quen phân tích từng bước, còn bán cầu não phải lại có khuynh hướng phân tích trực quan, chỉnh thể vấn đề. Nhiều chức năng ưu thế, ở mức độ cao cấp đều tập trung ở bán cầu não phải chứ không phải bán cầu não trái, vì bán cầu phải có cơ năng mang tính chỉnh thể, tổng hợp, sáng tạo, chủ quan trực giác, trí tưởng tượng phong phú, nhạy cảm về thái độ, tình cảm, ý chí của con người. Tuy rằng mỗi bên bán cầu não có chức năng riêng, song chúng luôn hỗ tương lẫn nhau trong quá trình hoạt động.

Phát triển cân bằng cả bán cầu não trái và bán cầu não phải là một trong những nguyên tắc quan trọng để phát triển trí tuệ, giúp quân bình giữa tâm và trí nơi con người.

quân bìnhBấm vào ảnh để phóng to. (Ảnh: Internet)

* Người có khuynh hướng về bán cầu não trái:

Thiên về lý tính, có tính khách quan, tư duy trừu tượng, lý luận chặt chẽ, phán đoán hợp lý, xử lý ý tưởng từng bước. Tính logic thông tin và ý tưởng, biết phân tích từng bước sau đó định hình tổng thể, tìm tòi, biết so sánh, chứng minh. Biết đặt vấn đề, lập kế hoạch, tập trung bền, có mục tiêu rõ ràng. Làm việc có phương pháp, theo nguyên tắc và quy định, tính bền bỉ, kiên trì, quyết đoán. Ngôn ngữ phong phú, dễ nhớ tên hơn hình dáng, có bố cục. Biết phân bố, làm chủ được thời gian.Tinh thần độc lập, nghị lực, bản lĩnh, cân nhắc, kín kẽ. Sống thực tế, chính xác, cụ thể. Có đời sống cứng nhắc, khô cằn, ít sáng tạo, giao tiếp thiếu mềm mại, thiếu tình cảm, khó cảm thông, dễ độc đoán, độc tài, dễ khổ trí.

* Người có khuynh hướng về bán cầu não phải:

Thiên về cảm tính, nhận xét, phán đoán theo thành kiến, chủ quan. Thiên về hình ảnh, cảm xúc dẫn dắt chứ không phải lý trí. Xử lý các ý tưởng cùng một lúc, dùng hình ảnh để nhớ. Ít có cảm nhận về thời gian, hay bốc đồng, dễ chán nản. Thiếu tính độc lập, thiếu kiên nhẫn, tập trung kém, tản mạn. Khó khăn dùng từ ngữ diễn tả, muốn trải nghiệm hơn là dùng tài liệu. Thiếu tự tin vào khả năng sáng tạo bản thân. Quyết định vội vàng, võ đoán, thiếu hệ thống. Thích đụng chạm khi quan sát vật thể, thích được chiều chuộng và lời vuốt ve. Sống tình cảm, yêu, ghét, vui, buồn bất chợt tùy theo hứng, bị thần kinh kích động. Gặp khó khăn trong việc phân bố tính chất ưu tiên nên thường trễ hạn (giờ) trong công việc và hay thay đổi. Thích nghe điều gì sắp nói đến, hướng về tình cảm cao đẹp. Trực giác bén nhạy nên không cần thông qua suy luận, có óc tưởng tượng phong phú, sáng tạo dồi dào, dễ rung động, thích mơ mộng, ít thực tế. Năng khiếu về nghệ thuật, âm nhạc, màu sắc. Lối nhìn góc cạnh, chi tiết, chu đáo. Giao tiếp tốt, tế nhị, mềm dẻo, vị tha, tính cộng đồng. Dễ bối rối và khổ tâm.

* Quân bình cho sự phát triển của bộ não

Bộ não của chúng ta được cấu tạo từ hàng tỉ tế bào não còn gọi là nơron thần kinh (neurone). Mỗi một nơron tuy có kích thước cực nhỏ nhưng lại có sức mạnh xử lý thông tin tương đương với một máy vi tính. Bộ lưu trữ thông tin của một nơron cũng có sức chứa khổng lồ vì mỗi tế bào não bao hàm một bộ gen hoàn hảo của chúng ta đủ để tái tạo thêm một nhân bản giống y như chúng ta vậy. Trung bình có khoảng 1 triệu triệu (1.000.000.000.000) nơron như thế cấu tạo nên bộ não. Nên khả năng của con người hầu như là vô hạn.

Khi sử dụng bán cầu não trái hoặc phải (động não, làm việc) thì các nơron thần kinh vận động sẽ kết cấu lại với nhau để sinh ra những năng lực cần thiết cho sự hoạt động. Khi các nơron thần kinh liên kết lại với nhau thì sẽ thụ hưởng được một năng lực mới cho người sử dụng nó. Những nơron này được liên kết không ngừng mỗi khi con người vận dụng trí não cho công việc, bởi thế tài năng càng ngày càng phát triển. Người ta thiếu năng lực vì chưa có sự liên kết của những nơron thần kinh này. Những thiên tài là những người kiên tâm luyện tập để được quân bình giữa hai bán cầu não. Trong chương trình của học sinh đều có những môn phải sử dụng cho từng bán cầu não, như toán, lý, hóa, sinh, kỹ thuật… dành cho não trái; văn, nhạc, họa, nghệ thuật dùng cho não phải. (Tham khảo)

Khi hai bán cầu não phát triển đồng đều thì cái ưu và khuyết nơi hai bán cầu sẽ được bù đắp và hỗ trợ lẫn nhau để bộ não phát triển toàn diện. Lúc đó chủ quan sẽ có khách quan hỗ trợ, nghệ thuật sẽ được lý trí soi xét, sáng tạo sẽ được kỹ thuật hoàn chỉnh, tiểu tiết sẽ được đại thể chỉnh lý, tình cảm sẽ được sự khôn ngoan dẫn dắt… và con người sẽ đạt được sự quán thông về mọi phương diện, từ chi tiết tới tổng thể, từ vi mô đến vĩ mô, từ tác chiến (cục bộ) cho đến chiến lược, từ lãnh vực này cho đến những lãnh vực liên quan khác, cái mà người ta gọi là “học một biết mười”.

KẾT

Trong giáo dục, người ta đã đưa ra nhiều phương pháp và phương hướng giáo dục, nhưng vẫn còn phiến diện, khó có thể mang tính toàn diện được. Giáo dục toàn diện phải hội đủ yếu tố giúp con người phát triển về mọi mặt, bao gồm cả TÂM, THẦN, VẬT, TRÍ, ĐỨC. Những yếu tố này đều là thuộc tính của con người, làm nên một con người hoàn hảo, xứng đáng là một sinh vật được gọi là “nhân linh ư vạn vật” (con người vượt lên trên, linh thiêng hơn vạn vật) , nhờ có lý trí, ý chí, tình cảm, tâm linh và tự do. Nghĩa là tất cả yếu tố trên phải được phát triển đồng đều, hoặc nói cách khác, nó phải phát triển theo quy luật quân bình.

Con người dùng chữ TÂM có ý nói nó là trung tâm, là cái gốc của mọi vấn đề, làm cơ sở cốt yếu để có được những thứ khác, nên cũng có thể ghép chữ TÂM với những thành tố khác, đi đôi từng cặp một: Tâm-Thần, Tâm-Vật, Tâm-Trí, Tâm-Đức. Những cặp đôi này nếu bên có bên không, hay bên yếu bên mạnh, chắc chắn sẽ rơi vào tình trạng mất quân bình. Nhiều xáo trộn cho cá nhân, gia đình và xã hội cũng từ đó mà ra.

Chung quy, con người cần quan tâm để giáo dục và tự giáo dục để được quân bình trong lãnh vực tinh thần, quân bình trong trí óc, giữa hai bán cầu não, như được trình bày ở phần trên, nó có quan hệ hữu cơ, tác động và ảnh hưởng lẫn nhau nên không thể tách rời hoặc thiếu vắng nhau. Trước đây những vấn đề giáo dục này được gọi là Trí Dục và Đức Dục. Lối giáo dục truyền thống ít chú trọng đến việc đào luyện cho hai bán cầu não phát triển quân bình, nên là một khiếm khuyết đáng tiếc. Ngày nay với phương pháp giáo dục mới, người ta đã bù vào sự khiếm khuyết này.

Những triệu chứng tâm thần đủ loại, những tư tưởng và thái độ cực đoan, những lối sống lập dị, những thói sống buông thả, những tâm hồn nổi loạn, những bi quan yếm thế, những thái độ trả thù đời, những cuộc ăn chơi huênh hoang, những kiểu giữ đạo đồng bóng, những mê tín dị đoan… Tất cả đều xuất phát từ sự xáo trộn trong TÂM và TRÍ, căn nguyên là mất quân bình về phương diện nào đó, nơi mà họ đang là kẻ nô lệ cho sự lệch lạc trong tinh thần, trong trí não. Ngoài ra, phần lớn con người đều có những lệch lạc khác nhau, nên việc tu thân (chỉnh sửa lại) là luôn cần thiết cho mỗi con người. Những điều này, thường gọi là thiếu văn hóa, nhất là thiếu giáo dục. Nhưng cần xác định lại vấn đề để làm rõ nguyên nhân của những hiện tượng và trạng thái bất thường nơi con người. Đó chính là sự mất quân bình về phương diện nào đó của mỗi nạn nhân, do không được giáo dục, thiếu giáo dục hoặc giáo dục lầm lạc, đã mang hậu quả cho những người đang là nạn nhân của sự mất quân bình.

Những nhân cách trưởng thành, những vĩ nhân đáng kính, những thánh nhân quân tử, đều là những người mẫu mực cho sự quân bình toàn diện. Họ là những tấm gương đáng cho mọi người soi vào để học hỏi.

Hàn Cư Sĩ

Xem thêm: