Một đặc điểm làm nên sự ấn tượng và không lẫn vào đâu khi bạn bước vào 1 sân vận động là không khí cực kỳ náo nhiệt, đến mức ồn ào bên trong khiến nhiều khi bạn còn không biết mình đang đứng ở đâu. Vậy câu hỏi được đặt ra là nó đến từ đâu? Phải chăng là tiếng reo hò của các cổ động viên hay không?

Hãy tưởng tượng bạn đến một sân vận động mà để thưởng thức 1 trận thi đấu bóng đá nhưng thấy rằng không khí ở đó im lặng như thời gian lúc nửa đêm. Sự náo nhiệt đâu hết rồi? Bạn có muốn ở lại đó hay không? Nếu muốn sự riêng tư thì ở nhà xem qua tivi là được rồi, đâu cần phải đến sân động làm gì.

Vậy mới nói, 1 trận bóng đá mà không có náo nhiệt vốn có thường thấy từ các khán đài sân vận động, nó chẳng khác nào các cầu thủ đang thi đấu cho không khí và hàng ghế ngồi xem vậy. Đó chính là lý do tại sao khi nghĩ tới sân vận động là người ta nghĩ tới sự ồn ào, đến mức ù tai sau mỗi trận đấu! Các dụng cụ tạo ra tiếng ồn như kèn và trống làm tăng thêm âm thanh tập thể của cổ động viên.

Kèn vuvuzela là công cụ cổ động quen thuộc của người Nam Phi tại World Cup 2010. (Ảnh: inprf.org.mx)

Âm thanh tập thể mà chúng ta nghe thấy bên trong sân vận động được gọi là “bầu không khí của sân vận động”. Một bầu không khí hấp dẫn tại một sân vận động thể thao có thể tạo ra khác biệt lớn cho cả cầu thủ trên sân và khán giả trên khán đài.

Thông thường nhiều người đều cho rằng âm thanh từ các kèn, trống, tiếng hát và reo hò từ các cổ động viên đã tạo nên không khí náo nhiệt như vậy. Tuy nhiên, không dễ mà thiết kế âm vang để tạo ra tạo ra được cảm giác náo nhiệt từ đám đông như vậy. 

Nhiều sân động của các câu lạc bộ nổi tiếng trên thế giới như Camp Nou (Barcelona), Santiago Bernabeu (Real Madrid), Allianz Arena (Bayern Munich)… đã thiết kế âm vang đặc biệt để lấy được tiếng ồn và năng lượng từ đám đông một cách hiệu quả.

Sân Nou Camp hình ovan rất hiệu quả trong việc chứa đựng tiếng ồn của đám đông. (Ảnh: archiv.ihned.cz)

Vậy các kỹ sư đã làm như thế nào?

Điểm mấu chốt ở đây là cấu trúc và kích thước của sân vận động. Bầu không khí náo nhiệt không hẳn chỉ là tiếng ồn rất lớn bên trong. Các sân vận động ngày nay có các thiết kế giúp người hâm mộ cổ vũ nhiệt tình hơn bằng cách giữ và khuếch đại tiếng ốn của đám đông.

Đám đông càng lớn, tiếng ồn càng lớn; điều đó chỉ đúng 1 phần. Không gian của sân vận động rất rộng, dù số lượng cổ động viên có lấp đầy sân vận động đi nữa cũng không thể tạo ra được bầu không khí náo nhiệt mà chúng ta thường thấy trên ti vi. 

Để tối đa hóa cường độ âm thanh, các kỹ sư đã thiết kế sân vận động nhỏ dần về kích thước và cung cấp các bề mặt phản xạ có thể đẩy tiếng ồn trở lại đám đông như mái che. Vì âm thanh nhỏ dần đi khi di chuyển, việc giữ cho địa điểm thật nhỏ và riêng biệt là rất quan trọng.

Các sân vận động ở châu Âu hiện nay có mái che từng phần, giúp phản xạ sóng âm trở lại bên trong. (Ảnh: foto-basa.com)

Ngoài ra, còn có một cách khác để khuếch đại âm thanh là sử dụng các vật liệu như gỗ và kim loại làm tăng âm vang. Độ rỗng của gỗ giúp âm thanh vang dội bên trong, từ đó giúp âm thanh của đám đông tăng dần theo thời gian. Điều này cho phép đám đông ở một đầu nghe được đối phương ở phía đối diện.

Sân vận động Al Bayt (Quatar) phục vụ cho World Cup 2022 được thiết kế với nhiệm vụ tạo ra âm vang. Với hình dạng giống như một chiếc lều, tiếng ồn và tiếng hô hào của người hâm mộ được giữ lại bên trong. Một trọng tâm khác được các kiến trúc sư quan tâm là phản xạ và kiểm tra cường độ âm thanh trong sân vận động để nó không quá chói tai đối với những người ở bên trong.

Sân vận động Al Bayt (Quatar). (Ảnh: Xataka)

Tóm lại, về cơ bản, việc tạo ra được không khí bên trong sân vận động không đến từ số lượng cổ động viên mà là các thiết kế bề mặt phản xạ. Các bề mặt này phải được làm bằng vật liệu cung cấp phản xạ âm thanh tối ưu, cùng với độ bền theo thời gian đem lại cho khán giả những trải nghiệm thú vị và khác biệt.

Sơn Tùng