Tại di chỉ khảo cổ ở phía bắc Trung Quốc, nhà nghiên cứu người Mỹ đã phát hiện dụng cụ làm rượu bia có từ khoảng 5000 năm trước chứng minh người cổ đại Trung Quốc biết kỹ thuật làm rượu bia ở trình độ tiên tiến. Theo phát hiện này, thời gian lúa mạch từ Tây phương đưa vào Trung Quốc có thể sớm hơn 1000 năm so với hiểu biết hiện nay.

Nghiên cứu do học giả Vương Giai Tĩnh thuộc Đại học Stanford phụ trách đã khai quật di chỉ Mễ Gia Nhai ở tỉnh Thiểm Tây và phát hiện thấy dụng cụ làm rượu bia có từ hàng ngàn năm trước, bao gồm: bình miệng rộng, phễu, bình đáy nhọn, bộ lọc, bình tích trữ và bếp lò. Thời gian của cổ vật có thể vào khoảng năm 3400 TCN – 2900 TCN.

Trong những dụng cụ này có di vật màu vàng. Khi kiểm nghiệm cho thấy gồm có lúa mạch, kê, bo bo, cây thân củ. Các nhà nghiên cứu gọi “phương pháp làm rượu bia này khiến người ta phải kinh ngạc”.

Nhà nghiên cứu Vương Giai Tĩnh chia sẻ với AP: “Phương pháp này kết hợp cả truyền thống Trung Quốc và Tây phương: Lúa mạch là của Tây phương; kê, bo bo, cây thân củ của Trung Quốc”.

Phát hiện này có ý nghĩa quan trọng, khiến người ta nhận ra lúa mạch từ Tây phương đưa vào Trung Quốc có thể sớm hơn 1000 năm so với hiểu biết hiện nay.

Nhà khảo cổ Patrick McGovern thuộc Bảo tàng Khảo cổ học và Nhân loại học cổ đại Đại học Pennsylvania tham gia vào khai quật cho biết, phát hiện cho thấy kỹ thuật làm rượu bia của người Trung Quốc cổ đại rất tiên tiến, không khác gì kỹ thuật của người hiện đại ngày nay.

Bia người hiện đại (Fotolia)
Bia người hiện đại (Fotolia)

Nhà khảo cổ Patrick McGovern nói, họ biết dùng nhiệt để phân giải carbohydrate, còn vị trí ngầm của nơi sản xuất cũng đáng chú ý. Địa điểm mát mẻ rất quan trọng trong kiểm soát nhiệt, nếu nhiệt độ nơi sản xuất bia rượu quá cao thì quá trình lên men carbohydrate có thể bị hỏng.

Mùi vị bia rượu thời đó như thế nào? Các nhà nghiên cứu nói họ không biết tỷ lệ các chất liệu khi làm nên không thể biết được cụ thể như thế nào, nhưng ông Vương Giai Tĩnh nói, mùi vị có thể hơi chua, ngọt, vì vị chua do vật lên men còn vị ngọt do cây thân củ.

Theo nghiên cứu, ban đầu lúa mạch có thể được đưa vào Trung Quốc để làm rượu bia, trải qua thời gian dài mới trở thành lương thực chính.

Lịch sử bia rượu sớm nhất có thể truy về thời Văn minh Lưỡng Hà (*) từ 6000 năm trước, người Sumerian là dân tộc biết kỹ thuật này đầu tiên. Đây là đồ uống họ dùng thường xuyên hàng ngày, xuất hiện nhiều trong văn tự hình nêm của họ.

Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Osla biên dịch

(*) Lưỡng Hà hay Mesopotamia (“[đất] giữa các con sông”) là tên gọi của một vùng địa lý và của một nền văn minh hệ thống sông Tigris và Euphrates, bây giờ bao gồm lãnh thổ Iraq, Kuwait, đông Syria, đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, và tây nam Iran hiện đại.

Xem thêm: