Mộng cảnh như ảo ảnh mà có thể hiển hiện đến thế giới vật chất này ư? Câu chuyện đằng sau bộ phim “Avatar” lẽ nào không hề đơn giản? Quốc vương Ấn Độ cổ đại làm thế nào tìm được “người tình trong mộng” của mình?

Chào mừng các bạn đến với Bí ẩn chưa được giải đáp!

Tiếp theo tập trước của “Những giấc mơ tiến vào thế giới thực”, chúng tôi sẽ tiếp tục nói về bí ẩn của những giấc mơ đặc biệt. Trong số trước, chúng tôi đã nói về tài tử thời Đường Bạch Hành Giản, em trai của Bạch Cư Dị, người đã viết “Tam mộng ký” thuật lại những câu chuyện mộng cảnh kỳ lạ. Vậy sự khác biệt của hai giấc mơ còn lại là gì?

Lưu U Cầu đập tan quái mộng của vợ

Lưu U Cầu (655-715) là một danh thần nổi tiếng thời Đường, ông từng xuất mưu hiến lực đưa Lý Đường hồi quy, lập công lao lớn đối với Đường Huyền Tông.

Tại thời kỳ chấp chính của Võ Tắc Thiên, Lưu U Cầu từng được bổ nhiệm làm huyện thừa huyện Chiêu Ấp. Một lần, Lưu U Cầu phụng mệnh đi sứ đến nơi khác, đến tối muộn mới lên đường trở về nhà. Đường xá xa xôi, tình cờ có một ngôi Phật tự bên đường cách nhà hơn mười dặm, Lưu U Cầu và đoàn tùy tùng dự định ở lại chùa đó một đêm, rồi sớm mai mới tiếp tục khởi hành.

Theo đó, Lưu U Cầu đến trước bức tường của Phật tự, không ngờ từ trong chùa vang ra tiếng ca hát và tiếng cười vui vẻ. Tuy nhiên, các bức tường của ngôi chùa đều đã đổ nát, từ những khe hở trên tường có thể nhìn thấy cảnh tượng bên trong, trông có vẻ không phải ngôi chùa tốt. Lưu U Cầu bước lên phía trước, tò mò nghiêng người nhìn qua khe hở, từ xa đã thấy mười mấy nam nữ đang ngồi lẫn lộn bên trong, trên bàn la liệt rượu và thức ăn, mọi người ăn cơm uống rượu tạo thành một vòng tròn. Xem đi xem lại, Lưu U Cầu phát hiện một sự tình khiến bản thân ông không thể ngờ tới, đó là vợ ông đang y nhiên ngồi giữa nhóm người, trò chuyện rất vui vẻ.

Lưu U Cầu trong tâm sửng sốt, tại sao vợ mình lại cùng một đám người vui vẻ ăn uống trong ngôi chùa hoang này, xem ra tình huống này không giống với tính cách của vợ mình. Nghĩ đi nghĩ lại cũng không biết đó là chuyện gì. Sau khi cân nhắc, Lưu U Cầu nghĩ, vợ mình làm sao có thể đến đây được? Lưu U Cầu cảm thấy tâm lý khó chịu nếu không làm cho rõ chuyện này, vì vậy ông đã quan sát rất cẩn thận. Chao ôi, dung mạo, hành vi, cách ăn nói của người phụ nữ ấy giống hệt vợ ông, trên đời sao có chuyện lạ lùng kỳ quái như vậy. Lưu U Cầu nghĩ, thực sự có gì đó không ổn, và cách duy nhất để xác nhận người phụ nữ này là ai là tiến lại gần để nhìn kỹ hơn. 

Lưu U Cầu chạm vào cổng chùa, chuẩn bị tiến vào, nhưng phát hiện cổng chùa đã bị khóa không thể vào được. Tính cách của Lưu U Cầu dễ tức giận và bốc đồng, trong tâm nghĩ việc này chẳng phải sẽ hủy hoại thanh danh của mình sao? Vào không được thì phải buộc họ mở cửa cho ta. Vì vậy, Lưu U Cầu tùy tiện nhặt một viên gạch, dùng lực ném vào, kết quả ném trúng một chiếc bình chứa nước, chiếc bình lập tức vỡ tung, các mảnh vỡ bắn tung tóe, đột nhiên, đám người đó  như mây bay gió tản, biến mất tung tích.

Nhìn thấy từ xa, Lưu U Cầu càng thấy kỳ quái, bèn trèo tường vào. Lưu U Cầu và đoàn tùy tùng vào chùa, kiểm tra từ trong ra ngoài thì thấy trong sảnh chính và các phòng chái đều không có ai, cũng không có gì để ăn, cổng chùa vẫn đóng im lìm như cũ, điều này khiến Lưu U Cầu và những người khác càng kinh ngạc không thôi, trong tâm không biết là chuyện quỷ dị gì, cảm thấy không thể ở đây lâu. Họ vội vàng trèo ra khỏi chùa, vội vã lên ngựa phóng nhanh, phi nước đại suốt đêm để về nhà.

Lưu U Cầu về đến nhà, khi đó vợ ông vừa ngủ thiếp đi chưa được bao lâu thì nghe thấy tiếng chồng về, bà rất vui mừng, bèn đứng dậy hàn huyên vài câu, cười cười nói nói: “Vừa rồi em nằm mơ thấy em đang chơi trong một ngôi chùa với hàng chục người, em không hề biết những người đó, nhưng họ đang ngồi cùng nhau ở sân trước chánh điện để cùng ăn tối. Đúng lúc đó, bất ngờ có người ném gạch từ bên ngoài vào trong chùa, nghe bang một tiếng, một cái gì đó đã vỡ, làm hiện trường thành một mớ hỗn độn, và sau đó em liền tỉnh dậy.”

Lưu U Cầu nghe xong, phi thường kinh dị, ông cũng kể chi tiết cho vợ mình về những gì đã xảy ra với ông trên đường.

Chúng ta thấy Lưu U Cầu và vợ tình cờ gặp nhau trong một giấc mộng, có cảm giác như một loại ảo ảnh. Trước hết, vợ của Lưu U Cầu nằm mơ, và trong mộng cảnh đi đến một ngôi chùa chân thực tồn tại. Những gì bản thân Lưu U Cầu nhìn thấy chính là mộng cảnh mà vợ ông đã trải qua, nhưng là những gì ông nhìn thấy trong thế giới hiện thực chứ không phải ý thức nội tâm của vợ trong giấc ngủ. Loại giấc mơ này hơi giống với một thuyết pháp của cổ nhân, chính là một linh hồn lang thang bay khỏi cơ thể, đi đến một không gian rất gần với hiện thực, sau đó tiến hành làm những sự tình nào đó trong không gian mà linh hồn du hành. Thật trùng hợp, không gian mà linh hồn lang thang của vợ Lưu U Cầu du hành giống như ảo ảnh hư huyễn chiếu vào không gian hiện thực, khiến cho Lưu U Cầu nhìn thấy nó. Mặc dù đây là một không gian giống như ảo ảnh, nhưng nếu cơ duyên tương hợp, những người trong thế giới hiện thực chúng ta vẫn có thể nhìn thấy nó rõ ràng, giống như nhìn thấy ảo ảnh vậy.

Nếu giải thích theo cách này, có thể thuyết minh giấc mơ của vợ Lưu U Cầu không phải là giấc mơ sản sinh trong nội bộ ý thức của nhân thể trong trạng thái ngủ, mà giấc mơ này có thể xuyên việt một tầng diện thời không nhất định. Nếu tìm hiểu sâu hơn, nó ẩn tàng một bí ẩn chưa được giải đáp.

Điều này khiến chúng ta liên tưởng đến bộ phim đã đoạt giải Oscar “Avatar”. Nam chính Jack trong phim sử dụng phương thức ngủ, tức là nằm mơ, để đắm mình trong tầng diện cảm ứng tâm linh, ý thức nguyên thần của anh tiến nhập vào trong một cơ thể hỗn huyết giữa nhân loại và người Na’vi, chính là “Avatar”. Theo đó, anh đã sử dụng cơ thể của “Avatar” này để sống trong quần thể người Na’vi trên hành tinh Pandora.

Vì kịch tình hơi phức tạp để kể tiếp, hãy tạm gác các tình tiết sang một bên, tập trung vào điều quan trọng là, liên quan đến câu chuyện “Avatar”, nó ít nhất được thiết định trên một hiện thực có khả năng tồn tại: Đó là nhân loại thông qua mộng cảnh có thể hoán chuyển ý thức tâm linh đến một sinh vật khác, sau đó tiến nhập vào một bối cảnh không gian khác, đương nhiên, cũng có khả năng tiến nhập vào hiện trường không gian nơi hiện thực đang phát sinh. Quý vị có cảm thấy giấc mơ này sẽ trở thành hiện thực trong tương lai không? Liệu nhân loại có thể hiện thực hóa một cuộc sống như vậy trong tương lai không?

Bộ phim “Avatar” năm 2009 đã lập tức bùng nổ toàn thế giới. Cũng thực sự phải nói đến một bộ phim bom tấn khác liên quan đến mộng cảnh, ra mắt năm 2010, đó là sự xuất hiện của “Inception” (Đạo mộng không gian), cũng được yêu thích trên toàn thế giới.

Chủ đề cốt lõi của “Inception” là ít nhất có hai người hoặc nhiều hơn cùng nhau tiến vào trong một mộng cảnh, giống như hai hoặc nhiều cá nhân hơn ‘liên kết mạng’ với nhau, cùng nhau du hí trong cùng một trò chơi. Loại mộng cảnh này trên thực tế có không?

Thật trùng hợp khi giấc mơ cuối cùng được đề cập trong “Tam mộng kí” của Bạch Hành Giản chính là giấc mơ thuộc loại hình này. Hãy xem câu chuyện trong giấc mơ nói về điều gì nhé.

Đậu Chất thời Đường trong mộng gặp vu nữ

Gia tộc Đậu thị ở Phù Phong là một đại phú tộc triều Đường, vô cùng nổi tiếng. Trong những năm Đường Đức Tông Trinh Nguyên, có một người đàn ông tên là Đậu Chất từ Phù Phong, cùng với Vi Tuần, một trưởng quan của kinh thành, cùng nhau từ Bạc Châu tiến vào đất Tần, đêm đến tá túc tại một lữ điếm ở Đồng Quan. Đậu Chất đêm đó ngủ, trong mộng thấy bản thân đi đến một miếu thờ Nhạc Hoa, nhìn thấy tên miếu, có lẽ là từ đường tế tự Tây Nhạc Hoa Sơn. Có từ đường hẳn sẽ có vu sư, vu nữ. Đậu Chất quả nhiên nhìn thấy một nữ vu trong từ đường, nước da ngăm đen, thân hình cao gầy, mặc váy đen phối áo trắng, trên đường cung kính cúi đầu thỉnh cầu Đậu Chất ghé qua cầu nguyện thần linh. Đậu Chất mắt thấy thịnh tình khó khước từ, chỉ có thể nhận lời mời của nữ vu. Lúc đó, Đậu Chất hỏi danh tính của nữ vu, bà tự xưng họ Triệu. Sau khi Đậu Chất tỉnh lại khỏi giấc mơ, liền kể với Vi Tuần chính xác những gì đã thấy trong giấc mơ. Hai người đều cảm thấy điều đó thật kỳ quái, nhưng họ cũng nghĩ đó chỉ là một giấc mơ.

Nhưng sau khi nghĩ lại, cả hai đều cảm thấy giấc mơ này có thể báo trước điều gì đó, may mắn, miếu Hoa Nhạc cách nơi họ ở không xa. Vì vậy, ngày hôm sau, hai người liền đến miếu Hoa Nhạc, quả nhiên có một nữ vu bước ra nghênh đón, dáng người, tướng mạo và trang phục giống hệt trong mộng cảnh. Đậu Chất quay đầu lại và hào hứng nói với Vi Tuần: “Giấc mơ của tôi là báo trước, đó là sự thật!” Ngay lập tức, ông gọi người tùy tùng của mình mở túi của họ, lấy hai xâu tiền đồng và đưa cho nữ vu. 

Nữ vu cũng vỗ tay cười lớn, nói với những đồng bạn của mình: “Các vị hãy xem, nó y chang giấc mơ của tôi!” Vi Tuần kinh ngạc, tiến lên hỏi chuyện gì đã xảy ra. Nữ vu trả lời: “Đêm qua, tôi mơ thấy hai vị đến từ hướng đông, sau khi tôi chúc rượu một người dáng thấp bé và có râu, ông ấy đưa tôi hai xâu tiền. Khi bình minh ló dạng, tôi đã kể với đồng bạn của mình về tình huống này, tôi không nghĩ nó sẽ ứng nghiệm sớm như vậy.”

Đậu Chất kinh ngạc không thôi, nghĩ đi nghĩ lại về một chi tiết khác trong giấc mơ của mình, nên đã hỏi họ của nữ vu. Những đồng bạn của nữ vu trả lời: “Họ của bà ấy là Triệu.” Mọi người có mặt đều kinh dị trước giấc mơ của họ.

Bạch Hành Giản bình luận: Từ đầu đến cuối sự việc này, giấc mơ của hai người đều nhất quán, đây có lẽ là trường hợp mộng cảnh tương thông giữa hai người.

Sự tồn tại của “Giấc mơ chung” 

Một nữ học giả nổi tiếng người Mỹ chuyên nghiên cứu về văn hóa Ấn Độ cổ đại tên là Wendy Doniger O’Flaherty, tạm gọi là bà Wendy. Năm 1984, bà xuất bản một cuốn sách chuyên nghiên cứu về văn hóa mộng ở Ấn Độ có tên là “Mộng, huyễn cảm và những hiện thực khác”. Sau đó, bản dịch tiếng Trung giản thể đã đổi tên cuốn sách thành “Văn hóa mộng huyễn Ấn Độ”. Trong sách đề xuất một khái niệm về loại hình văn hóa mộng gọi là “Giấc mơ chung” (The Shared Dream), ý tứ của “Giấc mơ chung” chính là nói, có hai người không quen biết nhau, cũng không sống cùng một địa phương, khoảng cách có thể xa hoặc gần. Thế nhưng vào một ngày nào đó, họ đều có một giấc mơ, trong mộng cảnh họ tiếp xúc với nhau, làm quen với nhau. Trong hiện thực sau đó, họ cũng tìm đến một địa phương giống y như trong mộng. Chỉ là thời gian họ nằm mơ có thể không cùng một ngày, cũng có thể cùng một ngày. Thế nhưng, trong mộng cảnh, tình tiết và hoàn cảnh họ gặp gỡ nhau là tương tự, thậm chí tình cảnh hoàn toàn tương đồng.

Bà Wendy tin rằng loại hình “giấc mơ chung” trên toàn thế giới đâu đâu cũng có, và bà cũng cho rằng “giấc mơ chung” này có thể khởi nguồn từ một câu chuyện trong thần thoại Ấn Độ.

Người tình trong mộng của quốc vương Ấn Độ cổ đại

Thời cổ đại ở Ấn Độ, có một vị họa sĩ đã sao chép bức chân dung của một thiếu nữ từ cuốn sách của một người du hành. Có thể là công phu của họa sĩ không tồi, khiến vị quốc vương thành bang Chính Cần Nhật Vương không chỉ thích bức tranh này, mà còn yêu người phụ nữ trong tranh.

Không biết vì tơ tưởng ngày đêm hay vì nhân duyên nào khác mà vị quốc vương mộng thấy người phụ nữ này, trong mơ còn tỏ tình với nàng. Kể từ đó, quốc vương kiên quyết tin rằng không chỉ giấc mơ này là có thật, mà cả người phụ nữ trong mơ cũng chân thực tồn tại.

Một trong những người bạn của quốc vương cũng tin rằng giấc mơ của quốc vương là có thật, nên nảy ra một chủ ý, ông tâu với quốc vương, có thể ra lệnh cho người vẽ ra thành bang nơi người phụ nữ trong mộng của quốc vương cư ngụ, vẽ ra bản đồ của thành thị, sau đó thông báo cho mọi người, để họ xác định xem thành thị đó ở đâu, nói không chừng sẽ có thể tìm ra nơi đó. Tìm được thành thị đó, chẳng phải cũng tìm được cô nương trong mộng sao?

Bản đồ được vẽ ngay sau đó, và một người hát rong từ xa đến đã nhìn thấy bản đồ này, sau khi nghe về giấc mơ của quốc vương, liền bắt đầu kể câu chuyện về con gái Oa Đề của quốc vương thành bang Ma La Da. Chuyện kể rằng: Oa Đề trong một giấc mơ có nhận lời tỏ tình kỳ lạ của một người đàn ông, và sau đó Oa Đề quyết tâm chỉ kết hôn với người tình trong mộng.

Chính Cần Nhật Vương lắng nghe cẩn thận câu chuyện về giấc mơ của nàng công chúa, nó giống hệt như những chi tiết trong giấc mơ của ông, địa phương đó, tình tiết mà gặp phải, việc tỏ tình… đều hoàn toàn nhất trí.

Chính Cần Nhật Vương lập tức lên đường đến thành Ma La Da để tìm công chúa, quả nhiên hai người đã quen biết nhau trong mộng. Quả là: duyên đến từ trong mộng, Trời ban hôn nhân. Chính Cần Nhật Vương liền cưới nàng công chúa Oa Đề về nước.

Câu chuyện cổ xưa này dường như chứng minh rằng cổ nhân từ lâu đã tin vào sự tồn tại chân thực của những “giấc mơ chung”. Nếu những giấc mơ chung thực sự tồn tại, liệu hai hay nhiều người có thể tìm ra cách đi vào cùng một mộng cảnh, và tình tiết câu chuyện của phim Inception có thể thành hiện thực?

Theo Epoch Times,
Hương Thảo biên dịch