Ở Ấn Độ, Trung Quốc, và Ai Cập cổ đại hàng nghìn năm về trước, các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu vết của một cuộc hành trình tương tự nhau. Tất cả những nền văn hóa này đều tìm kiếm cách thức biến chì hoặc các chất liệu khác thành vàng, đồng thời đạt được sự bất tử thông qua việc điều khiển và làm thuần tịnh vật chất.

Mặc dù mục đích và quy trình là tương tự nhau, nhưng giả kim thuật tại những đất nước này dường như đã xuất hiện một cách độc lập.

“Vào thế kỷ 2 SCN, các thợ thủ công người Ai Cập ở thành Alexandria là những nhà giả kim đầu tiên từng thử nghiệm biến kim loại thành vàng. Hầu như đồng thời và độc lập, các Đạo sĩ (không phải nhà giả kim thuần túy mà là những người tu luyện trong tôn giáo) coi vàng như một loại thần dược nên họ cũng tìm cách sản xuất nó, không phải để giàu sang, mà để đạt được sự trường sinh bất tử”, nhà châm cứu, TS Joseph P. Hou, đã viết trong cuốn sách “Kỹ thuật trường thọ và mạnh khỏe”.

Cố sử gia, TS Allen G. Debus (1926–2009) cũng từng viết về sự xuất hiện gần như đồng thời và độc lập của giả kim thuật tại các nền văn hóa khác nhau. Ông Debus nhận bằng Tiến sỹ tại Đại học Harvard và trở nên nổi tiếng như một sử gia khoa học. Trong cuốn sách “Giả kim thuật và Hóa học hiện đại thời kỳ đầu” của mình, ông đã viết rằng giả kim thuật đã xuất hiện độc lập không chỉ ở Ai Cập và Trung Quốc, mà còn ở Ấn Độ. Tuy giả kim thuật ở Trung Quốc và Ấn Độ đã cho thấy một số ảnh hưởng lẫn nhau vào một thời kỳ sau này, nhưng TS Debus tin rằng cả hai đã xuất hiện một cách độc lập.

Bố cục một khóa giả kim thuật tại trường Đại học Hawaii đã định nghĩa kỹ thuật cổ đại này như sau: “Giả kim thuật là một nghệ thuật vũ trụ trong đó các các bộ phận của vũ trụ—các bộ phận khoáng chất và động vật—có thể được giải phóng khỏi sự kiềm tỏa của thời gian để đạt được một trạng thái hoàn hảo: vàng trong trường hợp khoáng chất, và sự trường thọ, bất tử, sự chuộc tội trong trường hợp con người. Những sự biến đổi như vậy có thể xuất hiện nhờ sử dụng một loại vật chất có thực như ‘hòn đá phù thủy’ hay thần dược; mặt khác là thông qua các kiến thức mang tính hé mở hay sự giác ngộ tinh thần”.

Trong các văn tự cổ, Hòn đá phù thủy thường được mô tả là có màu đỏ, trong suốt giống thuỷ tinh, nặng hơn vàng, tan trong bất kì dung dịch nào, nhưng không cháy trong lửa, theo Wiki
Trong các văn tự cổ, Hòn đá phù thủy thường được mô tả là có màu đỏ, trong suốt giống thuỷ tinh, nặng hơn vàng, tan trong bất kì dung dịch nào, nhưng không cháy trong lửa, theo Wiki

Giả kim thuật có thể đã xuất hiện trong nhiều nền văn hóa do có mối liên hệ với các lý thuyết phổ quát, TS Debus nhận định. Lấy ví dụ, những lý thuyết này có mối liên hệ với khái niệm bất tử và sự tương quan lúc đầu giữa vàng và trạng thái hoàn mỹ. TS Debus đã phác thảo một số điểm tương đồng và khác biệt trong các nền văn hóa.

Giả kim thuật của người Ai Cập không có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giáo như của người Trung Quốc và của người Ấn Độ. Ở Ai Cập, giả kim thuật mang nhiều tính thực tế hơn là tính huyền bí.

Giả kim thuật của người Trung Quốc và Hy Lạp có một số khía cạnh tương đồng. Nguồn gốc của giả kim thuật ở Hy Lạp chưa được biết rõ, nhưng một giả thuyết cho rằng nó xuất phát từ Ai Cập. Cả người Trung Quốc và người Hy Lạp đều bao hàm yếu tố hít thở [trong quy trình giả kim]. Các nhà giả kim người Hy Lạp sử dụng các nhân tố đất, nước, gió, lửa. Tương tự, giả kim thuật ở Trung Quốc dựa trên nguyên lý ngũ hành, với 5 nhân tố kim, mộc, thủy, hỏa, thổ.

Giả kim thuật của Trung Quốc hướng tới một sự cân bằng giữa âm và dương (âm và dương có liên hệ với nữ giới và nam giới, địa và thiên, và các cặp nhân tố đối nghịch tương tự như vậy). Lấy ví dụ, các nhà giả kim người Trung Quốc đã trộn diêm tiêu, tương trưng cho âm, và lưu huỳnh, tượng trưng cho dương, thành một hỗn hợp được biết đến ngày nay là thuốc súng.

banh to
Bức tranh Bành Tổ nấu thuốc, ông được cho là người có tuổi thọ cao nhất trong lịch sử Trung Quốc

Xem thêm:

Người Hy Lạp cũng nhìn nhận sự trái ngược là một yếu tố quan trọng. Họ thao tác với các nhân tố trái ngược nhau như nóng-lạnh, ẩm-khô, đất-khí, và nước-lửa.

Đối với việc phát hiện ra thuốc súng (từng được sử dụng làm pháo hoa từ rất lâu trước khi dùng trong vũ khí), sự quan sát các phản ứng hóa học trong lĩnh vực giả kim đã góp phần rất lớn trong việc đặt nền tảng cho ngành hóa học hiện đại.

Rất nhiều các kỹ giả kim thuật rốt cuộc đã trở thành bí truyền và mang màu sắc huyền bí.

Đại học Hawaii đưa ra ví dụ về những câu đố của các nhà giả kim: “Con sói xám cắn xé nhà vua, sau đó nó bị chôn trên giàn thiêu, nuốt chửng con sói và hồi sinh nhà vua”. Câu này có thể được diễn giải như sau: “Tách vàng từ hợp kim bằng cách hớt bỏ các sunfua kim loại nhẹ hơn và nướng các hợp kim vàng antimon cho tới khi antimon bay hơi hết, còn lại là vàng nguyên chất”. Bài viết của trường đã lưu ý rằng thông điệp giả kim huyền bí không hề huyền hoặc hơn so với các biệt ngữ hóa học hiện đại; lấy ví dụ, “tiến hành phản ứng dehydrohalogenate hóa các dihalides lân cận với i-ôn anit để cung cấp các alkyne”.

Các nhà khoa học hiện đại, như Isaac Newton, Robert Boyle, và John Locke, cũng là các nhà giả kim. Bill Newman, một nhà sử học tại Đại học Indiana, đã nghiên cứu các công thức được mã hóa bí mật của Newton. Trong trao đổi với kênh NOVA, ông nói: “Nếu bạn quan sát các quyển ghi chú thực nghiệm mà Newton lưu giữ trong khoảng 30 năm, sẽ thật khó để không đi đến kết luận rằng ông đã từng cố gắng tạo ra hòn đá phù thủy”.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: