Ulfberht có thể được xem là một thương hiệu kiếm cao cấp thời Trung Cổ. Nhưng khác với chiếc túi xách Gucci, những thanh kiếm này có chất lượng thượng hạng đến mức gần như… bí ẩn.

Hàng chục những thanh kiếm loại này đã được phát hiện tại châu Âu, cùng với một số bản sao của chúng. Những thanh kiếm Ulfberht được rèn từ loại kim loại vô cùng cứng cáp và tinh khiết đến sửng sốt khiến chúng ta tự hỏi làm thế nào một người thợ rèn kiếm vào thời đó lại có thể chế tác ra một tuyệt phẩm như vậy. Những bản sao này đều được đánh dấu bằng cái tên Ulfberht cùng 2 cây thập tự, nhưng chúng thường thiếu một chữ cái ở đâu đó.

800px-Ufberht_gerade-676x289

Nghiên cứu gần đây đưa chúng ta tiến gần hơn đến nguồn gốc của những thanh kiếm, đến khu lò rèn mà những vũ khí huyền thoại này đã được đúc ra.

“Từng có một giả thuyết cho rằng những thanh kiếm này có thể bắt nguồn từ khu vực Trung Đông hoặc Á châu”.

Từng có một giả thuyết cho rằng những thanh kiếm này có thể bắt nguồn từ khu vực Trung Đông hoặc Á châu, nhưng đáng ngạc nhiên là, dường như các nguyên liệu rèn ra những thanh kiếm đó đã được khai thác ở gần khu vực nơi chúng được tìm thấy, tức là ở Trung Âu.

Cùng thời điểm rèn thanh kiếm Ulfberht (khoảng năm 800-1000 SCN), thì những thanh kiếm phức tạp không kém khác, được rèn từ một loại chất liệu gọi là thép Damascus cũng đang được sản xuất tại khu vực Trung Đông, từ một loại nguyên liệu thô, gọi là thép Wootz, có nguồn gốc từ châu Á. Cả thép Damascus và cái gọi là “thép nồi nung” của kiếm Ulfbehrt đều chứa hàm lượng cacbon cao.

Thành phần cấu tạo phức tạp của thanh kiếm Ulfberht

Cacbon có thể tạo ra hoặc phá hỏng một thanh kiếm; nếu hàm lượng cacbon không được kiểm soát trong một hàm lượng vừa đủ, thanh kiếm sẽ trở nên quá mềm hoặc quá giòn. Nhưng với hàm lượng vừa đủ, cacbon có thể làm lưỡi kiếm trở nên rất kiên cố.

Reconstruction of an ancient sword made with Damascus Steel
Bản sao một thanh kiếm cổ đại làm từ thép Damascus (Ảnh: Wiki)

Kiếm Ulfberht có hàm lượng cacbon cao gấp 3 lần so với những thanh kiếm khác cùng thời. Nó bền chắc hơn nhưng lại cùng lúc dẻo dai hơn hẳn những thanh kiếm khác, đồng thời cũng có trọng lượng nhẹ hơn. Nó cũng gần như không chứa tạp chất, được gọi là xỉ. Điều này tạo điều kiện cho một sự phân bổ hàm lượng cacbon đồng đều hơn trong thành phần thanh kiếm.

“Trước khi thanh kiếm Ulfberht được phát hiện, người ta vẫn cho rằng khả năng loại bỏ xỉ đến một mức độ như vậy chỉ trở thành hiện thực trong cuộc Cách mạng công nghiệp”.

Quặng sắt phải được nung nóng đến khoảng 1650 độ C để đạt được điều này, và đây là một kỳ tích mà các thợ rèn kiếm Ulfberht rõ ràng đã đạt được 800 năm trước thời đại.

Với nỗ lực lớn và độ chính xác cao, người thợ rèn hiện đại Richard Furrer từ bang Wisconsin, Mỹ đã rèn được một thanh kiếm có chất lượng tương đương Ulfberht bằng cách sử dụng công nghệ sẵn có vào thời Trung Cổ. Ông cho biết đây là thứ phức tạp nhất ông từng chế tạo, và ông đã sử dụng các phương pháp mà chúng ta cho rằng người thời đó chưa biết đến.

swords-Ulfberht-1
Thanh kiếm Ulfberht (Ảnh: Martin Kraft/Wikimedia Commons)
swords-Damascus-1
Một thanh kiếm được làm từ thép Damascus. (Ảnh: NearEMPTiness/Wikimedia Commons)

Thành phần cấu tạo phức tạp của thép Damascus

Bí quyết chế tạo thép Damascus của Trung Đông chỉ xuất hiện trở lại nhờ có kính hiển vi điện tử quét trong các phòng thí nghiệm hiện đại. Loại thép này được sử dụng lần đầu tiên vào khoảng năm 300 TCN và kiến thức về nó dường như đã thất lạc một cách khó hiểu vào khoảng giữa thế kỷ 18.

Công nghệ nano đã được sử dụng khi các chất liệu được thêm vào trong quy trình sản xuất thép để tạo ra các phản ứng hóa học ở cấp độ lượng tử, chuyên gia khảo cổ học K. Kris Hirst giải thích trong một bài báo viết cho trang About Education. Đây là một hình thức giả kim thuật.

“Các chất liệu đã được thêm vào trong quy trình sản xuất thép để tạo ra các phản ứng hóa học ở cấp độ lượng tử.”

Ông Hirst trích dẫn một nghiên cứu dẫn đầu bởi Nhà tinh thể học, Giáo sư Peter Paufler từ Đại học Dresden và đã được công bố trên tạp chí Nature vào năm 2006. GS Paufler và nhóm của ông đưa ra giả thuyết cho rằng các đặc tính tự nhiên của chất liệu nguồn từ châu Á (thép Wootz), khi kết hợp với các chất liệu được thêm vào trong quy trình sản xuất kiếm tại Trung Đông, đã tạo ra một phản ứng: “Kim loại này đã hình thành một cấu trúc vi mô gọi là ‘những ống nano cacbua’; đây là những ống carbon vô cùng bền vững trên bề mặt có khả năng tạo độ cứng cho lưỡi kiếm”, ông Hirst giải thích.

Nguyên liệu thêm vào trong quy trình sản xuất thép Damascus bao gồm vỏ cây quế auriculata, hoa bông tai, vanadi, crôm, mangan, coban, niken, và một số nguyên tố hiếm, những nguyên liệu này có lẽ có xuất xứ từ các khu mỏ ở Ấn Độ.

Forging of Damascus Steel in Solingen
Rèn thép Damascus ở vùng Solingen (Ảnh: Wiki)

“Điều đã xảy ra vào giai đoạn giữa thế kỷ thứ 18 là thành phần hoá học của nguyên liệu thô đã biến đổi—hàm lượng nhỏ của một hoặc nhiều loại khoáng chất đã biến mất, có lẽ do một mạch quặng nào đó đã bị cạn kiệt”, Hirst viết.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới đây, kiếm Ulfberht không có quan hệ gì đến các khu mỏ ở Ấn Độ, thép Wootz, hoa bông tai hay các xưởng rèn ở Trung Đông.

Tại nơi khởi nguồn?

Trong cuộc trao đổi với tờ báo địa phương Süd Deutsche vào tháng 10/2014, Robert Lehmann, một nhà hóa học tại Viện Hóa học Vô cơ thuộc trường Đại học Hannover, Đức đã tuyên bố rằng nguyên liệu rèn nên thanh kiếm Ulfberht “chắc chắn không có xuất xứ từ phương Đông”.

Ông đã nghiên cứu một thanh kiếm Ulfberht được tìm thấy vào năm 2012 trên một đống sỏi khai quật được ở sông Weser, và con sông này chảy qua bang Lower Saxony ở phía tây bắc nước Đức. Lưỡi gươm này chứa hàm lượng mangan cao, từ đó cho Lehmann biết rằng nó không có nguồn gốc từ phương Đông.

“Phần mạ chì của bộ phận núm tròn ở chuôi kiếm có xuất xứ từ một địa điểm trong vùng Taunus, ngay phía bắc thành phố Frankfurt, Đức”.

A photo taken in the Taunus region of Germany. (Chris Küm/Wikimedia Commons)
Một bức ảnh chụp tại vùng núi Taunus ở Đức. (Ảnh: Chris Küm/Wikimedia Commons)

Đốc kiếm (phần kim loại chắn giữa chuôi kiếm và lưỡi kiếm) được làm từ sắt có chứa hàm lượng thạch tín cao, biểu thị nguồn gốc xuất xứ từ một mỏ khoáng sản ở châu Âu. Bộ phận núm tròn ở chuôi kiếm được bọc trong một tấm hợp kim thiếc-chì. Trong các nghiên cứu trước đây, ông Lehmann đã biên soạn một tấm bản đồ ghi chú địa điểm các mỏ đồng vị chì ở Đức, cho phép ông xác định rằng phần mạ chì của bộ phận núm tròn ở chuôi kiếm có xuất xứ từ một khu vực ở vùng Taunus, ngay phía bắc thành phố Frankfurt, Đức. Dường như lớp chì này không được khai thác và vận chuyển đến một địa điểm nào khác để chiết luyện, vì các mỏ khoáng sản đã bị khai thác số lượng lớn vào thời La Mã.

Điều này cho thấy thanh kiếm được rèn đúc gần nguồn khai thác, mang các nhà nghiên cứu tiến gần hơn với thanh kiếm Ulfberht bí ẩn —nếu đây thực sự là tên của người thợ rèn kiếm hoặc của một nhân vật nào đó có liên hệ đến thanh kiếm này. Tuy một số tu viện trong khu vực Taunus được cho là nơi sản xuất vũ khí vào thời đó, nhưng cái tên Ulfberht không xuất hiện trong sổ sách của họ.

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch

Xem thêm: