Khoa học phát triển khiến vị thế của nó ngày càng gia tăng trong nền y học thế giới. Tuy nhiên, các phương pháp trị bệnh của Trung y cổ đại đang dần khôi phục và được công nhận trong vài thập kỷ qua ở phương Tây như là phương pháp điều trị thay thế và bổ sung.

Và các danh y thời Trung Hoa cổ được coi là những nhà tiên phong phát minh ra “Thuốc” và cách trị bệnh vô cùng kỳ diệu.

“Thuốc” thảo mộc và trị bệnh bằng châm cứu

Cách đây hàng ngàn năm, người Trung Hoa cổ đại đã sử dụng nhiều biện pháp tự nhiên, một trong số đó bao gồm thảo mộc tự nhiên và châm cứu, đã có công dụng trong việc chữa trị bệnh triệt để hơn hẳn công nghệ y học hiện đại ngày nay. Họ chế ra được dược phương để trị bệnh, mà ngày nay Tây y gọi là Thuốc.

Thuở ấy, mục tiêu của Trung Quốc là để tìm ra một loại thuốc trường sinh bất tử cho các bậc hoàng đế. Trong cuộc tìm kiếm ấy, họ đã chế tạo ra một hỗn hợp của sự pha trộn giữa dược phương thảo mộc và kim loại mà người Trung Quốc cổ đại tin rằng sẽ làm cho bạn sống vĩnh cửu.

Người Trung Quốc thuở xưa đã học cách trồng thảo dược và nuôi động vật cách đây 4.000 năm. Họ trồng thảo mộc ở địa hình đồi núi và ruộng bậc thang hẹp hay trên những cánh đồng rộng bạt ngàn. Để cắt các loại thảo mộc từ cánh đồng, họ đã sử dụng một con dao bằng gỗ, được gọi là Leem.

Các loại thảo mộc được người nông dân chuyển tới các y sư hay dược phương để phân loại thảo mộc rồi phơi nắng. Sau khi phơi khô trong một vài giờ, họ sấy khô rồi ngâm vào nước lạnh. Tiếp theo, họ nghiền thảo mộc thành bột bằng một thanh trụ bằng gỗ rồi trộn với ít nước và khuấy thành chất lỏng.

Các y học gia cổ đại Trung Quốc thường dùng các phương thuốc từ tự nhiên dùng để chữa bệnh. (Ảnh: Đại Kỷ Nguyên)

Một số loại thảo dược được phân loại thành thuốc để uống, số khác được được xếp vào loại để bôi da nếu bị bệnh về da hay gãy xương. Đó là cách họ làm đối với một số loại thuốc thảo dược.

Các y điển Trung Hoa đã mô tả cơ thể con người giống như một tiểu vũ trụ, mà mỗi bộ phận cơ thể tượng trưng cho Mặt trời, Mặt trăng, tinh tú, núi non, sông ngòi, thảo mộc, v.v…

Người Trung Quốc tin rằng có hai linh hồn rồng có thể ở trong trái tim bạn, rồng đen và rồng trắng. Linh hồn rồng đen đại diện cho cái ác, còn linh hồn rồng trắng thể hiện sự vĩnh cửu và may mắn. Trong trái tim mỗi người đều có một trong hai màu đen hoặc trắng ngự trị ở đó. Để biết bạn có linh hồn rồng trắng hay đen, các y sư phải kiểm tra lưỡi của bạn.

Theo y học cổ truyền Trung Hoa, “xem lưỡi” có thể giúp chuẩn đoán mức độ nông sâu, nặng nhẹ của bệnh tật. Người Trung Quốc cổ đại tin rằng nếu lưỡi có màu vàng, điều đó có nghĩa là bạn đang có rắc rối về hệ tiêu hóa, viêm loét dạ dày.

Nếu có màu xám đen nghĩa là bị phù nề, cổ trướng ở vùng bụng. Nếu lưỡi có màu tím, là biểu hiện của chứng huyết ứ trong tim. Biểu hiện màu sắc đó đại diện cho linh hồn rồng đen.

Nếu lưỡi màu đỏ nghĩa là cơ thể của bạn khỏe mạnh. Dựa trên cách chẩn đoán này, các danh y Trung Quốc thuở xưa đã khám phá ra một cách để đuổi linh hồn rồng đen thông qua việc xử lý nhiệt.

Việc xử lý nhiệt là một cách điều trị khác được sử dụng ở Trung Quốc cổ đại. Theo truyền thuyết, Hoàng Đế là cha đẻ của châm cứu. Trong Hoàng Đế Nội Kinh, thân thể gồm 12 kinh mạch và nguồn sinh lực là khí lưu thông qua chúng. Nội Kinh còn mô tả 10 kinh mạch nối liền lục phủ ngũ tạng đến da. Trên da có các huyệt vị mà ta có thể dùng kim châm (gọi là châm huyệt) hay đốt ngải cứu.

Các điểm châm cứu trên cơ thể người. (Ảnh: quanttes.org.rs)

Đối với quá trình này, các y sư sẽ đặt một kim trong da và đốt ngải cứu, một loại thảo dược. Sức nóng từ lửa được truyền qua kim và đưa vào cơ thể. Nếu bạn có linh hồn rồng đen, người Trung Quốc tin rằng việc xử lý nhiệt có thể làm cho nó biến mất.

Truyện của thần y Biển Thước cho ta thấy ông đã dùng kim (châm) và đá quý (ngọc thạch) để trị bệnh về máu huyết. Hoàng Đế Nội Kinh, nhất là phần Linh Khu – bàn nhiều về châm cứu, do Linh Khu ngày xưa cũng có tên là Châm Kinh.

Các đại danh y thời Trung Hoa cổ đại

1. Thần Nông (khoảng 2000 TCN)

Thần Nông được coi là người đầu tiên dùng cây cỏ làm thuốc chữa bệnh và cũng là người đã phát minh ra bộ thuốc thảo dược đầu tiên. Ông đã lập ra một biểu đồ đầy đủ các loại thảo mộc cũng như cách sử dụng chúng. Sau này những bài thuốc quý hiếm đã được danh y Đào Hoằng Cảnh (456-536) ghi chép tập hợp lại.

Theo các tích cổ ghi chép rằng, Thần Nông không chỉ là ông tổ nông nghiệp, mà còn là một phương sĩ lừng danh trong việc khám phá ra các bài thuốc đặc trị từ thảo mộc. Ông đã tìm ra được hàng trăm vị thuốc tổng hợp từ khoáng vật, cây cối và động vật. Thần Nông tự mình nhận dạng hàng trăm loại dược thảo và độc thảo bằng cách tự mình nếm thử để tìm hiểu tính chất của chúng. Chính ông là người đặt định ra sự phát triển của y học cổ truyền Trung Hoa.

Thần Nông được coi là người đầu tiên khám phá ra các bài thuốc đặc trị từ thảo mộc để trị bệnh. (Ảnh: clearharmony.net)

Những tính năng và hiệu quả trị bệnh của Linh chi và Trà được cho là do Thần Nông tìm ra. Năm 2737 TCN, trong một lần ông đang đun nước, những chiếc lá chè trên cành trà bị thiêu cháy vô tình bị gió cuốn rơi vào vạc nước đang sôi của Thần Nông và ông đã tìm ra vị thuốc giải độc từ sự vô tình này. Thần Nông được tôn kính như là ông tổ của y học Trung Hoa cổ đại.

2. Đào Hoằng Cảnh (452-536)

Đào Hoằng Cảnh sinh ra ở Moling nay là Giang Tô. Ông là một văn sĩ, nhà giả kim, nhà thiên văn học và là một y sư nổi tiếng thời Tây Hán (456-536). Ông chia sẻ mối quan tâm với dược điển và dược phẩm trong một công trình nghiên cứu dược lý chính: “Bencao jing jizhu” (Thu thập đánh giá các dược liệu y học). Đây được coi là văn tự quan trọng về Y dược của triều đại nhà Hán.

Đào Hoằng Cảnh cũng là người sưu tầm và biên soạn tổng hợp kiến ​​thức về các loại thảo mộc của Thần Nông trong cuốn Thần Nông Bản thảo kinh.

Đây là cuốn dược điển cổ nhất của Trung Quốc vẫn còn tồn tại, luận bàn 365 loại dược vật, 252 loại thực vật, 67 loại động vật, và 46 loại khoáng vật. Trong Thần Nông Bản Thảo Kinh, Đào Hoằng Cảnh liệt kê các dược tính của dược liệu tương tự theo hệ thống hành chính trong vương quốc.

Đào Hoằng Cảnh là một trong số những nhà khoa học đầu tiên của nhân loại. (Ảnh:sciencesource.com)

Dược liệu phân làm ba hạng: Thượng, trung, hạ, mỗi hạng có chức năng vua hay bề tôi. Thuốc nào làm khang kiện thân thể và ích thọ diên niên thì xếp vào loại “thuốc vua”, thuốc nào chỉ có tác dụng trị bệnh đơn giản thì xếp vào loại “thuốc bầy tôi”.

Những nhận xét, bình luận của ông cùng với việc phân loại chúng một cách rất khoa học vẫn được giới Y học ngày nay áp dụng. Nhà thần học Roger Greatrex đã mô tả Đào Hoằng Cảnh là “một trong số những nhà khoa học đầu tiên của nhân loại”, người đã thực hiện rất nhiều quan sát về hiện tượng tự nhiên, rồi đem thử nghiệm để biểu thị hiệu quả y học trên các vât liệu y dược.

3. Trâu Diễn (324-250 TCN)

Trâu Diễn là một dược phương nổi tiếng trong thời Chư Tử Bách Gia, là người khởi xướng nên thuyết ngũ hành, âm dương. Nhà nghiên cứu người Anh Joseph Needham đã gọi Trâu Diễn là “Người sáng lập thực sự của tất cả tư tưởng khoa học Trung Quốc”.

Trâu Diễn hình thành nên học thuyết mà theo cách nghĩ của ông là nguyên nhân gây ra bệnh. Ông tin rằng giống như hai mặt đối lập của cuộc sống, khí âm và dương xuyên suốt trong cơ thể. Ông nói rằng các bệnh phát sinh là do khí âm hoặc khí dương mất cân bằng.

Trâu Diễn là người hình thành nên học thuyết Âm Dương. (Ảnh: Alchetron)

Suốt thời Chiến Quốc, học thuyết âm dương của ông đã mô tả tính chất lưỡng diện (nhị nguyên) trong cơ thể: Trong-ngoài, trên-dưới, nóng-lạnh, v.v… và bổ sung thêm sự tương tác của thuyết ngũ hành: Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ.

Khi được vận dụng để trị bệnh, ngũ hành phải tương thích với các yếu tố như tứ thời, mầu sắc, tình cảm, ngũ tạng, các chức năng sinh lý, cũng như là các kinh lạc châm cứu. Sau này, nhiều bác sĩ ở Trung Quốc đã “biến thể” ra nhiều cách điều trị để làm Âm và Dương cân bằng trong cơ thể, đây là cách điều trị khá phổ biến và vẫn được áp dụng cho đến ngày nay.

Châm cứu là cách điều trị, không liên quan đến bất kỳ loại thuốc nào. Người Trung Hoa tin rằng, nếu đặt kim vào những chỗ bị bệnh, Âm và Dương sẽ được cân bằng, sẽ giảm đau và tiêu trừ bệnh.

Trâu Diễn đã biến thuốc thành một môn khoa học và hệ thống phân loại chúng thành hai loại: “Bốn linh hồn” và “Năm Vị”. Nếu bất kỳ loại thuốc nào làm cho cơ thể phản ứng lạnh hoặc nóng, ấm áp hoặc mát mẻ sẽ thuộc nhóm “Bốn linh hồn”. Nếu loại thuốc có vị chua, cay, đắng, nóng, ngọt hoặc mặn sẽ nằm trong nhóm “Năm vị”.

4. Biển Thước (410 TCN)

Khởi đầu của việc phát minh ra thuốc trị bệnh chính là người Trung Hoa cổ đại. Rất nhiều phương sĩ, dược phương đã miệt mài tìm kiếm các phương thuốc cho các bậc đế vương để trở nên bất tử. Một trong số đó là lương y Biển Thước đã giúp một vị thế tử hồi sinh.

Biển Thước sinh thời vào khoảng năm 410 TCN, tại Mạc Châu nay là tỉnh Hà Bắc. Căn cứ vào kinh nghiệm dân gian và kinh nghiệm nhiều năm làm nghề của mình, Biển Thước đúc kết ra phương pháp chẩn bệnh cổ truyền gọi là Tứ chẩn: Vọng (quan sát), văn (nghe), vấn (hỏi han), và thiết (bắt mạch). Tư Mã Thiên chép truyện Biển Thước trong Sử Ký đã kể rằng thần y Biển Thước thời Chiến Quốc đã biết “thiết mạch, vọng chẩn, thính thanh, vấn chẩn” rồi.

Biển Thước được cho là có thuật “cải tử hoàn sinh”. (Ảnh: Ancient Pages)

Ngoài việc vận dụng thành thạo “tứ chẩn” để đoán bệnh, Biển Thước sử dụng nhiều biện pháp trị liệu như châm kim đá, châm cứu, xoa nóng, xoa bóp, mổ xẻ, cho uống thuốc v.v…và dần dần trở nên nổi tiếng vì tài chữa bệnh của ông quá kỳ diệu.

Có giai thoại kể rằng, trong một lần đưa học trò đến nước Quách nay là tỉnh Thiểm Tây để làm thuốc, ông nghe tin thế tử nước này qua đời và xin đến thăm viếng. Thế tử đã chết vài tiếng, nhưng qua quan sát Biển Thước thấy cánh mũi còn động đậy và chân còn ấm nên chẩn đoán rằng: “Thế tử mắc chứng “thi quyết” (chết giả), có thể cứu sống được”.

Ông bèn châm kim vào các huyệt chủ yếu trên cổ tay và đùi của Thế tử, rồi sai học trò Tử Minh làm ngải cứu, Cốc Tử đổ thuốc thảo mộc vào miệng, Tử Dung xoa bóp không ngừng tay. Hồi lâu, Thế tử ra khỏi hôn mê, dần dần tỉnh lại. Biển Thước lại dùng thuốc dán dưới hai nách, bệnh nhân ngồi dậy được ngay.

Việc trị bệnh tài tình của ông khiến người đời coi Biển Thước như thần tiên, cho rằng ông có thuật “cải tử hoàn sinh”. Biển Thước khiêm tốn giải thích: “Không phải tôi cứu sống người chết, mà người bệnh vốn chưa chết, tôi chỉ cứu người bệnh khỏi cơn hấp hối mà thôi”.

5. Lý Thời Trân (1518-1593)

Văn tự Trung Quốc ghi rằng, Lý Thời Trân là một trong những danh y và dược sĩ nổi tiếng nhất trong nền y học cổ truyền Trung Hoa. Ông là tác giả của cuốn Bản thảo cương mục (1578), viết về công dụng trong đông y của các loại thảo dược, dược liệu Trung Hoa.

Đây được coi là cuốn bách khoa toàn thư về y dược đông y Trung Quốc, sưu tập và tăng bổ 952 nguồn tư liệu xa xưa về lĩnh vực y, dược, khoáng vật, dã kim, thực vật, và động vật. Lý Thời Trân mô tả cách trị liệu cổ truyền của các dược thảo, động vật, khoáng vật. Ông mô tả ngoại hình của chúng, cách nuôi trồng, cách bào chế, các dược tính cũng như sự tương cận dược liệu này với các dược liệu khác, tính Âm và Dương và mức độ hiệu quả khi sử dụng chúng…

Lý Thời Trân là một trong những danh y nổi tiếng nhất Trung Hoa cổ đại. (Ảnh: Cchatty)

Để biết rõ hình trạng, tính chất, mùi vị, công hiệu… của các loại thảo dược, dược liệu đông y, ông đã đi điền dã bốn phương, sưu tầm khắp thâm sơn cùng cốc và từ đó liệt kê ra được 1.892 loại thảo mộc và 11.096 đơn thuốc trong sách cũng như sửa chữa sai lầm trong một số loại thuốc sử dụng.

Bộ y điển này được tái bản liên tục, lan truyền nhanh sang Nhật Bản và Triều Tiên. Hiện đã được dịch một phần hoặc toàn phần ra các ngôn ngữ Nhật, Triều Tiên, Latin, Anh, Pháp, Đức. Ông cũng được coi là một trong các nhà tự nhiên học vĩ đại nhất tại Trung Quốc khi phân loại chính xác các thành phần thảo mộc được sử dụng trong y học.

Xuân Trường