Để bảo vệ dữ liệu lưu trữ trong các thiết bị điện tử, các nhà khoa học đã phát triển loại vi mạch có thể tự bốc hơi dưới tác động của sóng vô tuyến ở một tần số nhất định.

Nếu một thiết bị điện tử có chứa thông tin nhạy cảm rơi vào tay kẻ xấu, cách tốt nhất để bảo vệ dữ liệu bên trong thiết bị đó là vô hiệu hóa nó từ xa. Và đây là lý do tại sao các nhà khoa học từ Đại học Cornell và Honeywell Aerospace, Hoa Kỳ đã phát triển một kỹ thuật làm bốc hơi các mạch điện tử.

Được dẫn dắt bởi Ved Gund của Cornell, nhóm nghiên cứu đã tạo ra một vi mạch silicon-dioxide tích hợp trong một lớp vỏ polycarbonate mỏng. Trên lớp vỏ có các lỗ hổng cực nhỏ với chất đồng vị phóng xạ rubidium và nguyên tố sodium. Khi vỏ chịu tác động bởi một sóng vô tuyến có tần số nhất định, các van nhỏ giữa các lỗ hổng mở ra, cho phép các hóa chất trộn lẫn và gây nên phản ứng.

Một lớp vỏ polycarbonate dày 125 microns, sau một bài kiểm tra bốc hơi. (Ảnh: Search for The Good)

Ved Gund cho biết: “Rubidium trong các lỗ nhỏ sẽ bị ô-xy hóa mạnh mẽ, giải phóng nhiệt để làm bốc hơi vỏ polycarbonate và phân hủy các natri bifluoride”

Không giống như một số sản phẩm thử nghiệm trước đây, để tạo ra cái gọi là “điện tử tức thời” thì phiên bản này không dùng nước và cũng không cần một bộ phận tạo nhiệt để làm nóng đến nhiệt độ yêu cầu.

Cùng với các ứng dụng như bảo vệ dữ liệu, người ta hy vọng rằng công nghệ này cũng có thể được dùng trong cảm biến môi trường hoặc một số thiết bị điện tử khác có thể tự bốc hơi bằng những tác động từ xa sau khi chúng không còn cần thiết nữa.

Sơn Tùng