Công ty Stelia Aerospace (Pháp) vừa công bố tấm in 3D đầu tiên để minh chứng cho khả năng chế tạo thân vỏ máy bay bằng kỹ thuật in 3D vừa tiết kiệm chi phí, thời gian và thân thiện môi trường hơn.

Sản xuất máy bay chở khách bằng công nghệ in 3D
Sản xuất máy bay chở khách bằng công nghệ in 3D

Công ty Stelia Aerospace tin rằng in 3D có thể ứng dụng rộng rãi trong chế tạo máy bay. Công ty có trụ sở tại Pháp đã công bố tấm thân máy bay đầu tiên được in 3D với nhiều ưu thế đặc biệt.

Sản xuất trong lĩnh vực hàng không vũ trụ là một công việc phức tạp, tốn kém và mất nhiều thời gian, liên quan đến hàng trăm ngàn bộ phận, tất cả phải được lắp ráp với nhau và luôn tiềm ẩn nguy cơ cao về sai hỏng và mất an toàn.

Hợp tác với các nhà nghiên cứu, Stelia đã đưa ra một mẫu thân máy bay đơn giản hơn nhưng có khả năng tự gia cường. Tấm mẫu này có diện tích 1m2, được chế tạo bởi một robot lập trình sử dụng một quy trình độc quyền gọi là WAAM. Điều này cũng tương tự như kỹ thuật in 3D làm nóng chảy sợi nhựa và làm nguội để tạo nên một vật thể. Trong trường hợp này, nhựa được thay bằng dây nhôm bị nấu chảy bằng hồ quang điện.

Sản xuất máy bay chở khách bằng công nghệ in 3D
Sản xuất máy bay chở khách bằng công nghệ in 3D

Stelia cho rằng tấm thân máy bay mới sẽ mở ra khả năng sản xuất các bộ phận khác bằng in 3D đồng thời giảm độ phức tạp của chúng. Ngoài ra, quy trình này giảm thiểu tác động đến môi trường, tiết kiệm vật tư và chi phí.

Cédric Gautier, Giám đốc điều hành của Stelia Aerospace cho biết: “Với chương trình sản xuất 3D này, Stelia Aerospace sẽ cung cấp cho khách hàng các thiết kế sáng tạo cho tất cả các bộ phận của máy bay. Thông qua bộ phận nghiên cứu phát triển và các đôi tác, Stelia Aerospace đang chuẩn bị tương lai của ngành hàng không, nhằm phát triển các công nghệ sáng tạo hơn và sẽ trực tiếp tác động đến hoạt động kinh doanh cốt lõi của chúng tôi”.

Vũ Dũng