Ngày 27/9 hàng năm được chọn làm ngày sinh nhật của Google. Không ai biết lý do tại sao nhưng hôm nay Google đã tròn 20 tuổi, bước sang tuổi 21.

hom nay moi la sinh nhat google cung nhin lai lich su 20 nam ga khong lo thong tri internet
Hôm nay mới là sinh nhật Google. (Ảnh: The Verge)

Tên miền của Google được đăng ký từ 15/9/1997, nhưng đến 4/9/1998, công ty mới được thành lập tại Mỹ. Vào năm 2013, Google lựa chọn 27/9 là ngày sinh nhật, dù trước đó công ty đã chọn những ngày khác. Không ai biết lý do vì sao Google chọn ngày này.

Đến bây giờ nhiều người vẫn nhầm ngày sinh nhật của Google là 4/9 hoặc 15/9. Nhưng không, chắc chắn ngày 27/9 mới là ngày đúng vì nhiều năm nay cứ đến ngày này Google lại cập nhật hình ảnh doodle trên trang chủ để kỷ niệm sinh nhật của mình.

Không có công ty nào ảnh hưởng đến cách chúng ta dùng Internet nhiều như Google. Khởi đầu của công ty là một bộ máy tìm kiếm các cuốn tiểu thuyết. Trải qua hai thập kỷ phát triển, giờ đây Google có tới 8 sản phẩm mà lượng người dùng đạt hơn 1 tỷ. Rất nhiều người chúng ta sử dụng phần mềm của Google để tìm kiếm kho tàng tri thức của loài người, giao tiếp, làm việc, nghe nhìn và khám phá thế giới rộng lớn của Internet. Hôm nay, hãy cùng điểm lại những cột mốc đáng nhớ của gã khổng lồ này nhé.

08/1996: Larry Page và Sergey Brin ra mắt bộ máy tìm kiếm Google trên hệ thống mạng nội bộ của đại học Standford

Dự án này ban đầu có tên là BackRub, do Larry Page, một sinh viên ngành khoa học máy tính tại ĐH Standford khởi xướng. Sau đó, anh này gặp một sinh viên cùng ngành tên là Sergey Brin. Hai người quen biết nhau khi Page đang nghiên cứu hành vi liên kết (link) của các trang web trên Internet. Page đã nghĩ tới việc tạo ra một bộ máy có thể quét toàn bộ môi trường Internet để tìm xem những trang web nào đang được link với nhau, và cho rằng thuật toán này có thể tạo ra một bộ máy tìm kiếm kiểu mới.

Kết hợp khả năng toán học của Brin, 2 người đã tạo ra thuật toán PageRank, gọi theo tên của Page, để xếp hạng các kết quả tìm kiếm dựa trên những liên kết đến trang web đó. Hai công nghệ này đã đặt nền tảng cho bộ máy tìm kiếm mạnh mẽ nhấtt thế giới thời điểm đó, và sau đó được phát hành trên mạng nội bộ của đại học Standford vào tháng 8 năm 1996.

04/09/1998: Google nhận được đầu tư $100.000

Lấy cảm hứng từ số lượng liên kết khổng lồ giữa các trang web, kết quả trả về của bộ máy tìm kiếm càng chính xác khi số lượng các trang web càng nhiều lên, Page và Brin đã đặt tên công ty của họ theo một thuật ngữ toán học là ‘googol’ (nghĩa là 10^100). Hai nhà sáng lập chuyển trụ sở tới ga-ra của Susan Wojcicki (người sau này trở thành CEO của Youtube ở Menlo Park, California). Vì tên miền googol.com đã có người đăng ký trước, vì thế hai người lấy tên công ty là Google. Ngày 4/9/1998, công ty nhận được số tiền đầu tư $100.000 từ nhà đồng sáng lập Sun Microsystems, Andy Bechtolsheim.

08/2001: Schmidt làm "người lớn giám hộ"

hom nay moi la sinh nhat google cung nhin lai lich su 20 nam ga khong lo thong tri internet

Năm 2001, Page và Brin chiêu mộ Eric Schmidt về điều hành Google. Brin cho rằng, công ty mới thành lập được vài năm nhưng đang trên đà phát triển rất nhanh nên cần một người lãnh đạo đủ kinh nghiệm, nói theo cách của Brin thì đó là "người lớn giám hộ". Schmidt từng có kinh nghiệm trong lĩnh vực công nghệ. Ông đã từng làm giám đốc kĩ thuật (CTO) của Sun Microsystems, sau đó là CEO của Novell.

Ông tham gia hàng ngũ lãnh đạo Google với cương vị chủ tịch vào tháng 3 năm 2001 và sau đó trở thành CEO của công ty vào tháng 8. Schmidt giữ vị trí này trong 10 năm, chứng kiến gã khổng lồ IPO vào năm 2004, thâu tóm Youtube, ra mắt Google Docs và Gmail. Năm 2011, ông chuyển sang vai trò chủ tịch điều hành, nhường ghế CEO lại cho Larry Page. Lúc ra đi, Schmidth đã thông báo sự thay đổi này bằng một dòng tweet “Công ty không cần một người lớn giám hộ nữa vì công ty đã đủ cứng.”

Mùa hè năm 2002: Yahoo đã cố mua lại Google với giá 3 tỷ đô nhưng thất bại

Trước khi Google xuất hiện, đã có Yahoo. Khi bắt đầu trở nên phổ biến, Google thậm chí còn cung cấp cả dịch vụ tìm kiếm cho Yahoo vào năm 2000. Mùa hè năm 2002, Yahoo đã cố gắng mua lại Google với giá 3 tỷ đô nhưng Google đã từ chối vì họ cho rằng giá trị công ty đạt ít nhất 5 tỷ đô.

Không lâu sau đó, Google ra mắt Google News, một dịch vụ tổng tợp nội dung theo nhu cầu của mỗi cá nhân. Dịch vụ này đã thay đổi cách thức các nội dung số được xuất bản và phân phối trên mạng. Hiện tại, Google và công ty mẹ của nó là Alphabet có giá trị vốn hóa thị trường là 840 tỷ đô. Trong khi đó, Yahoo đã phải bán mình cho nhà mạng Verizon năm 2017 với giá chỉ 5 tỷ đô.

07/2003: Google chuyển trụ sở tới Google plex

Công ty phát triển nhanh, đội ngũ nhân viên Google lúc này đã đạt đến con số 1000. Để có đủ không gian làm việc cho đội ngũ nhân viên, Google đã thuê một khu phức hợp các tòa nhà ở 1600 Amphitheatre Parkway. Khu này sau đó được đổi tên thành Googleplex, khuôn viên lớn nhất của công ty sau nhiều lần mở rộng và mua thêm một số tòa nhà khác.

01/04/2004: Gmail ra mắt với 1GB lưu trữ.

Năm 2001, kĩ sư Paul Buchheit được Google giao nhiệm vụ phát triển một sản phẩm email để đáp ứng nhu cầu giao tiếp nội bộ và lưu trữ đang tăng nhanh. Buchheit, người từng có kinh nghiệm làm các hệ thống email nền web vào những năm 90, đã quyết định xây dựng một hệ thống phía client nhanh hơn, phản hồi tốt hơn sử dụng công nghệ Ajax (một công nghệ cho phép phía client nhận thông tin từ server mà không phải tải lại trang). Ngày 1 tháng 4 năm 2004, Gmail ra mắt công chúng với 1GB lưu trữ và khả năng tìm kiếm nâng cao, xóa bỏ những giới hạn mà những hệ thống email thời ấy gặp phải, đó là chỉ có vài MB lưu trữ. Sản phẩm được công bố vào ngày 1 tháng 4 khiến nhiều người tưởng đây là một trò đùa cá tháng Tư nhưng không phải vậy.

19/08/2004: Google IPO

hom nay moi la sinh nhat google cung nhin lai lich su 20 nam ga khong lo thong tri internet

Sau khi nhận được $100.000 đô từ Bechtolsheim, Google tiếp tục nhận được một loạt các khoản đầu tư khác, bao gồm một khoản từ nhà sáng lập và CEO của Amazon Zeff Bezos. Năm 1999, nhận thấy tiềm năng, các doanh nghiệp kinh doanh vốn ở thung lũng Silicon tiếp tục rót vào Google 25 triệu đô la nữa. Cộng thêm lợi nhuận khổng lồ từ mảng quảng cáo, 5 năm sau công ty quyết định phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Google định giá cổ phiếu của của mình ở mốc $85/cổ phiếu, đưa giá trị công ty tăng 1,7 tỷ đô thành 27 tỷ đô thời điểm đó. Ngày nay, công ty đang phát triển tốt trên đà tiến tới giá trị $1000 tỷ.

08/02/2005: Google Maps ra mắt

Google cho biết "bản đồ có thể hữu ích và thú vị" khi lần đầu tiên giới thiệu Maps vào năm 2005. Lúc đó Google phải hướng dẫn người dùng từng thao tác sử dụng như phóng to, thu nhỏ, tìm kiếm, v.v. Bây giờ tất cả người dùng đã quen với những thao tác đó. Năm 2009, Google tung ra tính năng GPS và Maps trở nên thực sự hữu ích trên điện thoại thông minh.

27/01/2006: Google phát hành công cụ tìm kiếm ở Trung Quốc

Để có thể cạnh tranh tốt hơn với công cụ tìm kiếm của người Trung Quốc là Baidu, năm 2006, Google quyết định thành lập công ty con tại đây. Những kết quả tìm kiếm tại thị trường này được kiểm soát chặt chẽ theo yêu cầu của chính phủ Trung Quốc.

09/10/2006: Google mua lại Youtube

Sau khi đánh bại các công ty khác như Microsoft, Viacom, và Yahoo, Google đã mua được Youtube với giá 1,65 tỷ đô. Thương vụ này có lợi cho cả đôi bên: Google chiến tháng trong cuộc chiến video online, và Youtube – chỉ mới 1 tuổi vào thời điểm đó – nhận được các nguồn lực mạnh mẽ từ Google. Khi về tay Google, hai công ty vẫn ở 2 văn phòng khác nhau; Google thì ở Mountain View còn YouTube thì ở San Bruno. Thương vụ này đã giúp Google có thêm một công cụ vô cùng mạnh mẽ khi Youtube bùng nổ trở thành một nền tảng của văn hóa và cuộc sống online, tạo ra cả một nền công nghiệp với hàng triệu việc làm cho những người sáng tạo nội dung.

14/4/2007: Google mua lại DoubleClick, củng cố vị thế trong lĩnh vực quảng cáo

Với sự thành công AdWords (nay là Google Ads) và Adsense, Google đã là một thế lực lớn trong ngành quảng cáo. Năm 2007, Google tiếp tục củng cố sự thống trị của mình khi bỏ ra 3,1 tỷ đô mua lại DoubleClick. Thương vụ này là đắt nhất vào thời điểm đó, chỉ xếp sau vụ mua lại Motorola Mobility với giá 12.5 tỷ đô 4 năm sau đó.

2/9/2008: Trình duyệt Chrome ra mắt

Google thuê một số kĩ sư từng phát triển Mozilla FireFox để phát triển một trình duyệt khác mang tên Chrome. Google phát hành cho Windows trước, sau đó mới đến các hệ điều hành khác. Với cơ chế hoạt động tối ưu và giao diện đơn giản, thân thiện hơn, thị phần của Chrome đã vượt qua Firefox và IE chỉ sau 4 năm. Hiện tại, Chrome đang thống trị lĩnh vực trình duyệt web với 60% thị phần toàn cầu. Cùng với những tính năng tối ưu cho việc tìm kiếm trên Google, trình duyệt này là động lực lớn để giữ cho Google search liên tục ở vị trí thống trị.

23/9/2008: Android ra mắt trên chiếc HTC Dream

Sau khi lặng lẽ mua lại Android với giá 50 triệu đô la Mỹ năm 2005, phải mất 3 năm sau, chiếc điện thoại đầu tiên chạy hệ điều hành này mới ra đời. Đó là chiếc T-mobile G1 (HTC Dream). Ra mắt vào ngày 23 tháng 9 năm 2008 với giá 179 đô (kèm hợp đồng 2 năm), đây chính là chiếc điện thoại đã mở đường cho sự thống trị của Google trong mảng hệ điều hành di động. Hiện nay, Android đang chiếm 85% thị phần hệ điều hành di động, xếp thứ 2 là iOS với 14% (theo Gartner)

5/1/2010: Điện thoại Nexus One ra mắt

Có rất nhiều hãng sản xuất cùng sử dụng hệ điều hành Android trên những chiếc điện thoại của họ. Nhưng tất cả các hãng này đều phải tùy biến Android sao cho phù hợp với phần cứng của họ, khiến người dùng không thể biết đâu là thiết kế gốc của Android.

Nexus One được thiết kế hoàn toàn bởi Google, sau đó HTC sản xuất. Google muốn tạo ra một chiếc máy mẫu để các nhà sản xuất điện thoại Android khác có thể tham khảo để biết Android có thể làm được những gì. Dòng sản phẩm này, sau đó bị dừng lại, thay bằng Pixel nhưng tinh thần thì vẫn như cũ.

22/3/2010: Google bị cấm hoạt động hoàn toàn tại Trung Quốc

Đầu năm 2010, Google phát hiện ra cơ sở hạ tầng của công ty bị một thế lực tấn công nhằm đánh cắp địa chỉ email và thông tin cá nhân của những nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc. Cuộc tấn công này đã khiến Google thay đổi cách thức hoạt động ở Trung Quốc, mặc dù họ biết đó là một bước đi mạo hiểm. Google.cn được chuyển hướng về google.com.hk, một bộ máy tìm kiếm không bị kiểm duyệt ở Hong Kong. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã cấm Google hoạt động ở Trung Quốc.

13/8/2010: Oracle kiện Google ra tòa

Vụ kiện này đã kéo dài 8 năm và Oracle hiện đang là người chiến thắng trong khi Google cố gắng kháng cáo lên Tòa án tối cao để lật ngược tình thế. Vụ kiện xoay quanh công nghệ Java được nhúng bên trong hệ điều hành di động Android có vi phạm bản quyền của Oracle hay không.

10/2010: Ra mắt xe tự lái

Năm 2010, Google ra mắt một dòng sản phẩm rất khác lạ: những chiếc xe được gắn hàng loạt các cảm biến tích hợp trí tuệ nhân tạo để xe có thể tự chạy trên đường mà không cần đến sự can thiệp của tài xế. Dự án này sau này đã tách ra thành một mảng kinh doanh độc lập, trở thành một công ty con tên là Waymo, thuộc tập đoàn Alphabet.

15/06/2011: Chrome OS ra mắt

Sau khi ra mắt một trình duyệt, Google đã để mắt đến việc phát triển cả một hệ điều hành. Chrome OS là một hệ thống mã nguồn mở được thiết kế chủ yếu để chạy các ứng dựng web và cài đặt trên các máy tính nhỏ, cấu hình thấp (netbooks, giờ đây được gọi là Chromebooks). Tháng 6 năm 2011, những chiếc Chromebooks đầu tiên của Acer và Samsung bắt đầu lên kệ. Từ đó, Chromebooks dần trở thành một thế lực lớn trong giáo dục, khiến Microsoft phải phát triển một phiên bản Windows S để cạnh tranh.

26/08/2011: Mạng xã hội Google+ ra mắt

Với sự phát triển nhanh chóng của Facebook, Google cũng muốn thử sức mình lĩnh vực mảng xã hội với sự ra mắt Google+ (G+). Nếu muốn tham gia Facebook, bạn chỉ cần có một email hợp lệ. Nhưng bạn cần phải thêm người mời nếu như muốn chia sẻ hình ảnh, liên kết, viết trạng thái trên mạng xã hội G+.

Cơ chế phiền phức mà Google gọi là "những vòng tròn kết nối" này khiến cho người dùng không mặn mà với G+ mặc dù công ty đã nhiều lần thay đổi thiết kế. Hiện nay, G+ vẫn tồn tại nhưng hầu hết các tài khoản không có nhiều tương tác mà chỉ là những tài khoản được tạo mặc định từ các dịch vụ khác của Google.

15/08/2011: Google mua lại Motorola Mobility

Không thỏa mãn khi để đối tác làm phần cứng, Google đã chơi một canh bạc khi chi tới 12 tỷ đô mua lại Motorola Mobility. Google cho rằng thương vụ này sẽ tạo một cú hích mạnh mẽ trong hệ sinh thái Android và tăng cường sự cạnh tranh của công ty trong mảng điện toán di động. Nhưng thực tế, thương vụ này không làm được gì cho Google.

Sau một vài năm hoạt động không thành công, cuối cùng Google đã bán lại Motorola Mobility cho Lenovo với mức giá thấp hơn rất nhiều so với mức giá Google đã mua lúc đầu.

06/2012: Google Glass ra mắt

Bên cạnh Smartphones và các dịch vụ web, Google còn có một bộ phận chuyên nghiên cứu những dự án đặc biệt mang tên Google X. Sản phẩm nổi tiếng nhất là Google Glass, một thiết bị đeo hiển thị thông tin phía trước mắt người dùng và có thể quay phim, chụp ảnh.

Không lâu sau khi ra mắt, Google Glass bị chỉ trích bởi vì tiềm ẩn khả năng xâm phạm đến quyền riêng tư của con người. Vì thế, Google quyết định chỉ bán Google Glass cho các doanh nghiệp và những đối tượng đặc biệt với số lượng rất hạn chế.

24/07/2013: Chromecast ra mắt

Chromecast là một thiết bị nhỏ, rẻ, không rườm rà, có tác dụng phát trực tuyến video từ điện thoại hoặc máy tính đến TV. Đến bây giờ, tức là 5 năm sau nó vẫn không có gì để thay đổi. Và bạn biết gì không? Nó vẫn là một trong những cách rẻ nhất và đơn giản nhất để trình chiếu.

24/01/2014: Google mua lại doanh nghiệp nghiên cứu Trí thông minh nhân tạo (AI) DeepMind

Bằng việc hứa hẹn thành lập một ban đạo đức độc lập để giám sát công nghệ của công ty, Google đã đánh bại Facebook để dành quyền mua lại DeepMind, một doanh nghiệp nghiên cứu AI có trụ sở tại London, Anh.

Google đã chứng tỏ được thương vụ này là đáng đồng tiền bát gạo khi khi hệ thống AlphaGo đã đánh bại kì thủ cờ vây thế giới. Với DeepMind, hàng loạt các dịch vụ của Google được tăng cường sức mạnh: phân tích giọng nói, phân tích hình ảnh, trợ lý ảo thậm chí việc vận hành các trung tâm dữ liệu cũng hiệu quả hơn.

10/08/2015: Google tái cấu trúc, đổi tên thành tập đoàn Alphabet

Quyết định này được đưa ra bởi Larry Page. Nhà đồng sáng lập lấy Alphabet đặt tên cho công ty mẹ. Alphabet bao gồm rất nhiều công ty con khác, ví dụ Calico, Waymo, Wing, Verily, Google. Google vẫn công ty giữ vai trò chủ chốt với quyền điều hành được trao cho Sundar Pichai. Cái tên Alphabet gợi lên chuỗi sản phẩm đa dạng của tập đoàn, trải dài như các chữ trong bảng chữ cái.

Chỉ 20 ngày sau khi tái cấu trúc, Google cũng công bố logo mới, nhằm thể hiện sự thay đổi lớn này.

hom nay moi la sinh nhat google cung nhin lai lich su 20 nam ga khong lo thong tri internet
Logo hiện tại của Google

18/05/2016: Google Assistant ra mắt

Trợ lý ảo Google Assistant ra mắt khá muộn. Trước đó, Apple đã có Siri, Microsoft có Cortana, Amazon có Alexa nhưng Google Assistant gần như bắt kịp với các đối thủ của mình.

Google Assistant giúp cho người dùng có thể điều khiển các thiết bị Android và loa thông minh Google Home.

18/07/2018: Liên minh châu Âu phạt Google vì vi phạm Luật chống độc quyền trên Android

Ngày 18/7, Ủy viên châu Âu phụ trách cạnh tranh Margrethe Vestager đã công bố số tiền phạt 4,3 tỷ euro (gần 5 tỷ USD) đối với Google vì các vi phạm cạnh tranh của tập đoàn công nghệ này. Đây là mức phạt chống độc quyền cao nhất từ trước đến nay của Liên minh Châu Âu (EU).

"Google đã sử dụng hệ điều hành Android làm công cụ để gia tăng vị thế công cụ tìm kiếm của họ. Điều này là bất hợp pháp xét dưới các điều luật chống độc quyền của EU", bà Vestager cho biết.

Một tháng sau khi bị EU phạt, Google tiếp tục bị Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc là đã thao túng kết quả tìm kiếm để kiểm duyệt những thông tin từ phe bảo thủ.

hom nay moi la sinh nhat google cung nhin lai lich su 20 nam ga khong lo thong tri internet

(Tổng hợp)