Nếu không muốn bị lộ thông tin cá nhân hay tệ hơn là mất tiền oan, bạn cần biết cách phân biệt ứng dụng (app) giả mạo trên Google Play.

Trên Google Play có rất nhiều app, tuy nhiên không phải app nào cũng đến từ các nhà phát triển uy tín. Có những app giả mạo được tạo ra nhằm mục đích đánh cắp dữ liệu người dùng. Chúng yêu cầu quyền truy cập vào bộ nhớ điện thoại, quyền kết nối Internet… Nếu bạn đồng ý, dữ liệu trong máy của bạn có thể bị gửi cho kẻ xấu.

Vậy làm cách nào để người dùng biết được đâu là app giả mạo cần tránh, đâu là app an toàn để dùng?

Google Play có rất nhiều app giả mạo, đây là cách nhận biết để né tránh
Ứng dụng giả mạo xưa nay luôn là vấn nạn đối với người dùng Android.

Dựa vào tên app

Kẻ xấu thường đặt tên app giả mạo gần giống app xịn hoặc cố tình viết sai chính tả khi đặt tên. Ví dụ: “Android Facebook messenger” trong khi ứng dụng chính thức là “Android Messenger”, hay “Camera 180”, “Camera 720” thay vì “Camera 360”. Bởi vậy, bạn có thể phân biệt app giả mạo dựa vào tên của chúng.

Dựa vào tên nhà phát triển

Một số người dùng hiếm khi kiểm tra tên nhà phát triển nhưng điều này rất quan trọng việc xác định các app giả mạo. Bạn sẽ thấy một số cái tên lạ hoắc hoặc không phổ biến trong khi đó ở các ứng dụng chính thức bạn sẽ thấy những tên nhà phát triển nổi tiếng được Google đánh dấu xác minh. Cách đơn giản là bạn hãy tìm kiếm tên của các nhà phát triển để xác định một app bất kỳ có đáng tin hay không.

Xem mức độ phổ biến

Các ứng dụng chính thức sẽ luôn có số lượt tải về nhiều hơn các ứng dụng giả mạo, việc của bạn là so sánh mức độ phổ biến của chúng. Thực tế, thuật toán sắp xếp thứ tự đề xuất của Google đã làm việc này nhưng bạn vẫn nên để ý vì một số trường hợp nhà phát triển mua quảng cáo của Google để ứng dụng của họ được đề xuất đầu tiên.

Google Play có rất nhiều app giả mạo, đây là cách nhận biết để né tránh
Mức độ phổ biến chính là thước đo uy tín của một ứng dụng.

Xem đánh giá của người dùng và xếp hạng

Xếp hạng và đánh giá của người dùng từ phần bình luận sẽ giúp bạn có thêm những thông tin khách quan về một ứng dụng mới. Hãy xem nhận xét của những người đi trước, họ đã làm “chuột thí nghiệm” nên tội gì mà bạn không xem những nhận xét của họ phải không nào.

Đọc kĩ phần mô tả

Đây là một phần rất quan trọng. Thông thường các nhà phát triển hợp pháp luôn luôn để lại thông tin liên hệ rõ ràng để người dùng có thể báo cáo khi gặp sự cố. Ngược lại, các nhà phát triển có mục đích xấu thường không muốn người dùng biết thông tin liên hệ của mình.

Hãy nhớ, app giả mạo vốn được thiết lập một cách tinh vi để qua mắt người dùng. Bởi vậy, bạn hãy chú ý đến những yếu tố trên để có thể phân biệt được những ứng dụng giả mạo tránh bị mất dữ liệu cá nhân nhé.

Hàn Nhi