Google buộc phải cắt giảm số lượng các cuộc thử nghiệm công nghệ xe tự lái mà hãng đang phát triển. Lý do là các tài xế tham gia thử nghiệm thường ngủ quên, làm việc riêng, thậm chí là trang điểm trong lúc ngồi sau vô-lăng.

Trong những thử nghiệm gần đây của bộ phận xe tự lái, Google phát hiện ra rằng các tài xế thử nghiệm trên xe lắp đặt công nghệ tự lái thường rơi vào trạng thái buồn ngủ khi lái xe ở tốc độ cao, 55 dặm/giờ (gần 90 km/h) trên đường cao tốc.

Phát hiện trên dẫn đến việc Google phải loại bỏ chức năng hỗ trợ người lái khi chạy trên đường cao tốc vào năm 2013. Thay vào đó, họ nghiên cứu ô tô tự lái hoàn toàn, nhằm đưa ra giải pháp an toàn hơn cho con người.

Ảnh minh họa. Nguồn: jewishbusinessnews.com

Waymo – bộ phận xe tự hành của Google cho biết: Trong các đoạn phim ghi lại, các tài xế điều khiển các xe bán tự hành ở trên đường thử làm đủ loại công việc từ trang điểm, nghịch các dây cáp, chơi các thiết bị điện tử cầm tay, và thậm chí là ngủ gật. Họ hầu như không chú ý quan sát đường đi.

John Krafcik- Giám đốc điều hành của Waymo kể lại: “Chúng tôi đã quyết định dừng hẳn việc thử nghiệm đó chỉ vài ngày sau khi chứng kiến cảnh tượng như trên. Khi chúng ta tạo ra công nghệ hỗ trợ việc lái xe càng tốt thì người lái càng dễ ỷ lại vào công nghệ và mất tập trung khi lái xe. Cho đến khi ô tô phát ra cảnh báo nguy hiểm thì họ không kịp xử lý tình huống và gây tai nạn. Họ hoàn toàn không để tâm đến xung quanh”.

Waymo nỗ lực chế tạo ra chiếc xe có thể hoàn toàn tự hành, không cần đến sự can thiệp từ người lái. Nguồn: Twitter

Chính vấn đề này khiến Waymo phát triển các mẫu xe tự hành ở mức 4 và 5 để tăng tính an toàn. Điều đó cho phép xe tự xử lý nhiều tình huống bất ngờ hay nguy hiểm mà không cần có sự can thiệp từ tài xế.

Xe tự hành cần cảm nhận được môi trường xung quanh của chúng. Nguồn: www.theatlantic.com

Việc Google đầu tư vào mảng xe tự hành hoàn toàn khác với gã khổng lồ trong lĩnh vực xe điện Tesla. Tesla đẩy mạnh nghiên cứu tính năng lái tự động (autopilot – giống như trên máy bay), với mục đích chỉ để xe luôn luôn di chuyển trên làn đường nhưng điều này vô cùng nguy hiểm vì xe không có khả năng cảm nhận nguy hiểm và xử lý chúng.

Mẫu xe điện Model S của Tesla. Nguồn: La Voix du Nord

Chính vì vậy, công nghệ autopilot đã khiến một tài xế thử nghiệm xe Tesla Model S thiệt mạng năm 2006. Tuy nhiên Giám đốc Điều hành của Tesla, ông Elon Musk cho rằng công nghệ trên tốt gấp đôi so với tài xế bình thường và nó có đủ khả năng để giúp tài xế tự động tránh khỏi những tai nạn ngoài ý muốn.

Tìm hiểu thang đo khả năng tự động của ô tô

Tổ chức tiêu chuẩn công nghệ ô tô thế giới, SAE International đưa ra thang đo khả năng tự lái của ô tô. Thang đánh giá này áp dụng cho mọi hệ thống tự động hóa việc điều khiển xe, dựa theo mức độ tương tác cần thiết của tài xế.

Xe tự lái mức 0:

Đây là mức dành cho các xe thông thường. Xe chỉ có tính năng cảnh báo tài xế khi có tình huống nguy hiểm mà không can thiệp vào việc điều khiển. Tài xế sẽ điều khiển chiếc xe trong mọi tình huống.

Xe tự lái mức 1:

Ô tô ứng dụng các công nghệ thông dụng như Adaptive Cruise Control (ACC) – Hệ thống kiểm soát hành trình, Parking Assistance – Hỗ trợ đỗ xe kèm với tự đánh lái vào khu vực để xe, và Lane Keeping Assistance (LKA) Type II – Hỗ trợ xe giữ đúng làn đường đang chạy. Tài xế phải luôn sẵn sàng điều khiển xe bất cứ lúc nào.

Công nghệ Adaptive Cruise Control. Nguồn: Đại lý xe Volkswagen Sài Gòn
Công nghệ Lane Keeping Assistance (LKA). Nguồn: Kia Motors

Xe tự lái mức 2:

Tài xế vẫn phải luôn quan sát đường để đề phòng khi hệ thống tự động gặp lỗi và thực hiện lệnh điều khiển không đúng. Tuy nhiên xe có thể tự tăng tốc, phanh hay đánh lái theo ý muốn.

Xe tự lái mức 3:

Xe có thể giám sát môi trường xung quanh, tự xử lý trong những tình huống có thể dự báo từ trước, ví dụ như khi chạy trên đường cao tốc. Tài xế nhàn hơn, nhưng vẫn cần luôn sẵn sàng điều khiển xe khi cần.

Ảnh minh họa. Nguồn: VietNamNet

Xe tự lái mức 4:

Xe có thể tự lái trên đường, những không phải là trong mọi tình huống. Tài xế thường không phải tập trung lái xe khi đã bật hệ thống lái tự động.

Ảnh minh họa. Nguồn: Banxehoi.com

Xe tự lái mức 5:

Không cần có sự tác động từ con người, trừ việc xác định điểm đến. Ô tô sẽ tự lái một cách an toàn, đưa ra các quyết định đúng và phù hợp với điều kiện môi trường hay mọi hoàn cảnh cụ thể.

Một chiếc xe tự hành mức 5 có thể tự quyết định việc điều khiển ra sao trong mọi tình huống, không cần đến sự trợ giúp của tài xế. Nguồn: Medium

Hy vọng với sự thay đổi từ Google, chúng ta sẽ được sử dụng những chiếc xe hoàn toàn tự động trong tương lai không xa.

Sơn Tùng