Đức bắt đầu đưa vào hoạt động tàu chạy bằng hydro đầu tiên trên thế giới, báo hiệu sự khởi đầu của một nỗ lực thách thức khả năng gây ô nhiễm của các đoàn tàu diesel với những con tàu sử dụng công nghệ đắt tiền nhưng mạnh mẽ và thân thiện với môi trường.

Sau gần 2 năm chạy thử nghiệm, hai tàu Coradia iLint màu xanh tươi sáng, được chế tạo bởi nhà sản xuất Pháp TGT Alstom, bắt đầu đi vào hoạt động từ tuần trước trên tuyến đường 62 dặm (100km) giữa các thị trấn và thành phố Cuxhaven, Bremerhaven, Bremervoerde và Buxtehude ở miền bắc nước Đức, Guardian hôm 18/9 đưa tin.

Các tàu Coradia iLint đạt vận tốc tối đa 140 km/h và chạy xa khoảng 900-1.000 km tương tự như phạm vi của tàu diesel.

Các tàu Coradia iLint đạt vận tốc tối đa 140 km/h và chạy xa khoảng 900-1.000 km (Ảnh: Guardian)

Công nghệ sử dụng hydro này thân thiện hơn nhiều so với diesel. Chúng tạo ra điện năng để cấp năng lượng cho pin và động cơ bằng cách trộn hydro và oxy. Phát thải duy nhất của công nghệ này là nước và năng lượng dư thừa được lưu trữ trong pin lithium ion gắn trên tàu.

Alstom đang đặt cược vào công nghệ này như một giải pháp thay thế xanh và êm ái hơn đối với các con tàu chạy bằng diesel trên các tuyến đường sắt không điện khí – một viễn cảnh hấp dẫn đối với nhiều thành phố của Đức đang tranh giành để chống ô nhiễm không khí.

Họ cho biết đang có kế hoạch cung cấp thêm 14 tàu không khí thải khác cho tiểu bang Lower Saxony vào năm 2021, trong khi các tiểu bang khác cũng bày tỏ sự quan tâm.

Đầu tàu Coradia iLint – Tàu chạy bằng hydro đầu tiên trên thế giới (Ảnh: AFP)

Không chỉ các bang tại Đức, nhiều quốc gia cũng bày tỏ sự quan tâm đặc biệt đến công nghệ này như Anh, Hà Lan, Đan Mạch, Na Uy, Ý và Canada.

Tại Pháp, chính phủ đã nói rằng họ muốn tàu hỏa đầu tiên được đưa vào đường ray vào năm 2022.

“Chắc chắn, mua một chiếc tàu hỏa chạy bằng hydro sẽ đắt hơn một chiếc tàu chạy bằng diesel, nhưng nó rẻ hơn để vận hành”, Stefan Schrank, quản lý dự án tại Alstom, nói với AFP.

Dự án tàu cao tốc Bắc Nam được dự kiến đầu tư tới 60 tỷ đô la (Ảnh: GTVT)

Tại Việt Nam, việc xây dựng các hệ thống đường sắt mới hiện cũng đang là một chủ đề nóng. Dự án đường sắt trên cao tại Hà Nội do Tổng thầu Trung Quốc thực hiện đã chậm tiến độ 2 năm và dự kiến cuối tháng 9/2018 mới bắt đầu chạy thử. Trong khi đó, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam với mức đầu tư dự kiến lên tới 60 tỷ đô la cũng đang gây lên nhiều luồng dư luận trái chiều trong xã hội. Hiện dự án đang được đánh giá tính khả thi và sẽ trình Quốc hội thông qua vào năm 2019.

Video:

Hoài Anh