Giới khoa học vừa phát hiện loài chuột chũi Đông Phi hay chuột chũi trụi lông có thể sống sót trong 20 phút mà không cần khí oxy, một kỷ lục mới được ghi nhận.

Chuột chũi Đông Phi hay chuột chũi trụi lông là loài động vật máu lạnh, có khả năng chống ung thư và cảm giác đau, đồng thời sống thọ gấp 10 lần chuột thông thường. Chúng có vẻ ngoài rất kỳ dị.  

Chuột chũi Đông Phi hay chuột chũi trụi lông. (Ảnh: Internet)

Giờ đây các nhà khoa học vừa phát hiện chúng có thể sinh tồn mà không cần oxy, sử dụng một phương thức khác để tạo năng lượng cho cơ thể.

“Chuột chũi Đông Phi là loài động vật có tập tính xã hội cao, thường sống thành đàn lên đến 200 con bên dưới lòng đất ở Đông Phi”, CNN dẫn lời Gary Lewin từ Trung tâm Y học Phân tử Max Delbrück, đồng tác giả nghiên cứu công bố trên tạp chí Science.

Với rất nhiều cá thể tụ tập trong một diện tích nhỏ hẹp như vậy – tất cả đều hít vào khí oxy và thải ra khí CO2 – chúng đã quen với môi trường hiếm khí oxy, Lewin giải thích.

“Chúng tôi muốn kiểm tra một cách có hệ thống mức độ thiếu khí oxy loài động vật này có thể chịu đựng”, ông cho hay.

Gary Lewin, đồng tác giả nghiên cứu, cầm trên tay một con chuột chũi Đông Phi. (Ảnh: Internet)

Đầu tiên, nhóm nghiên cứu thí nghiệm với môi trường gồm 5% lượng oxy. “Đối với con người, lượng oxy thấp hơn 10% có thể gây tử vong”, Lewin cho biết. Nhưng loài chuột chũi gần như không bị ảnh hưởng gì, thậm chí sau vài giờ trong môi trường này.

Tiếp theo, nhóm đặt bầy chuột vào môi trường hoàn toàn không có oxy. “Những con chuột nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Chúng tiến vào trạng thái tạm ngừng hoạt động, một dạng thức hôn mê, và duy trì trong 18 phút”, Lewin cho hay. Khi oxy được bơm vào, loài vật nhanh chóng hồi tỉnh và không chịu bất kỳ tổn thương dài hạn nào.

Phân tích số liệu thu được, nhóm nghiên cứu nhận thấy loài động vật này đã chuyển từ một hệ thống trao đổi chất dựa trên glucose, trong đó cần oxy để giải phóng năng lượng, sang một hệ thống dựa trên fructose, mà không cần oxy. Nhằm tiếp tục tạo ra năng lương để các tế bào tồn tại trong các cơ quan nội tạng quan trọng như não và tim, đồng thời duy trì hoạt động của chúng, chuột chũi Đông Phi sử dụng một dạng nhiên liệu khác không đòi hỏi nguồn cung oxy.

“Đây quả là một phát hiện tuyệt vời. Phương thức trao đổi chất này chưa từng được ghi nhận ở động vật có vú. Tuy một số loài cá có thể làm điều tương tự, nhưng đó cũng là trường hợp ngoại lệ. Điều này thực sự mở rộng vốn hiểu biết của chúng ta về tiềm năng phát triển, thích ứng của hệ thống trao đổi chất”, Michael Berenbrink, giảng viên cao cấp tại Đại học Liverpool (Anh), nhận định.

Lewin rất hứng thú với tiềm năng phát hiện mới này có thể mang lại cho con người.

Tuy sở hữu những đặc tính ấn tượng, về mặt di truyền chuột chũi trụi lông rất giống với chuột thông thường, và không quá khác biệt với con người. “Con người vốn có khả năng tạo năng lượng từ fructose … lá gan thực hiện chức năng này. Câu hỏi đặt ra là liệu chúng ta có thể khiến cơ thể chuyển sang cơ chế trao đổi chất dựa trên fructose khi nguồn cung oxy sụt giảm hay không”, Lewin giải thích.

Hiểu được cách thức loài sinh vật nhỏ bé này sử dụng fructose để sinh tồn có thể đặt nền tảng cho các phương pháp chữa bệnh mới cho bệnh nhân trong tình trạng thiếu oxy do đau tim hoặc đột quỵ. “Có lẽ cung cấp fructose cho não có thể giúp ích trong giai đoạn thiếu oxy này”, Lewin nhận định.

Ông cũng băn khoăn liệu những thợ lặn sâu trong khoảng thời gian tương đối dài mà không tiếp nhận oxy có thể rèn luyện cơ thể để chuyển từ việc sử dụng glucose sang fructose trong quá trình trao đổi chất hay không.

“Chúng ta chưa biết”, Lewin cho hay. Ông hy vọng nghiên cứu trong tương lai sẽ làm sáng tỏ chính xác cơ chế loài sinh vật kỳ lạ này tồn tại không cần oxy và những gì con người có thể học hỏi từ chúng.

Quý Khải

Xem thêm: