Sự xuất hiện của ba trận động đất mạnh ở Alaska, Honduras và Peru trong vài tháng đầu năm 2018 đã thu hút sự chú ý của các nhà khoa học, trong khi năm 2017 chỉ có 7 trận động đất có cường độ lớn từ 7 richter trở lên.

Trên thực tế, các nhà địa chất dự đoán có thể có gấp đôi trận động đất vào năm 2018. Riêng chỉ trong đầu năm 2018, đã xảy ra ba trận động đất với cường độ trên khá lớn 7,9 độ richter ở ngoài khơi bờ biển Alaska, 7,6 độ richter ở một đảo nằm ngoài khơi Honduras và trận động đất ở Peru với cường độ 7,1 richter.

Chuyện gì đang diễn ra dưới lòng đất?

Theo các nhà khoa học, tốc độ quay của Trái Đất và hoạt động địa chấn có mối tương quan rất mạnh mẽ. Kể từ năm 2011, Trái Đất của chúng ta đã quay chậm hơn một chút so với bình thường, dù chỉ là một vài phần nghìn giây trong một ngày. Tuy nhiên, sự dao động nhỏ bé này có thể kích hoạt hoạt động cường độ sâu dưới lòng đất, khiến nó có thể “giận dữ” phóng thích một năng lượng vô cùng lớn lên bề mặt.

Ranh giới mảng kiến ​​tạo (màu vàng) và vành đai lửa Thái Bình Dương (màu đỏ) bao quanh Trái Đất. (Ảnh: dailymail.co.uk)

Báo cáo của hai nhà khoa học Roger Bilham (Đại học Colorado) và Rebecca Bendick (Đại học Montana) trong cuộc họp thường niên của Hiệp hội Địa chấn Mỹ cho rằng, ít nhất đã có năm giai đoạn lịch sử cho thấy số lượng của trận động địa lớn gia tăng gấp đôi con số bình thường – đều được bắt đầu vào chu kỳ mỗi 5 năm khi Trái đất quay chậm lại.

“Thực tế thật đáng sợ,” nhà khoa học Roger Bilham chia sẻ với The Observer. “Trái đất của chúng ta đang ở vào thời điểm đầu của chu kỳ 5 năm xoay chậm đó. Và sẽ có nhiều trận động đất lớn trong tương lai. Năm 2018, chúng ta sẽ thấy sự gia tăng đáng kể về số lượng các trận động đất nghiêm trọng”.

Những quốc gia nào có nguy cơ cao nhất?

Thật khó để dự đoán các trận động đất có thể xảy ra, nhưng Roger Bilham cho rằng phần lớn các trận động đất dữ dội đều xảy ra theo sau những thay đổi vận tốc xoay của Trái đất ở các vùng nhiệt đới.

Năm 2017, các trận động đất thường xuất hiện dọc theo ranh giới mảng kiến ​​tạo và đặc biệt là trên Vành đai lửa Thái Bình Dương. Những chấn động lớn nhất đã xảy ra ở Mexico, Papua New Guinea, Nga, Philippines, Iran và New Caledonia.

Động đất xảy ra tại Mexico khiến cơ sở hạ tầng ở nơi tâm chấn gần như bị phá hủy hoàn toàn. (Ảnh: The New York Times)

Hy Lạp, Ý và Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong số các nước có nguy cơ bị động đất cao nhất ở châu Âu, khi vị trí của các quốc gia này nằm trên đúng điểm giao nhau của các mảng kiến ​​tạo châu Phi và Á- Âu. Lịch sử gần đây đã ghi nhận trận động đất năm 1953 xảy ra ở Kefalonia và Zakynthos của Hy Lạp khiến 476 người thiệt mạng. Trận động đất Athens năm 1999 với cường độ 6 richter đã giết chết 143 người.

Trận động đất gần đây nhất của Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra vào năm 2011 khiến 604 người thiệt mạng, và trận động đất năm 1999 tại İzmit có cường độ 7,6 richter làm 17.000 người chết tại chỗ.

Theo Báo cáo rủi ro thế giới năm 2015 của Liên Hợp Quốc về Môi trường và An ninh Quốc gia (UNU-EHS) biên soạn, cả Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong số các quốc gia ở Châu Âu có nguy cơ xảy ra các thiên tai nhiều nhất.

Hy Lạp nằm trong số quốc gia ở Châu Âu có nguy cơ bị động đất nhiều nhất và từng chịu tổn thất nặng nề về người và của. (Ảnh: Hindustan Times)

Báo cáo cũng xác định tỷ lệ rủi ro cho tổng số 173 quốc gia, dựa trên khả năng có nguy cơ động đất, bão, lũ lụt, hạn hán và mực nước biển dâng. Trong top 20 quốc gia có nguy cơ xảy ra các thiên tai cao nhất trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 18 với tỷ lệ rủi ro là 12,81%. Đứng đầu bảng xếp hạng là Vanuatu – 36.43% tiếp theo là Tonga – 28.23%, Philippines – 27.52%, Guatemala – 20.88%, Bangladesh – 19.81%.

Theo telegraph.co.uk
Xuân Trường