Rất nhiều nhà khoa học góp phần thiết lập nên những lý thuyết và định luật khoa học được chấp nhận rộng rãi, đã cảnh báo các nhà khoa học tương lai rằng không nên bị hạn chế vào những công trình của họ. Họ cũng nhấn mạnh rằng có nhiều phát hiện vĩ đại nhất từng bị chế nhạo lúc ban đầu vì chúng đối lập với các quan điểm thiên kiến trước đó.

Dưới đây là 9 luận điểm của một số bộ óc khoa học vĩ đại nhất.

1. Lợi ích khi bị chế nhạo

Hãy vui khi các nhà khoa học khác không tin tưởng vào những gì bạn biết chắc chắn là sự thật. Vì nó sẽ cung cấp cho bạn thêm thời gian để hoàn thiện lý thuyết trong bình yên. Khi họ bắt đầu tuyên bố rằng họ đã phát hiện ra nó trước bạn, thì hãy đi tìm kiếm một dự án mới.

—Efraim Racker, trong cuốn sách “Sự kiên định và tái thiết lập các đường hướng sinh học trong giai đoạn 1919-1984”, xuất bản trên Tập san Hiệp hội vào năm 1983.

Efraim Racker (1913–1991) là một nhà sinh hóa. Ông được biết đến vì đã phát hiện ra cơ chế tổng hợp của ATP, một phân tử có chức năng vận chuyển năng lượng bên trong các tế bào sinh vật.

2. Các nhà khoa học nên bỏ đi các tư tưởng thiên kiến

Chúng tôi cần phải khẩn cấp cảnh báo bạn đừng để bản thân bị ảnh hưởng theo bất cứ cách nào, bởi những lý thuyết hay các tư tưởng thiên kiến khi quan sát sự vật hiện tượng, khi tiến hành phân tích kết quả cũng như khi đưa ra các quyết định khác.

—Emil Hermann Fischer, được trích dẫn trong cuốn “Das Buch der Grosse Chemiker” của M. Bergmann , và được Joseph S. Froton phiên dịch trong cuốn “Những sự tương phản trong phong cách làm khoa học: Các nhóm nghiên cứu trong ngành khoa học hóa học và y sinh”.

Emil Hermann Fischer (1852–1919) là một nhà hóa học. Ông được trao giải Nobel hóa học vào năm 1902 “để tôn vinh những cống hiến tuyệt vời trong các công trình nghiên cứu về sự tổng hợp đường và purine”, theo thông trên trang web của giải thưởng Nobel. Fischer cũng được biết đến với việc phát triển phép chiếu Fischer, một phương thức biểu thị cấu trúc các phân tử hữu cơ trên mặt phẳng hai chiều.


Hermann Emil Fischer vào khoảng năm 1895. (Ảnh: Paul Gericke)

3. Khuynh hướng bài trừ các ý tưởng mới

“Một ý tưởng kỳ lạ đối với tâm trí thì cũng khó chịu giống như một protein ngoại lai đối với cơ thể, và sức kháng cự trước nhân tố kỳ lạ trong cả hai trường hợp là tương đương. Sẽ không quá huyễn hoặc nếu nói rằng một ý tưởng mới là kháng nguyên hoạt động nhanh chóng nhất được biết đến trong khoa học. Nếu chúng ta quan sát bản thân một cách trung thực, chúng ta sẽ thấy bản thân bắt đầu phủ nhận một ý tưởng mới ngay cả trước khi nó được đưa ra trọn vẹn. Tôi chắc rằng câu khẳng định vừa rồi đã vấp phải sự phản kháng trong tâm trí chúng ta—từ đó cho thấy cơ chế phòng thủ của con người hoạt động nhanh chóng đến mức độ nào”.

— Wilfred Trotter, trong ‘Tuyển tập các tư liệu của của Wilfred Trotter F.R.S.’, xuất bản năm 1941. Wilfred Trotter (1872–1939) là một bác sĩ phẫu thuật và nhà tâm lý học xã hội.

Wilfred Trotter (1872–1939) là một bác sĩ phẫu thuật và nhà tâm lý học xã hội.


Tranh chân dung Wilfred Trotter của họa sĩ Moussa Ayoub vào năm 1940 (Ảnh: BBC)

4. Chỉ vì chưa thể đo lường sự vật một cách dễ dàng, không có nghĩa là nó không tồn tại

“Bước đầu tiên là đo lường bất kể thứ gì có thể đo lường được một cách dễ dàng. Việc này vẫn ổn trong một chừng mực nào đó. Bước thứ hai là bỏ qua những gì không thể đo lường một cách dễ dàng, hoặc gán cho nó một giá trị định lượng ngẫu nhiên. Đây là một hành động giả tạo và dễ dẫn đến sai lệch. Bước thứ ba là giả định rằng những thứ không thể được đo lường dễ dàng là không quá quan trọng. Đây là sự mù quáng. Bước thứ tư là nói rằng cái gì không thể được đo lường thật sự không tồn tại. Đây là tự sát”.

– Charles Handy, Nhà kinh tế và hành vi tổ chức học, trong cuốn sách ‘Áo mưa rỗng: Diễn giải tương lai’


(Ảnh: Shutterstock)

5. ‘Định luật’ vật lý có thể thay đổi

Chúng ta không có quyền giả định rằng bất kỳ quy luật vật lý nào đó thực sự tồn tại, hay nếu chúng tồn tại cho đến ngày nay, thì chúng sẽ tiếp tục tồn tại dưới mô thức tương tự trong tương lai. Hoàn toàn có thể nói rằng vào một ngày đẹp trời nào đó, Tự nhiên sẽ tạo ra một sự kiện bất ngờ có thể làm tất cả chúng ta phải chấn động; và nếu điều này xảy ra, chúng ta sẽ bất lực trong việc phản đối, và ngay cả nếu kết quả là như vậy, thì bất kể chúng ta nỗ lực ra sao, chúng ta vẫn sẽ thất bại khi cố gắng thiết lập một trật tự trong cái tình trạng hỗn loạn sau đó. Trong một sự kiện như vậy, con đường duy nhất mở ra cho khoa học là tự nó tuyên bố phá sản.

—Max Planck, trong cuốn sách “Vũ trụ trong ánh sáng của vật lý hiện đại”, dịch bởi W. H. Johnston.

Max Planck được coi là một trong những người sáng lập thuyết cơ học lượng tử. Ông được trao giải Nobel vật lý vào năm 1918 vì “những cống hiến của ông trong việc thúc đẩy ngành vật lý với thuyết lượng tử năng lượng”.

Khoa học không thể giải đáp bí ẩn tối hậu của tự nhiên. Lý do là vì, trong các phân tích cuối cùng, tự bản thân chúng ta là một phần của tự nhiên và do đó cũng là một phần của bí ẩn mà chúng ta đang cố gắng giải quyết.

—Max Planck, trong cuốn sách ‘Khoa học đang tiến về đâu?’, phiên dịch bởi James Murphy.

Max_Planck_(1858-1947)Nhà vật lý người Đức Max Planck khoảng năm 1930. (Ảnh: Wikimedia)

6. Khoa học là ‘một loại hình tôn giáo khác’?

Chúng ta không cần đợi khoa học cho phép thực hiện những điều khác thường hay tiến ra bên ngoài cái khung khả thi mà chúng ta vẫn biết. Nếu làm vậy, chúng ta đã biến khoa học thành một dạng thức khác của tôn giáo. Chúng ta nên trở thành những cá nhân độc lập; chúng ta nên thử làm những điều siêu thường.

— Joe Dispenza, trong cuốn sách ‘Tiến hóa não bộ: Khoa học thay đổi tâm trí của bạn’


Sự tương đồng đáng kinh ngạc giữa tế bào não (Trái) và vũ trụ (phải). (Ảnh: www.estatevaults.com)

Joe Dispenza là một nhà khoa học thần kinh và một chuyên gia trị liệu cột sống. Ông là một trong những nhà khoa học có mặt trong bộ phim What the Bleep Do We Know!?, một bộ phim bao gồm các cuộc phỏng vấn dạng tư liêu. Ông từng bị nứt rạn cột sống trong một tai nạn xe hơi, và các bác sĩ bảo rằng cách duy nhất ông có thể tự bước đi lại là tiến hành phẫu thuật. Nhưng ông đã quyết định không phẫu thuật, vì ông tin rằng mình có thể tự lành nhờ vào sức mạnh của ý chí. Ông đã có thể bước đi lại sau 3 tháng.


Một phần ảnh bìa đĩa DVD bộ phim What the Bleep Do We Know!?. (Ảnh: ransomfellowship.org)

7. Những điều hiện nay nghe có vẻ ‘ngớ ngẩn’ lại có thể trở thành tương lai của khoa học

Tôi không nghi ngờ rằng tương lai trong thực tế sẽ bất ngờ hơn rất nhiều so với bất cứ điều gì tôi có thể tưởng tượng ra. Hiện giờ tôi đang nghi ngờ, có thể vũ trụ này không chỉ kỳ lạ hơn những gì chúng ta giả định, mà còn kỳ lạ hơn những gì chúng ta có thể giả định.

—J.B.S. Haldane, trong cuốn sách ‘Các thế giới khả thi và các trang giấy khác’

J.B.S. Haldane là một nhà sinh học. Ông là một trong những cha đẻ của ngành di truyền học quần thể. Ông cũng đưa ra phương trình Briggs–Haldane cùng với G.E. Briggs để miêu tả động học enzyme.

8. Lý lẽ là gì?

Lý lẽ, đối với hầu hết mọi người, chính là quan điểm của chính họ.

—William Hazlitt, trong bài viết “Một trường phái cải tổ mới: cuộc đối thoại giữa một người theo chủ nghĩa duy lí và một người theo chủ nghĩa duy cảm”.

William Hazlitt  là một nhà văn và triết gia.


Chân dung William Hazlitt, lấy từ một bản vẽ phác thảo năm 1825 của William Bewick.

9. Hầu hết khoa học chỉ là ‘quan điểm và ảo giác’

‘Theo quy ước có tồn tại màu sắc, theo quy ước có tồn tại vị ngọt, theo quy ước có tồn tại vị đắng, nhưng trên thực tế chỉ có các nguyên tử và khoảng trống [trong vũ trụ]’, Democritus tuyên bố. Vũ trụ được cấu thành chỉ từ các nguyên tử và khoảng trống; tất cả những thứ khác chỉ là quan điểm và ảo giác. Nếu linh hồn tồn tại, thì nó cũng được cấu thành từ các nguyên tử”.

—Edward Robert Harrison, trong cuốn “Các tấm mặt nạ của vũ trụ”


Nguyên tử. (Ảnh: Shutterstock)

Vũ trụ chứa đầy những điều bí ẩn đang thách đố tri thức của nhân loại. Mục “Khoa học Huyền bí” của Thời báo Đại Kỷ Nguyên sưu tầm những câu chuyện về các hiện tượng kỳ lạ kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng chưa từng mơ tới. Chúng có thật hay không? Điều đó tùy bạn quyết định!

Tác giả:  Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch

Xem thêm: