Một nhóm nghiên cứu từ Đại học Wits đã trực tiếp kết nối Internet với bộ não người, và đây là lần đầu tiên một việc như vậy được thực hiện.

Bạn có bao giờ mệt mỏi khi phải chạm tay vào cái màn hình điện thoại cao cấp, phiền toái để lướt web? Đừng sợ hãi, bởi bạn đã có “Brainternet” ở đây! Là cụm từ kết hợp giữa, “Brain (bộ não)” và “Internet”, có lẽ bạn đã ít nhiều đoán được ý nghĩa của cụm từ này.

Đây là sản phẩm của một nhóm các nhà nghiên cứu từ Đại học Wits ở Johannesburg (Châu Phi); họ đã nghĩ ra cách kết nối bộ não người trực tiếp với Internet, và đây là lần đầu tiên một điều như vậy được thực hiện, theo Iflscience.

Theo thông cáo báo chí, một nhóm các nhà khoa học thần kinh và kỹ sư đã sử dụng một máy điện não đồ (EEG) – thiết bị ghi nhận các tín hiệu điện trong não – để truyền tải các hoạt động thần kinh đến một máy tính Raspberry Pi giá rẻ. Đến lượt nó, máy tính này sẽ đăng dữ liệu thu được, trực tiếp và liên tục, lên một chương trình chạy trên một trang web mà bất kỳ ai có thể xem vào bất cứ lúc nào.

Về căn bản nó chỉ là một cánh cửa sổ kỹ thuật soi chiếu vào hoạt động não bộ (hay hoạt động thần kinh) của một người, và nó có thể được truy cập, miễn phí và liên tục. Dù sao đi nữa, đây là lần đầu tiên một việc như vậy được thực hiện trên thế giới.

“Rốt cuộc, chúng tôi hướng đến mục tiêu kết nối người sử dụng với bộ não của họ, để họ có thể dấy lên một suy nghĩ (tự sản sinh một tác nhân kích thích) và nhìn thấy phản hồi hay hoạt động thần kinh của tác nhân đó trên thiết bị kết nối với não bộ của họ”, tuy rằng các nhà nghiên cứu chuyên đo lường ghi nhận các thông số điện não đồ đã làm được điều này. Nghiên cứu mới này cho phép nhiều người hơn nữa, bao gồm bản thân đối tượng được đo lường điện não, có thể biết được điều gì đang xảy ra trong bộ não của họ.

Không chỉ vậy, Pantanowitz cho biết thêm rằng: “Brainternet có thể được cải tiến thêm để phân loại các thông số điện não được đo lường thông qua một ứng dụng smartphone, và sau đó ứng dụng này sẽ cung cấp dữ liệu cho một thuật toán machine-learning (học máy, một tập con của Trí tuệ nhân tạo). Có nghĩa là, trong tương lai, thông tin sẽ có thể được truyền dẫn hai chiều – đi vào và đi ra bộ não”.

Tỷ phú công nghệ Elon Musk thuyết trình về dự án Neuralink (Ảnh: Neuralink)

Nói đến việc kết nối não người với máy tính, có lẽ dẫn đầu trong ngành và có tiềm năng phát triển mạnh nhất là một start-up công nghệ mang tên Neuralink của tỷ phú Elon Musk, người đứng đằng sau hàng loạt công ty công nghệ tiên phong như Tesla (ô tô điện), SpaceX (tàu vũ trụ), … Công ty Neuralink đang tìm cách tạo ra thứ mà Musk gọi là công nghệ “nút dây thần kinh (neural lace)”, gồm những điện cực siêu nhỏ có kích thước cỡ micromet được cấy ghép vào não người. Loại thiết bị này sẽ có tiềm năng:

  • Giúp trí não của con người có thể xử lý một lượng thông tin khổng lồ với tốc độ cực nhanh. Công nghệ này có thể giúp chúng ta đọc hết một cuốn sách trong vài phút và ghi nhớ tất cả kiến thức trong đó.
  • Cho phép trao đổi thông tin trực tiếp giữa bộ não với bộ não mà không thông qua các phương tiện như lời nói, chữ viết, hay ngôn ngữ cơ thể. Nói cách khác, nó rất giống với cái gọi là khả năng “thần giao cách cảm”. Ứng dụng này sẽ giúp đỡ những người bị chấn thương não nghiêm trọng do đột quỵ và ung thư.

Có thể bạn nghĩ, đây quả thật tuyệt! Trí tuệ nhân tạo, một phần trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, hẳn sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho nhân loại. Điều này đúng, nhưng nó cũng có mặt trái của mình. Bạn có thể tìm thấy viễn cảnh này trong những bộ phim Hollywood hay truyện tranh Nhật Bản nổi tiếng như Doremon với truyện dài “Nobita và mê cung thiếc”.

“Nobita và mê cung thiếc” với câu chuyện máy móc thống trị con người (Ảnh: Internet)

Trong truyện, bạn có thể tự do điều khiển robot phục vụ các nhu cầu của bản thân chỉ bằng ý nghĩ. Nói cách khác, bạn không phải làm gì cả, chỉ cần ngồi đó chờ robot đến phục vụ mọi nhu cầu trên mọi mặt của cuộc sống. Bên cạnh việc thoái hóa cơ bắp và khả năng độc lập tư duy như hai viễn cảnh được nêu lên trong truyện, việc dùng ý nghĩ để điều khiển robot còn tiềm ẩn một nguy cơ khủng khiếp hơn. Bởi một khi bộ não người được kết nối với máy tính, thì thông tin sẽ được tự do trao đổi không chỉ xuôi chiều, mà còn ngược chiều. Nói cách khác, là tương tác hai chiều. Do đó, viễn cảnh tối hậu là khi đạt đến một mức độ phát triển nhất định, máy móc sẽ quay trở lại kiểm soát con người thông qua sự kết nối này, thậm chí nằm quyền làm chủ, điều khiển bộ não con người, biến con người trở thành đối tượng chịu sự kiểm soát. Thực ra đây chính là một hệ quả tiềm ẩn trong chiều hướng phát triển của Trí tuệ Nhân tạo hiện nay. Elon Musk hiện đang là người tiên phong trong phân khúc này, nhưng chính bản thân ông cũng nhận ra sự nguy hại tiềm ẩn của nó. Ông không nói rõ ra rốt cục nguy hại tiềm ẩn đó là gì, nhưng ông đề xuất phải có những biện pháp để kiểm soát nó, không để nó mất phanh. Như trong một chia sẻ vào năm 2014, ông nói:

“Chúng ta cần cẩn thận hơn với các AI, có khả năng chúng còn nguy hiểm hơn cả vũ khí hạt nhân”

Quý Khải (Theo Iflscience)

Xem thêm: