Hiện nay thế giới vẫn đang chính thức ở trong Thế Holocen, một kỷ nguyên địa chất (hay thế địa chất) trải dài từ khoảng 9.700 TCN cho đến ngày nay. Tuy nhiên, trong những năm gần đầy các nhà địa chất đã bắt đầu loay hoay với một khái niệm mới, và hiện đang từng bước chính thức hóa khái niệm này.

Một nhóm các nhà khoa học đã công bố một báo cáo trên tạp chí khoa học Science vào ngày 8/1, nhằm chứng minh cho sự cần thiết phải có một thế địa chất mới – Thế “Anthropocene”, một thuật ngữ được đưa ra vào năm 2000 vốn bao phủ quãng lịch sử địa chất của hành tinh trải dài cho tới nay kể từ cuộc Cách mạng Công nghiệp.

Trong khoảng thời gian này, hoạt động của con người đã tạo ra những thay đổi địa tầng đặc thù trong các lớp trầm tích của Trái Đất, đến mức đã tạo ra một sự sai chệch trên lý thuyết đối với Thế Holocene. Một trong số các đặc tính của Thế Anthropocene là sự bồi tụ nhanh chóng của “các hóa thạch techno” (“technofossils”) vốn được cấu thành từ các chất liệu mới trước đây như “nhôm, bê tông, và nhựa dẻo”.

Các đặc điểm khác bao gồm các dấu hiệu biến đổi địa hóa như tình trạng gia tăng dư lượng thuốc trừ sâu và các hợp chất được tìm thấy trong các loại dung dịch làm mát và nhiên liệu hóa thạch, cũng như sự gia tăng nồng độ khí CO2 và CH4 vốn đã đi chệch đáng kể so với đặc điểm của Thế Holocene.

Tuy nhiên, không phải tất cả các đặc điểm trên đều được đưa ra cùng một lúc, và các nhà khoa học – lập thành Tổ công tác Anthropocene (the Anthropocene Working Group) – vẫn đang trong quá trình xác định mốc niên đại khởi điểm của Thế Anthropocene, vốn có thể bắt đầu ngay từ những năm 1950.

“Vẫn có một số tranh luận về việc nên sử dụng một đơn vị chính thức hay không chính thức, nhưng chúng tôi muốn có một định nghĩa cụ thể. Và phần lớn Tổ công tác đang nghiêng về xu hướng lấy mốc niên đại từ giữa thế kỷ 20 làm mốc khởi điểm cho tân thế địa chất này”, một nhà khoa học từ Tổ chức Khảo sát Địa chất Anh (British Geological Survey) trao đổi với kênh BBC.

Tổ công tác cũng đề xuất một phân mục mang tên “Thế Anthropocene sơ kỳ”, trong đó bao hàm sự mở rộng lĩnh vực nông nghiệp và sự trao đổi các chủng loài động thực vật vốn xuất hiện như hệ quả của việc Columbus khám phá ra Tân Thế giới.

Tổ công tác dự định trình một định nghĩa chính thức của Thế Anthropocene lên Ủy ban quốc tế về địa tầng học (the International Commission on Stratigraphy) vào năm 2016.

Tác giả: Jonathan Zhou, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh.
Đọc bản gốc ở đây.
Thanh Hải biên dịch