Các nhà nghiên cứu tại Brazil đang thử nghiệm một phương pháp điều trị mới cho các ca bỏng nặng bằng cách sử dụng da cá rô phi, một phương pháp phi truyền thống mà theo họ có thể làm giảm cơn đau đồng thời cắt giảm chi phí y tế.

Một bệnh nhân bị bỏng ở chân đang được điều trị bằng cách ghép da cá rô phi, tại Viện BS Jose Frota, ở thành phố Fortaleza, Brazil, vào ngày 24/4/2017. (Ảnh:(REUTERS/Paulo Whitaker)

Từ trước đến nay, người ta thường sử dụng da heo hay thậm chí mô người đông lạnh để phủ lên các vết bỏng, giúp giữ ẩm và truyền chất collagen, một loại protein thúc đẩy quá trình làm lành vết thương.

Tuy nhiên, trái với các quốc gia phương Tây khác, các bệnh viện công ở Brazil thiếu hụt nguồn cung da người, da heo cũng như các nguồn da nhân tạo khác. Thay vào đó, họ thường sử dụng băng gạc nhưng cần phải thay băng thường xuyên và quá trình này vô cùng đau đớn.

Mặt khác, nguồn cá rô phi rất dồi dào trong sông hồ và trang trại nuôi cá ở Brazil, vốn đang không ngừng mở rộng cùng với sự gia tăng nhu cầu tiêu thụ loài cá nước ngọt này.

Các nhà khoa học từ Đại học Liên bang Ceara ở miền bắc Brazil nhận thấy da cá rô phi có độ ẩm, lượng collagen và sức đề kháng ở mức độ tương đương da người, và có thể hỗ trợ quá trình lành vết thương.

Các bác sĩ quấn phần da bị bỏng của đứa bé bằng lớp da cá rô phi đã tiệt trùng tại Viện Jose Frota ở thành phố Fortaleza, Brazil, ngày 3/5/2017. (Ảnh: REUTERS / Paulo Whitaker)

Tại Trung Quốc, các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm da cá rô phi trên chuột để nghiên cứu tính chất làm lành vết thương của nó, nhưng theo các nhà khoa học ở Brazil, đây là lần đầu tiên các thử nghiệm được tiến hành trên người.

“Việc sử dụng da cá rô phi trong điều trị bỏng là chưa từng có trước đây. Da cá thường bị vứt đi, vậy nên chúng tôi muốn biến nó thành thứ gì đó có ích cho xã hội”, Odorico de Morais, giáo sư Đại Học Ceara, cho biết.

Theo các nhà nghiên cứu Brazil, đắp da cá rô phi có thể khiến vết thương lành nhanh hơn vài ngày đồng thời giảm thiểu nhu cầu sử dụng thuốc giảm đau.

Các chuyên viên kỹ thuật phòng thí nghiệm tại trường đại học xử lý da cá bằng các chất khử trùng khác nhau, sau đó gửi nó đến São Paulo để tiến hành chiếu xạ diệt virut trước khi đóng gói và làm lạnh. Da cá một khi được làm sạch và xử lý có thể được bảo quản lên đến 2 năm. Quy trình này cũng giúp khử mùi tanh trên da cá

bỏngCá rô phi và da cá rô phi tại Jaguaribara, Brazil. (Ảnh: Reuters)

Trong các thử nghiệm y khoa, liệu pháp thay thế phi truyền thống đã được áp dụng trên ít nhất 56 bệnh nhân bị bỏng độ hai và độ ba. Antonio Janio là một thợ máy ô tô bị bỏng nặng ở cánh tay khi bình khí ga bị rò rỉ. Anh cho biết việc điều trị bằng da cá rô phi hiệu quả hơn băng gạc, vì chỉ cần thay hai ngày 1 lần.

Da cá có lượng collagen type 1 cao, giữ ẩm lâu hơn băng gạc và không phải thay thường xuyên.

Da cá được đặt trực tiếp lên vùng da bị bỏng, sau đó được băng kín lại mà không cần bất kỳ loại kem bôi bổ sung nào khác. Sau khoảng 10 ngày, các bác sĩ sẽ tháo băng. Lúc này, miếng da cá đã khô và tróc ra khỏi vết thương, nên có thể dễ dàng lột bỏ.

Janio chia sẻ: “Sử dụng da cá rô phi quả rất tuyệt, không đau, không cần uống thuốc. Ít nhất trong trường hợp của tôi, tôi đã không cần phài dùng đến thuốc. Ơn Chúa!”

Morais cho biết điều trị bằng da cá rô phi rẻ hơn 75% so với kem sulfadiazine, vốn thường được dùng để trị bỏng ở Braxin, bởi nó là một phế phẩm không đắt từ trang trại nuôi cá.

Các nhà nghiên cứu hi vọng cách điều trị này sẽ chứng minh được khả năng thương mại và khuyến khích các doanh nghiệp chế biến da cá rô phi cho mục đích y tế.

Ngự Yên

Xem thêm: