Bản kế hoạch của dự án Đường chân trời đã tính toán đầy đủ các chi tiết, từ việc xây dựng căn cứ, phòng thủ, hay thậm chí kế hoạch chiếm đóng lâu dài. Tuy nhiên, để có thể đi vào thực hiện, thì các nhà hoạch định cần phải giải quyết bài toán kinh tế, phải thuyết phục được nội các chính phủ, hay thậm chí là cả dư luận quốc tế.

Trong Phần 1 Phần 2 đã trình bày chi tiết kế hoạch xây dựng căn cứ và phương án chiếm đóng, phòng thủ lâu dài mà các nhà hoạch định dự án Đường chân trời đề xuất. Tiếp theo, họ giải bài toán kinh tế thế nào, cuối cùng, đã từng có căn cứ nào được xây dựng trên Mặt Trăng chưa?

Hạch toán kinh tế

Các nhà hoạch định của Dự án Đường chân trời ước tính việc xây dựng căn cứ và duy trì nó đến hết năm 1967 (thời điểm đó nó đã được vận hành một năm), thì sẽ cần ít nhất 229 quả tên lửa phóng lên Mặt Trăng. Tức là, cứ khoảng một tuần rưỡi sẽ phóng một quả lên, duy trì như vậy trong vòng gần 3 năm.

Đến thời điểm năm 1967, dự án Đường chân trời sẽ cần ít nhất 229 quả tên lửa phóng lên Mặt Trăng. (Ảnh: Czeshop)

Họ ước tính rằng, dự án này sẽ tốn khoảng 6 tỷ USD (tương đương 49 tỷ USD ngày nay) cộng thêm 25 triệu USD để phát triển các loại vũ khí phòng thủ cho căn cứ. Vào thời điểm năm 1959, đó là một khoản tiền lớn.

Tuy nhiên các tác giả của dự án Đường chân trời cho rằng, khoản đó chỉ nhỏ hơn 2% tổng chi phí quốc phòng hàng năm. Hơn nữa, họ còn cảnh báo rằng, nếu Hoa Kỳ đợi cho đến khi có bằng chứng rõ ràng về việc Liên Xô có kế hoạch chiếm Mặt Trăng làm căn cứ, rồi mới triển khai kế hoạch tấn công, thì khi đó cả chi phí, lẫn nguy cơ thất bại đều cao hơn nhiều.

Tổng thống đương nhiệm… không tán thành

Để có thể triển khai Dự án Đường chân trời, thì các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ cần phải qua nhiều cửa ải xét duyệt, trả lời nhiều chất vấn, trong đó quan trọng nhất là làm sao thuyết phục được tổng thống đương nhiệm.

Tổng thống Mỹ khi đó là Dwight D. Ai-xen-hao (Eisenhower), là cựu đại tướng của quân đội Hoa Kỳ, người đã lãnh đạo lực lượng quân đồng minh giành thắng lợi trước quân Phát xít trong Thế chiến II.

Khi lên làm tổng thống, Ai-xen-hao đã rất cẩn trọng trong các chi tiêu quốc phòng, các dự án như: máy bay chạy bằng năng lượng nguyên tử, các dự án trên Mặt Trăng, dự án tia chết, và các dự án khác, đều được ông cân nhắc một cách cẩn trọng.

Tổng thống thứ 34 của Hoa Kỳ Dwight D. Ai-xen-hao (Ảnh: Teoti)

Ông muốn quân đội tập trung nhiều hơn vào các mục tiêu khiêm tốn nhưng khả thi, như xây dựng các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tốt và hiệu quả.

Có lẽ tổng thống Ai-xen-hao là người có công lớn nhất trong việc phủ quyết dự án xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng. Vào tháng 7/1958, ông đã ký quyết định thành lập cục hàng không dân sự – chính là NASA ngày nay, để giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến hàng không, bao gồm cả việc đưa các phi hành gia lên Mặt Trăng. Điều này có nghĩa là quân đội Hoa Kỳ sẽ không được ưu tiên phát triển các chương trình không gian.

Thực tế Tổng thống Ai-xen-hao không quan tâm nhiều đến các chương trình không gian, ông cho rằng, việc chạy đua lên Mặt Trăng với người Xô Viết là một sự lãng phí tiền bạc.

Đây cũng là lý do tại sao mãi đến năm 1969, Neil A. Armstrong mới là người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng. Về mặt công nghệ, Hoa Kỳ đã sẵn sàng từ lâu, nhưng tổng thống Ai-xen-hao không trọng tâm vào việc này, mà phải đến khi người kế nhiệm là John F. Kennedy được bầu làm tổng thống, thì chương trình Apollo mới được thực hiện.

Mối đe dọa từ các chương trình không gian của Liên Xô

Như các nhà hoạch định quân sự Hoa Kỳ lo ngại, năm 1962, Liên Xô đã bắt đầu phát triển các kế hoạch cho một căn cứ quân sự trên Mặt Trăng. Họ đã duy trì nó cho đến tận năm 1974, lâu hơn nhiều so với việc quân đội Mỹ lập kế hoạch Đường chân trời.

Chương trình Mặt Trăng của Liên Xô gồm hai mục tiêu: đưa người lên Mặt Trăng trước người Mỹ và xây dựng một căn cứ quân sự trên đó. Khi Hoa Kỳ chiến thắng Liên Xô và đưa người lên Mặt Trăng vào năm 1969, Liên Xô vẫn có ý định đẩy mạnh việc xây dựng một căn cứ trên Mặt Trăng.

Dự án căn cứ Ngôi sao (Zvezda) của Liên Xô có nhiều điểm tương đồng với dự án Đường chân trời: Các mô-đun doanh trại cũng được đưa lên Mặt Trăng trước khi các phi hành gia lên đó. Tất cả 9 mô-đun sẽ được đưa lên Mặt Trăng, một số được đưa lên trước các phi hành gia, một số được đưa lên sau, các mô-đun này cũng sẽ được liên kết lại với nhau để xây dựng thành căn cứ.

Dự án căn cứ trên Mặt Trăng của Liên Xô. (Ảnh: Apiemistika)

Có chút khác biệt so với các mô-đun của Hoa Kỳ, các mô-đun của Liên Xô có thể mở rộng được. Sau khi được đưa lên Mặt Trăng trong trạng thái bị nén, các phi hành gia sẽ bơm khí áp vào, làm cho các mô-đun mở rộng từ 4,6m ra tới kích thước lớn nhất, khoảng 9,2m. Các mô-đun sẽ được lắp ráp trên các bánh xe, rồi một mô-đun đặc biệt, gọi là xe kéo, sẽ đưa các bộ phận của căn cứ từ nơi này qua nơi khác, giống như một đầu máy xe lửa.

Giống với dự án Đường chân trời, năng lượng cho căn cứ sẽ được cấp từ các lò phản ứng hạt nhân, và nếu cần thiết, các mô-đun cũng sẽ được phủ bởi sỏi đá để bảo vệ căn cứ khỏi thiên thạch và khoảng chênh lệch lớn về nhiệt trên Mặt Trăng.

Tuy nhiên, Liên Xô đã không bao giờ thực hiện được kế hoạch của mình, họ đã không thể phóng tên lửa lên Mặt Trăng. Tên lửa đẩy hạng nặng N-1 của Liên Xô đã có nhiều lỗi trong thiết kế, làm cho tất cả 4 lần phóng thử đều kết thúc trong thất bại.

Cả 4 lần phóng tên lửa đẩy hạng nặng N-1 của Liên Xô đều thất bại. (Ảnh: Mid-atlantic)

Một tên lửa đã bị thổi bay ngay trên bệ phóng, một cái khác đã phát nổ sau chưa đầy 2 phút được phóng lên, hai tên lửa khác đã hoạt động lỗi và lao trở lại Trái Đất. Thủ tướng Liên Xô đã hủy bỏ chương trình Mặt Trăng vào năm 1974. Phiên bản kế tiếp của tên lửa N-1, là tên lửa Vulkan, được đề xuất trong cùng năm, nhưng đã không bao giờ được xây dựng.

Hiệp ước Ngoài không gian ra đời

Dự án Đường chân trời của Hoa Kỳ đã hoàn toàn sụp đổ vào năm 1967, khi Mỹ, Liên Xô, và hơn 60 quốc gia khác đã ký Hiệp ước Ngoài không gian. Theo đó, cấm các quốc gia chiếm Mặt Trăng, các hành tinh, và các thiên thể khác làm lãnh thổ của mình. Hiệp ước này cũng giới hạn mục đích của các chương trình không gian, chỉ phục vụ cho các mục tiêu hòa bình, cấm triển khai vũ khí hạt nhân hoặc các loại vũ khí hủy diệt lớn lên quỹ đạo không gian quanh Trái Đất.

Đặc biệt, Hiệp ước Ngoài không gian cấm “xây dựng các căn cứ quân sự, thiết lập, củng cố, thử nghiệm vũ khí, hay tổ chức các chương trình diễn tập quân sự trên các thiên thể.”

Hiệp ước Ngoài không gian cấm các quốc gia chiếm Mặt Trăng và các hành tinh khác làm lãnh thổ riêng. (Ảnh: twitter)

Nhìn lại lịch sử

Việc chạy đua vũ trang thời chiến tranh lạnh đã cho ra đời bao mối nguy hại cho nhân loại, trong đó đáng kể nhất là các loại vũ khí hạt nhân. Thật may mắn khi quân đội Hoa Kỳ không được bật đèn xanh để xây dựng căn cứ trên Mặt Trăng, bởi đó sẽ là mối nguy hại rất lớn cho sự an nguy của Trái Đất, hơn nữa sẽ tiêu tốn rất nhiều tài vật của Mỹ.

Ước tính chi phí mà các nhà hoạch định của dự án Đường chân trời nêu ra là quá thấp. Thực tế sẽ cao hơn rất nhiều, bởi so sánh với chương trình Apollo có quy mô khiêm tốn hơn nhiều, thì chỉ với 6 lần phóng lên Mặt Trăng từ năm 1969 đến 1972, cộng thêm lần thứ 7 thất bại (tàu Apollo 13 đã bị nổ giữa chừng), mà chi phí của dự án Apollo đã tốn 25 tỷ USD, đã bằng một nửa chi phí mà dự án Đường chân trời ước lượng. Như vậy chi phí cho Dự án Đường chân trời, với 229 lần phóng lên Mặt Trăng, sẽ tiêu tốn nhiều hơn rất rất nhiều.

Nhìn lại lịch sử, kết nối sự kiện thì thấy rằng mọi việc đều không ngẫu nhiên, như trong tôn giáo giảng, rằng mọi việc trên thế gian đều có an bài, bởi thử nghĩ, nếu căn cứ quân sự được xây lên, các tên lửa hạt nhân được triển khai lên đó, chỉ chờ bấm một nút để kích hoạt từ xa, Hoa Kỳ và Liên Xô lại càng đẩy mạnh việc tấn công và phòng thủ, thì Trái Đất của chúng ta sẽ là mục tiêu, con người sẽ là nạn nhân, nhưng tại các thời khắc trọng yếu đều có những nhân tố trợ giúp, tổng thống Ai-xen-hao là một trường hợp như vậy.

Đường Chính