Theo một nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature, băng tại Greenland hiện đang tan chảy nhanh hơn bất kỳ thời điểm nào trong vòng 350 năm qua. Nghiên cứu này là sự phân tích lần đầu tiên liên tục trong nhiều thế kỷ về sự tan chảy của băng – một trong những nguyên nhân lớn nhất làm mực nước biển dâng trên toàn cầu.

Dẫn đầu bởi nhà nghiên cứu khoa học khí hậu Luke Trusel thuộc Đại học Rowan, một nhóm các nhà nghiên cứu Mỹ và châu Âu đã phân tích hơn ba thế kỷ mô hình tan chảy trong lõi băng từ phía Tây Greenland. Sau đó, họ liên kết dữ liệu lịch sử này với các quan sát hiện đại về sự tan chảy trên toàn bộ dải băng để tạo ra một biểu đồ tan chảy của băng xuất phát từ năm 1650 cho tới nay.

Sarah Das, một nhà nghiên cứu về băng tại Viện Hải dương học Woods Hole và là đồng tác giả của nghiên cứu mới cho biết: “Từ góc nhìn lịch sử, tỷ lệ tan chảy của băng ở thời điểm hiện tại đã tăng 50% so với tổng lượng băng tan chảy vào thời kỳ công nghiệp bắt đầu và tăng 30% kể từ thế kỷ 20.”

Tấm băng lớn thứ hai thế giới sau Nam Cực tại Greenland ước tính bổ sung thêm nước vào mực nước biển toàn cầu mỗi năm là 0,8mm nếu tan chảy (theo NASA). (Ảnh: Stuff.co.nz)

Theo phân tích này, sự tan chảy của băng tại Greenland tăng tốc vào giữa những năm 1800, ngay sau sự khởi đầu của cách mạng công nghiệp tại Bắc Cực. Trong 20 năm qua, cường độ tan chảy đã tăng từ 250 đến 575% so với tỷ lệ tan chảy trước thời kỳ tiền công nghiệp. Sự tan chảy nhanh hơn trong năm 2012 so với bất kỳ năm nào khác và thập kỷ gần đây nhất trong phân tích lõi băng, giai đoạn 2004-2013 đã trải qua một cường độ lớn hơn nhiều so với bất kỳ thập kỷ nào khác trong hồ sơ 350 năm.

Trusel nói với tạp chí Nature: “Sự tan chảy đang ngày một tăng tốc và đó là một mối quan ngại lớn với tương lai.”

Các dải băng Greenland là tác nhân lớn nhất gây ra mực nước biển dâng toàn cầu hiện nay, tăng thêm 72 dặm khối nước tan vào các đại dương trên thế giới mỗi năm. Dải băng có khả năng làm tăng mực nước biển toàn cầu khoảng hơn 7 mét nếu nó tan chảy toàn bộ.

Nhật Quang