Trang BBC đăng tải một video đồ họa máy tính với các hình ảnh động cho thấy sự tập trung và chuyển động trong bầu khí quyển của nitơ điôxít (NO₂ – nitrogen dioxide) trên khắp trên lục địa Châu Âu.

Bản đồ bao gồm một khoảng thời gian mẫu từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 1. Nó mô tả hành vi của NO₂ ở mặt đất trên cơ sở hàng giờ. Đỉnh điểm của sự ô nhiễm không khí được mô tả bằng màu trắng.

NO₂ là một loại khí độc hại được tạo ra chủ yếu bởi khí thải xe cộ và hoạt động công nghiệp thông qua việc đốt nhiên liệu hóa thạch.

Bản đồ ô nhiễm không khí này được sản xuất bởi Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS), có trụ sở tại Trung tâm dự báo thời tiết tầm trung châu Âu (ECMWF) ở Reading nhờ sự hỗ trợ của các vệ tinh.

Nhưng vì tập hợp dữ liệu quá đồ sộ, chúng không đưa ra một bức tranh hoàn chỉnh theo thời gian thực. Vì vậy, các nhà khoa học cũng phải kết hợp thông tin cảm biến với các mô hình về cách khí quyển di chuyển và trạng thái thời tiết để hoàn thành tác phẩm.

Một trong những điều đầu tiên bạn sẽ chú ý trong bản đồ là sự phổ biến của NO₂ bắt nguồn từ “những nghi phạm thông thường”.

Richard Engelen, phó giám đốc của CAMS giải thích với BBC News: “Những gì bạn thấy ngay lập tức là ô nhiễm xuất hiện dày đặc tại các thành phố lớn. Bạn thấy Madrid, bạn thấy Paris, bạn thấy Moscow, bạn thấy London. Sau đó, bạn sẽ thấy sự gia tăng ô nhiễm ở các khu vực sản xuất công nghiệp, không chỉ ở Đức mà còn ở Anh. Bạn cũng sẽ thấy những khu vực có cơ sở hạ tầng giao thông rất dày đặc, chẳng hạn như Hà Lan và Bỉ, nơi bạn có mật độ giao thông lớn từ hai cảng chính tại Rotterdam và Antwerp. Đây là những nguồn phát thải luôn ở tần suất cao”.

Cũng lưu ý dòng khí thải phát ra từ eo biển Gibraltar khi các tàu xếp hàng để điều hướng lối vào và ra khỏi Địa Trung Hải. Nó cũng cho thấy hai dãy núi lớn của châu Âu, Pyrenees và dãy Alps, đóng vai trò là rào cản đối với sự di chuyển của sự ô nhiễm.

Ở miền bắc Italy, dãy Alps khiến khí thải NO₂ đọng lại ở Thung lũng Po, khiến khu vực này nằm trong vùng không khí bẩn nhất ở châu Âu. Bản đồ trên cũng chứng minh một điều, đó là ô nhiễm không tôn trọng vấn đề biên giới quốc gia.

Các hạng mục đóng góp sự gia tăng NO2 trong không khí (Ảnh: DEFRA)

Nhiệm vụ của CAMS là cung cấp một luồng dữ liệu liên tục về chất lượng không khí, không chỉ cho NO₂, mà là một loạt các chất gây ô nhiễm khác (bao gồm cả khí nhà kính).

Các sản phẩm của dịch vụ sẽ sớm có mặt trên các ứng dụng điện thoại thông minh mà công chúng và doanh nghiệp có thể sử dụng. Và, tất nhiên, tất cả các thông tin được cung cấp cho các nhà hoạch định chính sách để họ có thể thực hiện các bước để làm sạch bầu không khí.

Vincent-Henri Peuch, người đứng đầu của CAMS cho biết: “Những quan sát mà chúng tôi có được đang là duy nhất trên thế giới. Để cung cấp các sản phẩm của CAMS, chúng tôi xây dựng trên tất cả các quan sát có được để dự đoán thời tiết bằng số hóa. Lượng dữ liệu vệ tinh và tại chỗ mà chúng tôi nhận được không có giá trị tương đương.

“Đó là một ví dụ rất hay về việc tập hợp các nguồn lực ở cấp độ châu Âu để cung cấp các sản phẩm mà không một quốc gia nào có thể tự phát triển.”

Theo luật của EU, mức NO₂ trung bình mỗi giờ không được vượt quá 200 microgam trên một mét khối không khí hơn 18 lần trong một năm; và giá trị trung bình hàng năm của NO₂ không được vượt quá 40 microgam trên mét khối.

Nhật Quang