Bác sĩ Rick Sheff lớn lên trong nền văn hóa Do Thái giáo, nhưng về cơ bản ông là một người vô thần. Trong ngày Lễ Vượt Qua, gia đình ông sẽ ngồi với nhau để thảo luận về các cách giải thích khoa học tiềm năng cho việc vượt Biển Đỏ trong hành trình di tản ra khỏi Ai Cập của người Do Thái.

“Ba nghĩ Mô-sê đã biết cách xem các sơ đồ thủy triều”, cha ông trêu đùa. Đối với họ, đây là một dịp để tưởng nhớ đến một chiến thắng chính trị dưới sự lãnh đạo của nhân vật lịch sử Mô-sê. Nó không có liên quan gì đến Chúa. Từ thửa nhỏ ông đã được dạy rằng khoa học nắm giữ câu trả lời cho cách thức thế giới vận hành.

bac si rich sheff
Bác sĩ Rick Sheff. (Ảnh: Internet)

Là một bác sĩ y khoa, ông Sheff đã chia sẻ với các bệnh nhân của mình những trải nghiệm cá nhân dường như đã thách thức vốn hiểu biết của y học hiện đại. Từng cái một, ông đã có thể phủ nhận mỗi sự kiện như một hiện tượng hiếm gặp, một điều dị thường. Nhưng những “điểm dữ kiện” này, theo cách gọi của ông, đã bắt đầu tích tụ nhiều lên.

Hai điểm dữ kiện đáng kinh ngạc, cụ thể là các trải nghiệm hiện tượng thần giao cách cảm, đã tạo nên những vết nứt trong lớp áo giáp vô thần của ông và phá vỡ cái ông gọi là “mạng lưới niềm tin” của ông vốn được dựa trên khoa học hiện đại. Việc tái thiết lập mạng lưới đó đòi hỏi phải có một sự đan kết giữa tâm linh và một mô thức khoa học mới.

‘Mạng lưới niềm tin’ của bạn là gì?

mang luoi niem tin
(Ảnh: Mihamau/iStock)

Ông Sheff là một bác sĩ gia đình, một tác giả, và là giám đốc chuyên môn của công ty tư vấn chăm sóc sức khỏe The Greeley Company ở Mỹ. Ông học ngành triết học tại Đại học Oxford (Anh) trước khi theo học tại Trường Y Đại học Pennsylvania (Mỹ).

Là một sinh viên ngành triết, ông đã được học về triết gia nổi tiếng người Mỹ Willard Van Orman Quine (1908–2000), người đã đặt ra thuật ngữ “mạng lưới niềm tin”.

Ông Sheff giải thích thuật ngữ này một cách tóm lược như sau: “Mỗi người trong chúng ta hoạt động trong một mạng lưới niềm tin cá nhân. Hãy nghĩ về nó như một mạng lưới các tuyên bố kiến thức tương hỗ lẫn nhau về thế giới xung quanh”.

“Khi chúng ta đối mặt với một điểm dữ kiện—một trải nghiệm, hay một kết quả khoa học—không phù hợp với mạng lưới niềm tin của bản thân, ba lựa chọn sẽ được bày ra trước mắt”, ông nói. Lựa chọn thứ nhất là phủ nhận đây là một “dữ kiện”.

Chúng ta có thể phủ nhận nó như “chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”, hoặc trong một nghiên cứu khoa học chúng ta có thể giả định đây là một sai số đo lường. Lấy ví dụ, các nhà khoa học có thể nói rằng, “Cho tới khi nghiên cứu này được tái lập độc lập bởi một số những người khác, tôi sẽ không công nhận tính hợp lệ của dữ kiện này. Đó không phải là dữ kiện”.

“Khi chúng ta đối mặt với một điểm dữ kiện—một trải nghiệm, hay một kết quả khoa học—không phù hợp với mạng lưới niềm tin của bản thân, ba lựa chọn sẽ được bày ra trước mắt”.

— Tiến sĩ Rick Sheff

Lựa chọn thứ hai là chấp nhận nó như một loại dữ kiện bất thường. Dữ kiện này sẽ nằm tại vùng ngoại vi của mạng lưới niềm tin và sẽ không ảnh hưởng đến phần lõi. Chúng ta có thể nói rằng, “Điều đó thật kỳ lạ”, hay “Điều đó quả thật dị thường”, nhưng sẽ không nghĩ nhiều thêm về nó.

Lựa chọn thứ ba là cho phép nó xâm nhập sâu hơn và sâu hơn nữa vào trong mạng lưới niềm tin, tạo nên những thay đổi ở phần lõi. Đây là điều rốt cục đã xảy đến với ông Sheff.

Rốt cục các điểm dữ kiện này đã phá vỡ mạng lưới niềm tin của ông. Sự phá vỡ này khá đau đớn lúc ban đầu, nhưng “kết quả lại tràn ngập sự hân hoan hơn tôi tưởng”. Đó là nguồn gốc của tiêu đề cuốn sách của ông, “Joyfully Shattered (Tan nát trong hân hoan)”, trong đó ông kể lại câu chuyện của mình và thảo luận điều ông nhìn thấy đối với tương lai của khoa học—một nền khoa học hòa hợp với tâm linh thay vì phản bác, phủ nhận nó.

Các trải nghiệm ‘thần giao cách cảm’

Ông Sheff từng có một bệnh nhân, một đứa trẻ 6 tháng tuổi tên Ryan, lúc đó đang trong giai đoạn cuối. Căn bệnh đến một cách đột ngột, và cha đứa trẻ, Tom, đã đau khổ khi biết được rằng đứa con của mình sẽ chết. Ryan đã có thể cầm cự lâu hơn dự tính nhưng đứa bé đang ở trong tình trạng rất nguy kịch.

Một trực giác chưa từng có đã xảy đến với ông Sheff.

Ông cảm nhận được rằng Ryan có thể cầm cự lâu hơn vì ông biết cha đứa trẻ sẽ không thể chấp nhận cái chết của cậu. Chưa bao giờ ông Sheff có một ý nghĩ như vậy hay nói bất cứ điều gì giống với điều ông đã bảo Tom – cha đưa trẻ lúc đó: Ông gợi ý Tom hãy đến bên cạnh giường Ryan và bảo cậu rằng sẽ không vấn đề gì nếu cậu rời đi. Đứa trẻ đã mất hai giờ sau đó.

“Nhà khoa học bên trong tôi muốn nói rằng tất cả đây chỉ là một sự trùng hợp”, ông Sheff đã viết trong quyển sách của mình. “Dán nhãn nó là một sự trùng hợp sẽ bảo trì niềm tin của tôi vào nền khoa học mà tôi đã được dạy dỗ”.

“Dán nhãn nó là một sự trùng hợp sẽ bảo trì niềm tin của tôi vào nền khoa học mà tôi đã được dạy dỗ”.

— Tiến sĩ Rick Sheff

Vợ của ông Sheff, Marsha, đã mang thai. Người bạn thân nhất của cô, Susan, lúc đó cũng đang mang thai.

phu nu mang thai
(Ảnh: G-stockstudio/iStock)

Một buổi sáng nọ vào lúc 4:30 phút, Marsha đã choàng tỉnh từ một giấc ngủ sâu và nói, “Susan đang trở dạ, em cảm nhận được điều đó”. Cô cảm thấy ngưa ngứa, một luồng năng lượng tràn ngập trong khắp cơ thể của mình. Cô tỏ ra khá chắc chắn về điều này, nhưng đã không liên hệ với Susan và đi ngủ trở lại. Sau này cô phát hiện ra rằng Susan đã bắt đầu trở dạ vào lúc 4:30 sáng.

“Đột nhiên tôi hiểu ra rằng con người có thể liên lạc với nhau từ khoảng cách xa”, ông Sheff nói. Ông đã kể với một đồng nghiệp về trải nghiệm này. Vị bác sĩ đồng nghiệp này đáp lại, “Đó không phải là dữ kiện, đó chỉ là một sự trùng hợp ngẫu nhiên”.

Trong cuốn sách của mình, ông Sheff đã miêu tả phản ứng của mình vào lúc đó: “Anh nói đó là một sự trùng hợp nghĩa là sao? Xác suất để Marsha tỉnh dậy vào đúng thời điểm Susan cũng tỉnh dậy với cơn co thắt dạ con đầu tiên, và Marsha tràn ngập năng lượng đồng thời biết rằng Susan đang trở dạ, là quá nhỏ, nên chắc chắn phải có thứ gì đó ở đằng sau.

“Nếu chỉ đơn giản gọi đây là một sự trùng hợp, thì bạn đang hành động theo niềm tin thuần túy. Đó không phải là [một lý luận] khoa học tốt”.

Xem thêm:

Ông đã chia sẻ với Đại Kỷ Nguyên rằng nếu ai đó đến kể với ông về một sự việc như vậy trong khi ông vẫn còn đang chìm đắm trong chủ nghĩa duy vật tuyệt đối, thì ông cũng sẽ có phản ứng tương tự. Ông Sheff không bực những người như người bạn đồng nghiệp của ông, vì ông hiểu được quan điểm của họ.

“Đối với ai muốn tin, không có bằng chứng nào là cần thiết. Đối với ai không muốn tin, không có bằng chứng nào là đủ”.

— Thánh Ignatius dòng Loyola

Ông trích dẫn câu nói của Thánh Ignatius dòng Loyola: “Đối với ai muốn tin, không cần có bằng chứng. Đối với ai không muốn tin, không có bằng chứng nào là đủ”.

“Có nhất thiết phải như vậy không?” ông Sheff đặt câu hỏi.

Mô thức mới

“Rick, nghe này”, người bạn đồng nghiệp của ông Sheff nói khi ông đề cập đến một sự thay đổi mô thức trong giới khoa học, “Tôi không nghi ngờ việc anh đã có những trải nghiệm cá nhân chủ quan mà anh đã chia sẻ với chúng tôi trong những năm qua. Nhưng chúng chỉ là vậy, [các trải nghiệm mang tính] chủ quan. Đó không phải là khoa học. Khoa học đòi hỏi phải có dữ kiện, các dữ liện công cộng để người khác có thể thí nghiệm, tái lập, và phản bác. Bất cứ điều gì anh đang làm, làm ơn đừng nhầm lẫn chúng với khoa học”.

Anh ta nói đúng, ông Sheff cần nhiều hơn thế. “Một nhà khoa học giỏi bám theo các dữ kiện bất kể chúng dẫn anh ta đến đâu, thay vì cắt xén hành trình này dựa trên các quan điểm hay lý thuyết đã được định trước. Tôi có dũng cảm để theo đuổi những điểm dữ kiện này, và chúng đã hướng tôi gia nhập nhóm người ngày càng đông đang tìm kiếm một mô thức khoa học mới. Nhưng anh ta nói đúng. Các điểm dữ kiện của tôi không thể trụ vững trước sự kiểm nghiệm của khoa học”.

Anh ta nói đúng. Các điểm dữ kiện của tôi không thể trụ vững trước sự kiểm nghiệm của khoa học.

— Bác sĩ Rick Sheff

Đúng một tuần sau, ông Sheff gặp gỡ Giáo sư William Tiller, và trong công trình của GS Tiller, ông đã tìm thấy thứ có thể là nền tảng cho một mô thức mới.

GS Tiller đã có một sự nghiệp thành công trong ngành khoa học truyền thống. Ông nguyên là giáo sư tại Đại học Stanford và trưởng khoa khoa học vật liệu và kỹ thuật ở đây, với vô số các bài viết đã được đăng tải trên các tạp chí khoa học bình duyệt.

Nhưng, giống với ông Sheff, ông cho rằng khoa học đang sắp sửa trải qua một sự thay đổi mô thức với quy mô như thuyết nhật tâm của Copernicus. GS Tiller đã trao đổi với Đại Kỷ Nguyên trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2014: “Có hàng nghìn người trong vòng 150 năm qua đã từng thực hiện những điều đáng kinh ngạc mà có thể được liệt vào phạm trù cận tâm lý học, một phạm trù đã bị ngành khoa học chính thống bài xích, vì các kết quả của chúng không tương đồng nội tại với các kết quả của họ”.

“Bất cứ thứ gì không phù hợp với các kết quả của họ và cách thức để đi đến các kết quả đó, họ đều cho đó là bỏ đi”, ông cho hay.

giao su stanford william tiller
GS William Tiller (Ảnh: GS William Tiller)

Một phát hiện chủ chốt của GS Tiller đã khiến ông Sheff rất kinh ngạc, đó là các nhà khoa học có thể tác động đến các kết quả thí nghiệm bằng chính suy nghĩ của mình.

Các thí nghiệm của GS Tiller đã cho thấy ý định của con người có thể làm biến đổi nồng độ pH của nước, hoạt động của một enzyme trong một ống nghiệm, cũng như các quá trình sinh học trong một sinh vật sống. Ông đã tiến hành nhiều thí nghiệm cho thấy các tác động mang tính vật lý của ý niệm con người.

Ông Sheff đã viết về phát hiện của GS Tiller trong cuốn sách của ông như sau: “Kể từ những ngày của Descartes, Bacon, và Newton, nghiên cứu trong các ngành khoa học tự nhiên đã được đặt định trên một giả định ngầm rằng không một đặc trưng nào của nhận thức, ý định, cảm xúc, tâm trí, hay linh hồn của con người có thể tác động đáng kể đến một thí nghiệm mục tiêu được thiết kế tốt trong thế giới vật lý thực tại”.

Có một “giả định cốt lõi về sự tồn tại của một mạng lưới niềm tin phổ biến, nhưng không phải là một ‘thực tế’ đã được chứng minh”, ông viết.

Các bài học cho tương lai trong lịch sử khoa học

Vào cuối thế kỷ 19 rất nhiều nhà khoa học cảm thấy rằng tất cả các phát hiện chủ chốt đều đã được kiến lập, ông Sheff nói. Họ đã có một vốn hiểu biết nhất định về điện từ học và nhiệt động lực học, bảng tuần hoàn các nguyên tố hóa học đã được kiến lập, và Newton đã xây dựng một mô thức cho ngành vật lý học.

Nhưng có các điểm dữ kiện không ăn khớp vào thời đó. Lấy ví dụ, sự bất thường trong quỹ đạo quay của Sao Thủy không thể được giải thích bằng vật lý Newton. Albert Einstein giả thuyết rằng tốc độ ánh sáng nhìn chung sẽ thay đổi, nhưng nó lại là một hằng số trong bất kỳ khung tham chiếu nào được đưa ra, và đây là một sự thiên lệch so với hiểu biết của Newton.

Thuyết tương đối của Einstein đưa ra một sự thay đổi mô thức khác và cho chúng ta thấy thời gian và không gian là không như chúng ta tưởng (không cố định). Cơ học lượng tử thúc đẩy một sự thay đổi khác, và mô thức ngày nay bao gồm cơ học lượng tử và Thuyết Tương Đối.

Ông Sheff đặt câu hỏi: “Nhưng liệu có bất kỳ ai cho rằng đây đã là điểm kết thúc, là mô thức cuối cùng, hay chân lý tối hậu?”

Trong chuyên mục Khoa học huyền bí, Đại Kỷ Nguyên khám phá các nghiên cứu và các sự kiện có liên quan tới các hiện tượng và giả thuyết đang thách đố hiểu biết của chúng ta hiện nay. Chúng tôi sẽ đào sâu vào những ý tưỏng có thể kích thích trí tưởng tượng và mở ra những khả năng mới. Hãy chia sẻ với chúng tôi suy nghĩ của bạn về những chủ đề có thể gây nhiều tranh cãi trong phần bình luận bên dưới.

Tác giả: Tara MacIsaac, Đại Kỷ Nguyên Anh ngữ.
Đọc bản gốc ở đây.
Quý Khải biên dịch